Chi tiết Hỏi đáp thuộc lĩnh vực
Tổng hợp
Hỏi đáp - Nguyễn Thế Tiệp
Ngày 30/6/2022 Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 07/2022/TT-BTTT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 46/2017/TT-BTTTT ngày 29/12/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức âm thanh viên, phát thanh viên, kỹ thuật dựng phim, quay phim thuộc chuyên ngành Thông tin và Truyền thông.
Ngày 26/8/2022 Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 13/2022/TT-BTTT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên và đạo diễn truyền hình thuộc chuyên ngành Thông tin và Truyền thông; thay thế Thông tư số 11/2016/TTLT-BTTT-BNV ngày 07/4/2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Nội vụ.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện tại đơn vị, tôi nhận thấy còn gặp một số khó khăn, vướng mắc đề nghị Bộ giải đáp như:
1. Thông tư số 03/2021/TT-BTTTT ngày 25/6/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông Quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành Thông tin và Truyền thông lại chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung theo 02 Thông tư nêu trên nên khi thực hiện còn có sự chồng chéo.
2. Tại điểm c, khoản 2, Điều 6 Thông tư số 03/2021/TT-BTTTT quy định
“c) Đối với viên chức dự xét thăng hạng từ hạng IV lên hạng III: Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV được khen thưởng Bằng khen cấp bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương trở lên hoặc đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.
Vậy các giải thưởng như giải vàng, bạc, đồng, khuyến khích, bằng khen tham dự liên hoan phát thanh, truyền hình toàn quốc và các giải báo chí quốc gia hàng năm có được coi là thàch tích xuất sắc để xét thăng hạng viên chức hay không ?
3. Tôi được biết vừa qua Bộ Nội vụ có Công văn số 2424/BNV-CCVC ngày 23/5/2023 về việc góp ý một số nội dung sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 115/2020/NĐ-CP và Nghị định số 138/2020/NĐ-CP. Trong đó: Đề xuất bỏ quy định về thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức (giữ quy định xét thăng hạng).
Vậy Bộ Thông tin và Truyền thông cho tôi hỏi: Trong thời gian tới Bộ có phương án sửa đổi, bổ sung Thông tư số 03/2021/TT-BTTTT như thế nào ?
4. Hiện nay các Bộ: Y tế, Khoa học và Công nghệ; Giáo dục và Đào tạo (hạng III lên hạng II)… chỉ quy định xét thăng hạng viên chức thông qua việc xét thẩm định hồ sơ đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện của hạng chức danh. Trong khi đó, Bộ Thông tin và Truyền thông lại quy định việc xét thăng hạng viên chức phải qua 2 vòng: Vòng 1 thẩm định hồ sơ dự xét; vòng 2 kiểm tra sát hạch về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; ngoại ngữ; tin học theo quy định của chức danh nghề ngiệp viên chức.
Như vậy, việc tổ chức xét thăng hạng ở vòng 2 không khác gì việc tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, gây áp lực tâm lý đối với viên chức, tốn kém kinh phí cho đơn vị. Do đó, đề nghị Bộ xem xét, nghiên cứu bỏ quy định kiểm tra, sát hạch tại vòng 2 đối với việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức (giữ quy định xét thăng hạng thông qua việc thẩm định hồ sơ).
Trả lời
Bộ Thông tin và Truyền thông (Vụ Tổ chức cán bộ) giải đáp thắc mắc của bạn lần lượt như sau:
1. Do câu hỏi của bạn không nêu rõ sự chồng chéo giữa Thông tư số 03/2021/TT-BTTTT ngày 25/6/2021 với các Thông tư số 07/2022/TT-BTTT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 46/2017/TT-BTTTT ngày 29/12/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông; Thông tư số 13/2022/TT-BTTT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên và đạo diễn truyền hình thuộc chuyên ngành Thông tin và Truyền thông; thay thế Thông tư số 11/2016/TTLT-BTTT-BNV ngày 07/4/2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Nội vụ nên Bộ Thông tin và Truyền thông không thể giải đáp chính xác thắc mắc này của bạn.
Tuy nhiên, trong Thông tư số 03/2021/TT-BTTTT ngày 25/6/2021, tại Khoản 3 Điều 11 có quy định: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản quy phạm pháp luật đã sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.”. Bạn có thể nghiên cứu thêm nội dung này.
2. Điểm c, khoản 2, Điều 6 Thông tư số 03/2021/TT-BTTTT quy định “Đối với viên chức dự xét thăng hạng từ hạng IV lên hạng III: Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV được khen thưởng Bằng khen cấp bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương trở lên hoặc đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”.
Khoản 1 Điều 1 Thông tư 08/2017/TT-BNV của Bộ Nội vụ về hướng dẫn Nghị định 91/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật thi đua, khen thưởng có quy định:
Bộ, ban, ngành trung ương là: Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Trung ương Đảng, các Ban của Đảng ở trung ương, Kiểm toán Nhà nước; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể.
Vì vậy nếu bạn được bằng khen của các tổ chức được quy định nói trên thì sẽ đáp ứng tiêu chuẩn về thành tích xuất sắc để xét thăng hạng viên chức.
3. 4. Sau khi Nghị định số 115/2020/NĐ-CP được sửa đổi, ban hành và có hiệu lực, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ sửa đổi Thông tư 03/2021/TT-BTTTT để phù hợp với quy định của pháp luật.