Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Chủ nhật, ngày 03/12/2023

TIN HOẠT ĐỘNG

Quản lý thuê bao di động trả trước 2 năm nhìn lại

30/11/2009 16:24 CH Xem cỡ chữ
(Mic.gov.vn) - 
Cho đến nay, chủ trương, chính sách quản lý thuê bao trả trước đã triển khai được hơn hai năm. Với 02 năm, thời gian chưa đủ dài để khẳng định được hết những hiệu quả, tính đúng đắn của một chính sách cũng như đánh giá được hết hiệu lực thực thi ở các đối tượng chịu sự điều chỉnh. Nhìn một cách tổng thể, trong một chừng mực nhất định, quản lý thuê bao trả trước đã đạt được những mặt tích cực cần tiếp tục phát huy trong thời gian tới.

Quay lại thời điểm trước khi Quyết định số 03/2007/QĐ-BTTTT ngày 04/9/2007 được ban hành, hàng tháng các cơ quan chức năng có liên quan nhận được hàng chục vụ khiếu nại liên quan đến việc điện thoại, tin nhắn lừa đảo, tống tiền, đe doạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm…. Đối tượng bị quấy nhiễu không thiếu bất cứ ai, từ lãnh đạo nhà nước, giám đốc các doanh nghiệp đến bất cứ người dân bình thường nào. Thủ phạm của những cuộc điện thoại, những tin nhắn nói trên không ai khác là từ thuê bao trả trước. Về phía các doanh nghiệp, hệ luỵ từ việc giải quyết các khiếu nại từ thuê bao trả trước cũng làm mất thời gian, công sức và ít nhiều ảnh hưởng đến lòng tin của khách hàng. Đặc biệt, sau thời gian dài sử dụng các đường điện thoại cố định hữu tuyến, các đường trung kế thuê của doanh nghiệp viễn thông để trộm cắp cước viễn thông quốc tế, các đối tượng cả trong nước và quốc tế có xu hướng sử dụng thuê bao di động trả trước để trốn tránh điều tra của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Cụ thể trong năm 2005, cơ quan chức năng đã phát hiện, bắt giữ 18 vụ trộm cước viễn thông quốc tế sử dụng thuê bao trả trước, thiệt hại gây ra cho nhà nước hơn 30 tỷ đồng. Những số liệu nói trên đã cho thấy, việc quản lý thuê bao trả trước là điều rất cần thiết. Nhất là từ khi quan niệm về số điện thoại đẹp, số phong thuỷ… được nhiều người quan tâm, tìm mua, thị trường SIM số đẹp trở nên nóng bỏng thì những vấn đề liên quan đến quản lý thông tin thuê bao trả trước càng cần được đề cập đến nhiều hơn.

Để quản lý thuê bao trả trước, Quyết định số 03/2007/QĐ-BTTTT ngày 04/9/2007 bắt buộc tất cả các thuê bao phải đăng ký thông tin bao gồm: Số máy thuê bao, họ và tên đầy đủ của chủ thuê bao, ngày tháng năm sinh của chủ thuê bao, số chứng minh thư của chủ thuê bao. Đối với chủ thuê bao là người nước ngoài thì bổ sung thêm quốc tịch của chủ thuê bao và thay chứng minh thư bằng số hộ chiếu. Đối với thuê bao là cơ quan, tổ chức thì quản lý thông tin thuê bao theo các thông tin của người đứng tên đại diện cho cơ quan, tổ chức. Việc đăng ký thông tin dựa trên nguyên tắc hợp lý, đơn giản, không gây phiền hà và không tạo thêm chi phí cho chủ thuê bao. Thông tin thuê bao được đăng ký, lưu giữ thống nhất, tập trung, tin cậy, sử dụng đúng mục đích và được đảm bảo bí mật. Tất cả các đối tượng, bao gồm: Chủ thuê bao bắt đầu sử dụng dịch vụ di động trả trước, thuê bao di động trả trước đang được mở hai chiều, thuê bao di động trả trước đã bị khoá một chiều, thuê bao di động trả trước đã bị khoá hai chiều nhưng đang còn trong thời gian được giữ số thuê bao theo quy định và đăng ký sử dụng lại, thuê bao di động trả trước thay đổi thông tin đăng ký đều phải tiến hành đăng ký thông tin.

Doanh nghiệp di động tích cực tổ chức đăng ký thông tin thuê bao trả trước

Triển khai Quyết định số 03/2007/QĐ-BTTTT, trong thời gian đầu, các doanh nghiệp thông tin di động đã khá chủ động trong việc tổ chức đăng ký thông tin thuê bao trả trước, điều này thể hiện ở việc triển khai hệ thống thiết bị thu thập, quản lý thông tin đăng ký; ký kết thoả thuận uỷ quyền và cấp SIM đăng ký thông tin (tạm gọi là SIM đa năng) cho chủ điểm giao dịch, ban hành mẫu đăng ký thông tin và tổ chức tập huấn để các chủ điểm thực hiện. Tuy nhiên, kết quả thanh tra của Thanh tra Bộ và Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông cuối năm 2008 cho thấy có rất nhiều sai phạm ở cả 03 đối tượng chịu sự điều chỉnh là doanh nghiệp thông tin di động, chủ điểm giao dịch và người sử dụng dịch vụ trong việc triển khai Quyết định số 03.

Tại các doanh nghiệp, điều dễ nhận thấy đó là việc ký thoả thuận uỷ quyền chỉ mang tính hình thức, doanh nghiệp gần như không thể quản được các chủ điểm giao dịch, SIM có chức năng đăng ký thông tin được mua đi, bán lại, thậm chí là cho, mượn hết sức tuỳ tiện. Điều này dẫn đến việc rất khó để quản lý được thông tin thuê bao được đăng ký thông qua các SIM này. Việc kiểm tra các điểm giao dịch này cũng chỉ được thực hiện mang tính hình thức, không có hiệu quả cao.

… nhưng buông lỏng quản lý các đại lý

Tại các điểm giao dịch được doanh nghiệp uỷ quyền, việc đăng ký thông tin được thực hiện hết sức tuỳ tiện, chủ yếu mang tính đối phó với cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Điều này thể hiện ở chỗ các điểm giao dịch được thanh tra,  nhiều điểm không có thoả thuận uỷ quyền với doanh nghiệp, tài khoản đăng ký thông tin không đúng với tài khoản đã đăng ký thoả thuận với doanh nghiệp thông tin di động. Các chủ điểm giao dịch cũng không ghi lại thông tin thuê bao trên phiếu đăng ký thông tin khách hàng mà doanh nghiệp cấp phát. Thậm chí đăng ký trước thông tin thuê bao để dễ dàng bán cho người sử dụng, nhất là SIM được bán ở các đợt khuyến mãi của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, để hỗ trợ các điểm giao dịch bán hàng đăng ký thông tin thuê bao, các doanh nghiệp đã thanh toán cho mỗi chủ điểm giao dịch từ 10.000 – 14.000 đồng/SIM khi kích hoạt thành công SIM bán cho khách hàng. Chính vì vậy, các chủ điểm giao dịch đã rất tích cực đăng ký thông tin và kích hoạt SIM trả trước để được hưởng tiền từ doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc kích hoạt SIM trước dẫn đến việc thời hạn sử dụng SIM sẽ chỉ còn rất ít nếu SIM không được bán kịp thời, phát sinh khiếu nại của người sử dụng. Để tạo điều kiện cho hệ thống bán hàng của mình, các doanh nghiệp đã tách phần đăng ký thông tin và kích hoạt SIM thành 02 công việc khác nhau. Nghĩa là, SIM cứ được đăng ký thông tin, sau khi đăng ký xong, SIM được bán ra thị trường và được tính thời hạn sử dụng kể từ khi cuộc gọi đầu tiên được thực hiện. Có thể nói, đây chính là nguyên nhân cơ bản khiến cho việc hàng ngàn SIM thuê bao trả trước vẫn được đăng ký thông tin không chính xác trước khi đến tay người sử dụng. Điều đáng nói là không chỉ chủ điểm giao dịch ngoài hệ thống bán hàng thuộc các doanh nghiệp vi phạm mà cả chủ điểm giao dịch trong hệ thống bán hàng của doanh nghiệp vi phạm pháp luật. Cá biệt, có những người là cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp tổ chức điểm bán hàng cho gia đình mình cũng vi phạm pháp luật trong việc đăng ký thông tin.

Về phía người sử dụng dịch vụ, trong thời gian đầu khi cho phép chủ thuê bao được chủ động nhắn tin đăng ký thông tin, nhiều người đã đăng ký thông tin một cách hết sức tuỳ tiện, không chính xác. Chính vì vậy, rất nhiều cái tên không có ý nghĩa, thông tin không có thật đã tồn tại trong cơ sở dữ liệu thông tin khách hàng của các doanh nghiệp viễn thông.

Qua các đợt thanh tra, lực lượng thanh tra chuyên ngành đã thu giữ và xử lý hàng ngàn SIM được đăng ký trước thông tin. Có những điểm giao dịch, Đoàn thanh tra của Bộ đã thu giữ hơn 600 SIM đã kích hoạt trước; Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh thu giữ 1000 SIM đã đăng ký thông tin, Sở Hải Dương phối hợp với lực lượng quản lý thị trường thu giữ hơn 500 SIM đã đăng ký thông tin và gần đây nhất, Sở Sóc Trăng đã phát hiện khoảng 600 SIM đã được đăng ký trước thông tin. Trong kết luận thanh tra, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các doanh nghiệp phải có trách nhiệm lọc cơ sở dữ liệu thuê bao để phát hiện những thông tin đăng ký cho từ 50 SIM trở lên, thông báo cho chủ thuê bao thật sự đang sử dụng đăng ký lại thông tin.

Bên cạnh những điểm giao dịch cố tình bất chấp pháp luật để trục lợi, những đối tượng cố tình che giấu thông tin cá nhân để thực hiện các hành vi vi phạm thì cũng có hàng triệu người sử dụng chân chính, tôn trọng pháp luật không ngại ngần khi đăng ký các thông tin chính thức của mình. Hàng ngàn đại lý, điểm giao dịch của doanh nghiệp thực hiện một cách nghiêm túc quy định của pháp luật trong việc quản lý thuê bao trả trước, nhất là tại các điểm bán hàng (đại lý của doanh nghiệp) có uy tín. Do đó, trong cơ sở dữ liệu thuê bao của doanh nghiệp hiện tại tồn tại cả những thông tin không chính xác và thông tin chính xác. Nhưng để đánh giá có bao nhiêu thông tin là chính xác, bao nhiêu thông tin là không chính xác thì chưa có một cơ sở nào để thực hiện. Bởi cho đến nay, chúng ta cũng chưa có một cơ sở dữ liệu về chứng minh nhân dân, hộ chiếu.

Để tăng cường hiệu quả, giám sát chặt chẽ hơn việc đăng ký thông tin chủ thuê bao trả trước, ngày 25 tháng 05 năm 2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 50/2009/NĐ-CP bổ sung Điều 12a Nghị định số 142/2004/NĐ-CP, quy định xử phạt các hành vi vi phạm trong việc quản lý thuê bao trả trước. Tiếp theo ngày 24/6/2009, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư 22/2009/TT-BTTTT thay thế Quyết định 03. Nội dung thay đổi cơ bản của thông tư so với Quyết định 03 đối với các chủ điểm giao dịch là yêu cầu các điểm giao dịch phải trang bị máy tính kết nối với mạng viễn thông hoặc Internet đối với các chủ điểm giao dịch tại các quận, phường nội thành thuộc các thành phố, thị xã. Có trang bị tối thiểu một trong các thiết bị: máy tính, máy điện thoại cố định, máy Fax, máy điện thoại di động được kết nối với mạng viễn thông hoặc Internet đối với các chủ điểm giao dịch tại các vùng còn lại (trừ quận, phường nội thành thuộc các thành phố, thị xã). Đây là điều kiện để thắt chặt việc đăng ký thông tin không chính xác và quản lý chặt hơn chủ điểm giao dịch. Một vấn đề mới được quy định trong thông tư là việc hạn chế một người chỉ được sử dụng tối đa 03 SIM trên một mạng. Thông tư cũng không cho phép các điểm giao dịch được uỷ quyền tiếp nhận đăng ký thông tin thuê bao trả trước nếu không đáp ứng quy định về điều kiện nên trên.

Như vậy, sau hơn 2 năm thực hiện quản lý thuê bao trả trước, chúng ta đã đạt được những thành quả đáng khích lệ. Về mặt pháp luật, đã kịp thời ban hành 03 văn bản quy phạm pháp luật quản lý, xử phạt về thuê bao trả trước. Ý thức về việc đăng ký thông tin thuê bao đã hình thành trong tâm trí người sử dụng dịch vụ điện  thoại di động trả tiền trước. Người sử dụng dịch vụ đã chủ động và nghiêm túc xuất trình chứng minh nhân dân để đăng ký thông tin khi mua SIM trả trước. Về phía người đăng ký thông tin, sau những lần bị xử phạt, các chủ điểm giao dịch đã có ý thức hơn trong việc chấp hành quy định của pháp luật. Về những vấn đề phát sinh từ điện thoại di động trả tiền trước, trong một chừng mực nhất định đã hạn chế được việc những đối tượng xấu sử dụng SIM trả tiền trước để thực hiện các hành vi vi phạm như nhắn tin đe doạ, khủng bố, lừa đảo hoặc trộm cắp cước viễn thông quốc tế. Dù chưa đánh giá được mức độ chính xác của thông tin đăng ký nhưng ít nhất bước đầu đã đạt được những thành công trong việc hình thành một cơ sở dữ liệu về thuê bao trả trước.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được, qua khảo sát cho thấy, mặc dù có triển khai Thông tư 22 nhưng thực tế

ố lượng điểm giao dịch trang bị máy tính, tài khoản để đăng ký thông tin thuê bao trả trước rất ít. Do các doanh nghiệp chưa thu hồi chức năng đăng ký thông tin của các SIM đa năng trước đây nên phần lớn các SIM trả trước vẫn được đăng ký thông tin qua các SIM đa năng. Phần mềm quản lý thuê bao của một vài doanh nghiệp vẫn chưa khắc phục được việc hạn chế đăng ký thông tin không chính xác, thông tin không có thực. Tình trạng SIM được đăng ký trước thông tin được bán khá phổ biến ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố khác.

Trong thời gian tới, để quản lý một cách chặt chẽ thuê bao trả trước, đạt được mục tiêu đặt ra, thiết nghĩ cần sự đồng lòng của cả bốn bên có liên quan. Thứ nhất, ở phía cơ quan nhà nước cần thực hiện một số công việc sau: Chỉ đạo các doanh nghiệp kiên quyết cắt chức năng đăng ký thông tin của các SIM đa năng đã cấp phát ra cho chủ điểm giao dịch trong thời gian qua. Chỉ đạo các doanh nghiệp cắt các thuê bao vi phạm pháp luật trong việc đăng ký thông tin, cắt hợp đồng thoả thuận. Tăng cường công tác thanh tra, xử phạt thật nghiêm khắc các hành vi vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp thông tin di động, các chủ điểm giao dịch, người sử dụng dịch vụ. Cần thiết, có thể sử dụng biện pháp thật mạnh là cắt liên lạc toàn bộ các thuê bao đăng ký thông tin không chính xác, những chủ thuê bao đăng ký vượt quá 03 thuê bao trên một mạng.

Về phía các doanh nghiệp thông tin di động, đóng góp của các nhà cung cấp dịch vụ trong việc quản lý thuê bao trả trước  có vai trò rất quan trọng. Là đơn vị trực tiếp tiếp nhận, quản lý thông tin thuê bao, quản lý hệ thống bán hàng, đăng ký thông tin của mình, các doanh nghiệp cần nghiêm túc hơn nữa vì lợi ích chung của toàn xã hội. Trước hết thể hiện bằng việc nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật, hoàn thiện tốt hơn hệ thống quản lý thông tin, loại bỏ được các thông tin đăng ký không chính xác, thông tin không có thực. Kiên quyết cắt bỏ thoả thuận uỷ quyền, hợp đồng uỷ quyền với các chủ điểm giao dịch vi phạm pháp luật, các chủ điểm giao dịch không đảm bảo yêu cầu, điều kiện quy định tại Thông tư 22. Dừng việc chuyển tiền cho các chủ điểm giao dịch khi đăng ký thành công SIM, chuyển hình thức trả công này thành tiền chiết khấu bán hàng. Cùng với cơ quan quản lý nhà nước tuyên truyền pháp luật về quản lý thuê bao trả trước đến người sử dụng dịch vụ. Nếu việc quản lý thuê bao trả trước được các doanh nghiệp quan tâm, thực hiện như đối với các thuê bao trả sau thì chắc chắn không có câu chuyện thông tin không chính xác, thông tin không có thật được đăng ký tràn lan như thời gian qua.

Về phía chủ điểm giao dịch, cần chủ động tìm hiểu và thực hiện đúng quy định của pháp luật trong việc quản lý thuê bao trả trước. Nghiêm chỉnh thực hiện những nội dung đã thoả thuận với doanh nghiệp khi được uỷ quyền, không đăng ký thông tin SIM trả trước trước khi bán ra thị trường, đăng ký đúng thông tin của người sử dụng dịch vụ.

Về phía người sử dụng dịch vụ, cần nhận thức được việc đăng ký thông tin thuê bao là trách nhiệm, quyền lợi của mình khi sử dụng dịch vụ, không cho phép người khác sử dụng thông tin của mình để đăng ký thông tin chủ thuê bao di động trả trước.
 

Lượt truy cập: 2231

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT( 0)