Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp thăm và làm việc với Tập đoàn FPT

(Mic.gov.vn) - 

Ngày 11/9/2007, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp đã đến thăm và làm việc với Tập đoàn FPT. Cùng dự với Bộ trưởng có Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng, Lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT Trương Gia Bình đã báo cáo với Bộ trưởng về những thành tựu Tập đoàn đã đạt được trong 19 năm hoạt động. Từ một công ty chỉ có 13 người, vốn ít, đến nay Tập đoàn FPT đã có 9.034 nhân viên, với doanh số dự kiến đạt 1 tỷ USD vào cuối năm 2007. FPT hoạt động trong hầu hết các lĩnh vực: ICT (Phân phối và bán lẻ thiết bị CNTT và VT; Tích hợp hệ thống, Dịch vụ viễn thông; Xuất khẩu phần mềm; Lắp ráp máy tính; Dịch vụ ERP); Đào tạo công nghệ; Tài chính ngân hàng; Đầu tư phát triển hạ tầng và bất động sản; Dịch vụ giải trí truyền hình và quảng cáo.


Ngày 11/9/2007, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp đã đến thăm và làm việc với Tập đoàn FPT. Cùng dự với Bộ trưởng có Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng, Lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT Trương Gia Bình đã báo cáo với Bộ trưởng về những thành tựu Tập đoàn đã đạt được trong 19 năm hoạt động. Từ một công ty chỉ có 13 người, vốn ít, đến nay Tập đoàn FPT đã có 9.034 nhân viên, với doanh số dự kiến đạt 1 tỷ USD vào cuối năm 2007. FPT hoạt động trong hầu hết các lĩnh vực: ICT (Phân phối và bán lẻ thiết bị CNTT và VT; Tích hợp hệ thống, Dịch vụ viễn thông; Xuất khẩu phần mềm; Lắp ráp máy tính; Dịch vụ ERP); Đào tạo công nghệ; Tài chính ngân hàng; Đầu tư phát triển hạ tầng và bất động sản; Dịch vụ giải trí truyền hình và quảng cáo.

Công ty cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom), một công ty thành viên thuộc Tập đoàn FPT là một trong những công ty có thị phần Internet băng rộng lớn, chiếm 36% thị phần và là đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trên Internet băng rộng. FPT Telecom cũng là nhà cung cấp hàng đầu về nội dung với tờ báo điện tử Vnexpress và một loạt dịch vụ nội dung như: Truyền hình theo yêu cầu (video on demand), game online... Sắp tới, FPT Telecom sẽ triển khai cung cấp dịch vụ điện thoại cố định tại 5 tỉnh, thành phố trên cả nước. FPT Telecom liên tục tăng trưởng với tốc độ 70-77% trong 3 năm gần đây.

Một công ty thành viên khác - Công ty Phần mềm FPT (FPT Software) - được đánh giá là một trong những công ty phần mềm lớn nhất Việt Nam với hơn 500 lập trình viên. Nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, tài chính, viễn thông ... sử dụng các phần mềm của FPT Software để phục vụ hoạt động kinh doanh. Dự kiến doanh số năm 2007 của FPT Software sẽ là 30 triệu USD. FPT Software đã và đang tích cực đẩy mạnh gia công xuất khẩu phần mềm ra thị trường thế giới, khách hàng chủ yếu là Nhật Bản (chiếm 54%), Mỹ (10%), EU (13%) ...

Theo ông Trương Gia Bình, bên cạnh lĩnh vực chủ lực là CNTT, Tập đoàn FPT đã bắt đầu vươn sang một số lĩnh vực mới như: Ngân hàng, chứng khoán, quản lý quỹ, bất động sản và đào tạo. Với việc mở rộng lĩnh vực hoạt động, FPT mong muốn trở thành một tập đoàn kinh tế mạnh trong 10-15 năm tới và vươn ra thế giới.

Ông Trương Gia Bình cũng mong nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ từ phía Bộ Thông tin và Truyền thông với những kiến nghị, đề xuất cụ thể như: Kiến nghị Chính phủ ưu tiên cho các công ty CNTT trong nước làm tổng thầu trong các đề án CNTT lớn của quốc gia; Sớm cấp phép mạng dường trục quốc gia và quốc tế cho FPT Telecom; Cấp phép WiMAX di động với tần số phù hợp cho FPT Telecom; Sớm có quy trình quản lý và định mức cho các dự án CNTT, đặc biệt là các dự án phần mềm; Ủng hộ cho trường Đại học FPT tự chủ về chi tiêu, phương thức tuyển sinh, chương trình đào tạo...

Sau khi nghe báo cáo về tình hình hoạt động của FPT, các ý kiến phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng và Lãnh đạo các đơn vị, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp đánh giá cao những thành tựu đã đạt được của Tập đoàn FPT trong suốt thời gian qua, ghi nhận sự phát triển nhanh, sáng tạo, đúng hướng, sự tự chủ, tự tin mở rộng thị trường, tiếp cận với thế giới và thời đại của Tập đoàn FPT. Bộ trưởng cũng đánh giá cao sự đóng góp của FPT vào ngân sách Nhà nước, cũng như việc FPT đã tạo công ăn việc làm, ổn định đời sống cho một vạn cán bộ FPT.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý đội ngũ lãnh đạo của Tập đoàn FPT khi mở rộng thị trường, mở rộng lĩnh vực hoạt động cần phải cân nhắc thận trọng và xác định trọng điểm đầu tư. Bộ trưởng cho rằng xuất khẩu phần mềm, phát triển ứng dụng CNTT và đào tạo nguồn nhân lực nên là những trọng điểm đầu tư của FPT.

Bộ trưởng cũng đề cập đến vấn đề những doanh nghiệp phát triển nhanh, cần chú ý đến 3 “khoảng trống”: Đó là khoảng trống về nhân lực, đặc biệt là nhân lực làm công tác quản lý; khoảng trống về cơ chế chính sách không theo kịp tình hình thực tế; khoảng trống về chất lượng sản phẩm, dịch vụ và con người.

Đối với những đề xuất của FPT, Bộ trưởng cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông luôn tạo điều kiện tốt nhất, cơ chế tốt nhất để doanh nghiệp trong lĩnh vực liên quan phát triển, tuy nhiên, phải phù hợp với thông lệ quốc tế và chấp nhận cạnh tranh lành mạnh.

Bộ trưởng hy vọng Tập đoàn FPT cần táo bạo, sáng tạo và quyết liệt hơn nữa trong kinh doanh, đề ra chiến lược tăng tốc, chiếm lĩnh thị trường để thương hiệu FPT trở thành niềm tự hào của đất nước.

PTT

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT( 0)