(Mic.gov.vn) - Ngày 20-9, tại xã Phúc Thịnh, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang đã long trọng diễn ra Lễ khánh thành Nhà bia lưu niệm và gắn biển công trình chào mừng 60 năm ngày truyền thống ngành Bưu điện. Tới dự buổi Lễ về phía ngành Bưu điện có đ/c Đỗ Trung Tá – UVTW Đảng Bộ trưởng Bộ BCVT, đ/c Lý Kiệt - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty BCVT VN, đ/c Hoàng Huy Loạt, Phó chủ tịch thường trực Công đoàn Bưu điện Việt Nam, và các đ/c đại diện đơn vị thuộc Bộ BCVT, Tcty BCVTVN. Về phía tỉnh Tuyên Quang có đ/c Lê Thị Quang, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, đại diện Sở văn hóa thông tin và bảo tàng tỉnh, đại diện các Ban, ngành của tỉnh và đông đảo nhân dân tại địa phương.
Thôn An Quỳnh, xã Phúc Thịnh, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang là nơi ở làm việc và đưa đón cán bộ cách mạng của cán bộ, nhân viên Nha Bưu điện Việt Nam thuộc Bộ giao thông công chính trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (từ năm 1950 đến năm 1952). 60 năm về trước, Hội nghị toàn quốc Đảng cộng sản Đông Dương và sau đó là Quốc dân Đại hội Tân Trào đã ra nghị quyết thành lập "Ban giao thông liên lạc chuyên môn", chính thức khai sinh ra ngành Bưu điện Cách mạng Việt Nam. Chính tại nơi này Nha Bưu điện Việt Nam thuộc Bộ giao thông Công chính - Tổ chức tiền thân của Tổng cục Bưu điện, nay là Bộ Bưu chính, Viễn thông đã đặt Trụ sở làm việc.
Mặc dù trong điều kiện khó khăn gian khổ, phương tiện thông tin liên lạc vô cùng thiếu thốn, nhưng với tinh thần tự lực, tự cường, sáng tạo, các thế hệ cán bộ nhân viên ngành Bưu chính, Viễn thông đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó. Hoạt động của Nha Bưu điện Việt Nam ngày ấy là đảm bảo giữ vững mạch máu thông tin trong cả nước, chuyển phát công văn, chỉ thị, tài liệu khẩn cấp của Đảng, đặc biệt trong thời gian đóng tại Tuyên Quang, ngành đã phục vụ thông tin chuẩn xác, kịp thời cho các sự kiện chính trị lớn của Đảng như: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2 năm 1951) tại Chiêm Hóa, Đại hội thống nhất Việt Minh-Liên Việt, Hội nghị liên minh 3 nước Việt Nam-Lào-CamPuchia đoàn kết chống Pháp (tháng 3 năm 1952). Các hoạt động của Nha Bưu điện Việt Nam ngày ấy đã đặt nền móng xây dựng ngành Bưu chính, Viễn thông Việt Nam ngày càng phát triển toàn diện vững chắc, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của đất nước.
Với ý nghĩa nhớ về cội nguồn, ngành Bưu điện cũng đóng góp 240 triệu đồng vào nguồn vốn kiên cố hóa trường học của tỉnh, Công đoàn ngành đã đầu tư xây dựng một Nhà văn hóa thôn, bản tại xã Minh Thanh huyện Sơn Dương... Những hoạt động mang ý nghĩa nhân văn này đã để lại trong lòng nhân dân tỉnh Tuyên Quang dấu ấn tốt đẹp về tình cảm thủy chung của các thế hệ cán bộ nhân viên ngành Bưu chính, Viễn thông Việt Nam đối với nhân dân các dân tộc, nơi đã che chở, giúp đỡ ngành trong những ngày hoạt động kháng chiến gian khổ.
Để ghi lại những dấu ấn một thời các cán bộ Nha Bưu điện đã sống, chiến đấu và làm việc tại nơi đây, ngành Bưu điện đã đầu tư xây dựng nhà bia lưu niệm di tích lịch sử để ghi nhớ, giáo dục truyền thống tốt đẹp cho các thế hệ cán bộ ngành Bưu chính, Viễn thông, và thật vinh dự đây là công trình được chọn là công trình tiêu biểu chào mừng 60 năm ngày truyền thống ngành Bưu điện, nơi đây mãi mãi là một dấu son truyền thống quý báu trong trang sử của ngành Bưu điện.