(Mic.gov.vn) - Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 2003
Kính thưa Quốc hội!
Kính thưa các vị đại biểu!
Chúng ta rất vui mừng với kết quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2003. Trong báo cáo kế hoạch đã nêu con số cụ thể về kết quả thực hiện trong năm 2003 hầu hết đều đạt và vượt so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 7,2-7,3%
Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 15%
Nông, lâm, ngư nghiệp tăng 4,7%
Dịch vụ tăng 7%
Kim ngạch xuất khẩu tăng 16,7%
Tuy nhiên, những số liệu này cũng cho thấy chúng ta còn phải phấn đấu cao hơn nữa trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là: dịch vụ, công nghiệp và xuất khẩu mới hy vọng tạo ra được tốc độ tăng trưởng của GDP quãng 8% vào năm 2004.
Một yếu kém bộc lộ rất rõ ở đây là tốc độ tăng trưởng của các ngành dịch vụ (7%) chậm hơn tốc độ tăng trưởng GDP (7,2-7,3%), như báo cáo của Chính phủ cho rằng đó là "điều không bình thường trong xu thế phát triển của kinh tế thế giới hiện nay". Trong cơ cấu GDP của năm 2003, tỷ trọng công nghiệp dự kiến trên 39%, tỷ trọng dịch vụ ước đạt 37,8%, nếu đẩy mạnh tốc độ tăng các ngành dịch vụ lên 1,5-2 lần, chắc chắn GDP sẽ có tốc độ tăng cao hơn vào năm 2004.
Tốc độ tăng trưởng bình quân của các ngành dịch vụ chỉ đạt 7% có nguyên nhân giảm sút của ngành dịch vụ Bưu chính - Viễn thông từ 18,76% (2002) xuống 9,14% (9 tháng đầu năm 2003). Tốc độ tăng trưởng năm 2002 đã được Liên minh viễn thông thế giới đánh giá là nước có tốc độ phát triển cao, chỉ sau Trung Quốc. Việc giảm của năm 2003 do từ 1.4.2003 giảm mạnh cước của 12 loại dịch vụ. Tuy nhiên đây chỉ là tạm thời và sẽ tăng nhanh dần trở lại vào 2004 và các năm sau. Năm 2003 là bước ngoặt của Bưu chính, Viễn thông. Sau khi Bộ Bưu chính, Viễn thông được Quốc hội cho phép thành lập, chúng tôi đã thực hiện 3 giải pháp đột phá trong năm 2003.
1. Chuyển hoàn toàn từ “độc quyền công ty” sang cạnh tranh:
Trước năm 1995, chúng ta chỉ có một Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam. Sau năm 1995, Chính phủ cho phép thành lập thêm 2 công ty Cổ phần dịch vụ Bưu chính - Viễn thông Sài Gòn và Công ty Điện tử Viễn thông quân đội. Mấy năm gần đây thành lập thêm 3 công ty mới nữa: Công ty Viễn thông hàng hải, Công ty Viễn thông điện lực và Công ty cổ phần Viễn thông Hà Nội. Do sự phát triển tốt của Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam, đến nay 93,5% xã có điện thoại, 7000/9000 xã có điểm Bưu điện - Văn hoá xã, chúng ta có điều kiện mở rộng cạnh tranh mà không sợ sự mất ổn định và ảnh hưởng sự phục vụ đông đảo nhân dân. Vì vậy từ 28.4.2003 Bộ Bưu chính, Viễn thông đã chính thức cấp giấy phép cho 6 doanh nghiệp hạ tầng mạng này, trong đó có 3 doanh nghiệp được thiết lập cả hệ thống đường trục viễn thông quốc gia bao gồm cả các cổng thông tin quốc tế. Bên cạnh đó, 13 doanh nghiệp được cung cấp dịch vụ truy nhập Internet và ứng dụng viễn thông trên Internet, 6 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kết nối Internet đi quốc tế. Về thông tin di động, Bộ đã cấp phép cho 5 công ty được thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ. Có thể nói, cho đến nay trong lĩnh vực thiết lập mạng lưới và cung cấp dịch vụ không còn tình trạng độc quyền công ty.
Thị trường viễn thông Việt Nam đang phát triển tốt, bắt đầu khởi sắc có cạnh tranh và đã bước vào giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế với sự chuẩn bị thận trọng và chủ động.
2. Giảm cước viễn thông một cách "ấn tượng":
Nhằm giảm mạnh hơn chi phí "đầu vào" cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện tốt hơn cho thu hút vốn đầu tư nước ngoài, và đặc biệt là cho đông đảo tầng lớp nhân dân có thu nhập thấp được cung cấp các dịch vụ viễn thông, từ 1.4.2003 Chính phủ đã giảm cước của 12 dịch vụ viễn thông với mức giảm kỷ lục là từ 10-40% đưa giá cước mới của từng dịch vụ viễn thông và Internet này của Việt Nam xuống thấp hơn hoặc ít nhất cũng bằng mức trung bình của khu vực ASEAN + 3 (tức là mức trung bình của ASEAN + Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật bản).
Ví dụ: Điện thoại quốc tế bình quân gọi từ các nước ASEAN + 3 vào Việt Nam là 1,159 $/phút còn từ Việt Nam đi các nước này bình quân chỉ có 0,93$/phút. Đây là một cố gắng rất lớn, vì như các vị Quốc hội đều biết, trong lúc giá cước điện thoại nội hạt của Việt Nam vào loại quá thấp, thì cước điện thoại viễn thông quốc tế vẫn có vị trí quan trọng trong chiến lược kinh doanh, trong tỷ trọng lợi nhuận của doanh nghiệp viễn thông và trong việc hỗ trợ các mục tiêu phát triển viễn thông công ích ở vùng sâu, vùng xa…
Đương nhiên, chúng ta cần phải có nhiều biện pháp tích cực hơn để giảm suất đầu tư, nâng cao hiệu quả quản lý sản xuất kinh doanh để có điều kiện giảm cước quốc tế hơn nữa mà vẫn đảm bảo ba lợi ích: Người sử dụng - Doanh nghiệp và Nhà nước.
Một ví dụ, nếu so sánh trực tiếp với Philippin, nước có mức cước đi Việt Nam thấp nhất trong khu vực chỉ là 0,36$/phút thì nước ta có mức cước cao hơn 2,58 lần (điều này ở phần giải thích cuối trang 5 báo cáo Chính phủ có lưu ý tới). Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội chúng ta cũng đã mở 2 dịch vụ điện thoại giá rẻ với chất lượng chưa cao như điện thoại qua Internet ra quốc tế với giá 9 cent/phút (1.400 đồng /phút) hoặc 7,5 cent (1100đ)/Block 6 giây với VoIP 2 chiều đi về.
Nhờ giảm cước, nên một lớp khách hàng rộng lớn có thu nhập thấp đã có điều kiện lắp đặt máy điện thoại, sử dụng các dịch vụ di động. 9 tháng đầu năm 2003, phát triển được 1.350.000 máy, mức cao nhất từ trước đến nay. Mật độ điện thoại của Việt Nam đạt trên 8,4% với gần 7 triệu máy điện thoại là chỉ tiêu Đại hội IX đề ra cho năm 2005. Nhờ đó, riêng Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam dự kiến nộp ngân sách 2003 vẫn cao hơn 2002, ước đạt 3.335 tỷ và doanh thu vẫn tăng dần từng tháng, còn các doanh nghiệp mới đang có thuận lợi thâm nhập vào thị trường, từng bước phát triển, hứa hẹn tăng trưởng trong những năm sau. Chúng ta có cơ sở để tin tượng rằng từ 2004 Bưu chính, Viễn thông sẽ lấy lại dần tốc độ phát triển cao của mình.
3. Chương trình Internet vào trường học:
Tháng 4 năm 2003, Bộ Bưu chính,Viễn thông và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký biên bản hợp tác đưa Internet năm 2003 vào tất cả các trường Phổ thông trung học, chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học trong cả nước nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong nhà trường.
Bộ Bưu chính, Viễn thông quyết định giảm giá cước truy nhập Internet hơn 5 lần từ 210 đ/phút xuống 40 đ/phút, hỗ trợ một phần đường dây, trang thiết bị, nhờ vậy cho đến nay đã có 45/61 tỉnh thành hoàn thành chương trình 100%, từ nay đến cuối năm các tỉnh còn lại sẽ cũng về đích. Mục tiêu này trong đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong trường học trước đây chỉ hy vọng là thực hiện được 50% vào năm 2005.
Một khi Internet vào tất cả các trường học rồi sẽ cùng hàng triệu học sinh từ trường học đi ra sẽ giúp chúng ta nhanh chóng xã hội hoá việc ứng dụng công nghệ thông tin nói chung và Internet nói riêng, tạo điều kiện kỹ thuật quan trọng cho việc xây dựng một xã hội học tập ở Việt Nam.
Đây là bước tiến ban đầu đầy khích lệ do có sự phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ giữa 2 Bộ Giáo dục & Đào tạo và Bộ Bưu chính, Viễn thông.
Nhân đây cũng phải nói thêm nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của các Bộ, Ngành cùng với việc ban hành các chính sách thích hợp nên Internet tuy mới khai trương ở Việt Nam tháng 12.1997, nhưng với tốc độ phát triển hàng năm trên 50% cho đến nay chúng ta đã có 2,5 triệu người sử dụng Internet. So với Thái Lan có trên 5 triệu người sử dụng Internet thì chúng ta cũng chỉ thua kém già nửa, không đến mức sử dụng Internet ở Việt Nam chỉ bằng 1/300 Thái Lan như con số mà tôi cho là có nguyên nhân sai sót nào đó ở chú thích ghi ở trang 12 trong báo cáo. Ngay cả hệ thống di động của Việt Nam cũng đã bước đầu cung cấp thông tin Internet. Ta có 2,5 triệu máy di động, Thái Lan có trên 16 triệu máy. Tuy số lượng ta gần bằng 1/7 họ, nhưng công nghệ thì cao hơn, không có loại cũ analog như của Thái Lan. Vì vậy, máy di động Việt Nam có thể mang đi hầu hết các nước trên thế giới mà vẫn sử dụng được như ở Việt Nam (trừ một số ít các nước chưa có hệ thống thông tin di động toàn cầu như của ta).
Kính thưa Quốc hội!
Năm 2004, Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin sẽ tiếp tục được tăng tốc, mở rộng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Cơ sở hạ tầng viễn thông tiên tiến hiện có rất thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Internet vào mọi ngành, mọi nghề, mọi nợi, mọi lúc. Chúng ta tin rằng, nếu 2004 đẩy mạnh quyết liệt công nghiệp phần mềm và tin học hoá mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội thì chính ngành công nghệ cao này sẽ đóng góp tích cực vào phương châm đề ra của Chính phủ: "nhịp độ tăng trưởng nhất thiết phải đi liền với chất lượng và hiệu quả", gắn Việt Nam với sự hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc mở rộng thị trường kinh doanh qua mạng lưới thông tin Internet góp phần đổi mới công nghệ sản xuất và quản lý nhằm giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng suất lao động theo kịp trình độ các nước trong khu vực, thúc đẩy tăng trưởng GDP 2004 hướng tới 8% tiến đến đạt mục tiêu 2005 như mong muốn của Chính phủ, Quốc hội và của toàn dân ta.
Trước khi kết thúc, xin phép nêu ra ở đây lời khuyến nghị của Tiến sỹ khoa học Seungtaik Yang (nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hàn quốc - một nước đứng đầu về Công nghệ thông tin trong khu vực nay là cố vấn CNTT của Bộ Bưu chính, Viễn thông): "Công nghệ thông tin và truyền thông phải được hiểu như một cơ sở hạ tầng của tất cả các công nghệ trong thế kỷ 21 cũng như máy móc có vai trò như vậy trong thế kỷ 20. Thế kỷ 20 nếu không có cơ giới hoá không có ngành nào có khả năng cạnh tranh và tồn tại được. Trong thế kỷ 21, điều tất yếu là tất cả các ngành phải chấp nhận công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) như là phương tiện chính để đảm bảo hiệu quả, năng suất và tính cạnh tranh. Do đó, ứng dụng CNTT vào các ngành là điều cốt yếu và là vấn đề cấp bách phải làm càng sớm càng tốt. Không có bất kỳ một lý do nào để trì hoãn chúng.... Cần nhận thức đúng một khu vực thị trường trong nước như viễn thông chẳng hạn. Ngành viễn thông đòi hỏi công nghệ thông tin và truyền thông cao cấp nhất và tạo nên cơ sở hạ tầng của xã hội thông tin. do Việt Nam có trên 80 triệu dân nên đây là thị trường lớn về tiềm năng, đủ để nuôi dưỡng một nền công nghiệp lớn và là một mảnh đất mầu mỡ để phát triển công nghệ của riêng mình. Việt Nam cần bảo vệ thị trường như vậy để nuôi dưỡng công nghiệp thông tin và tận dụng thị trường này một cách triệt để để trở thành một quốc gia tiên tiến về công nghệ trong thời gian ngắn nhất có thể".
Xin cám ơn Quốc hội.