Một số doanh nghiệp Bưu chính, Chuyển phát vi phạm dịch vụ dành riêng cho Bưu chính Việt Nam

(Mic.gov.vn) - Trong những năm qua lĩnh vực bưu chính, chuyển phát đã phát triển nhanh chóng cả về doanh thu, số lượng, chất lượng dịch vụ… Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư phát triển mạng lưới đồng bộ, rộng khắp, dịch vụ đa dạng đáp ứng yêu cầu của xã hội. Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực bưu chính, chuyển phát ngày càng được nâng lên, hoàn thiện và đạt được những kết quả tốt.

Bên cạnh những ưu điểm thì lĩnh vực bưu chính, chuyển phát cũng bộc lộ một số khuyết điểm nhất là sự phát triển chênh lệch giữa các vùng miền. Một khu vực rẩt rộng lớn là nông thôn, miền núi, hải đảo …người dân được tiếp cận dịch vụ bưu chính rất hạn chế, khó khăn, do các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyển phát không muốn đầu tư mở rộng mạng lưới ở những khu vực này vì không có hiệu quả kinh tế. Để khắc phục những tồn tại trên, phục vụ kịp thời sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, đảm bảo mọi người dân được hưởng dịch vụ bưu chính, chuyển phát, Nhà nước đã quyết định đặt hàng với Bưu chính Việt Nam để cung cấp dịch vụ bưu chính công ích.

Để Bưu chính Việt Nam hoàn thành trọng trách này, Nhà nước ta trong những năm qua đã ban hành những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho Bưu chính Việt Nam. Điều này đã được cụ thể hoá trong các văn bản quy phạm pháp luật như: Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông ngày 25/5/2002, Nghị định 157/2004/NĐ-CP ngày 18/8/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông về bưu chính, Nghị định số 128/2007/NĐ-CP ngày 02/8/2007 của Chính phủ về dịch vụ chuyển phát. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng giúp cho Tổng công ty Bưu chính Việt Nam tập trung khai thác sản lượng dịch vụ bưu chính phổ cập, dịch vụ dành riêng, góp phẩn giảm sự hỗ trợ của nhà nước đối với dịch vụ bưu chính công ích mà Bưu chính Việt Nam đang đảm nhận, đặc biệt được cụ thể hoá tại Quyết định số 04/2007/QĐ-BTTTT ngày 14/9/2007 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định dành riêng cho Bưu chính Việt Nam cung ứng dịch vụ thu gom, chia chọn, vận chuyển và phát, bằng các phương tiện vật lý, thông tin dưới dạng văn bản có địa chỉ nhận (bao gồm cả dịch vụ chuyển phát có lai ghép và dịch vụ chuyển phát thông tin quảng cáo trực tiếp), có khối lượng đơn chiếc không quá hai (02) kilôgam và với mức giá cước thấp hơn: 8.000 đồng/chiếc đối với dịch vụ chuyển phát trong nước và đối với công đoạn phát trong lãnh thổ Việt Nam của dịch vụ chuyển phát quốc tế chiều đến.

Trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 04/2007/QĐ-BTTTT  của Bộ Thông tin và Truyền thông, đã có một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyển phát có dấu hiệu vi phạm dưới nhiều hình thức khác nhau như cung ứng dịch vụ chuyển phát nhanh với giá cước thấp hơn mức 8.000 đồng (đã bao gồm thuế GTGT), hoặc công bố giá cước là 8.000 đồng nhưng khi cung ứng dịch vụ vẫn thu của khách hàng giá cuối cùng thấp hơn 8,000 đồng do thực hiện các chính sách chiết khấu giảm giá, giá ưu đãi …”. Đặc biệt, một số doanh nghiệp chuyển phát vẫn cung ứng dịch vụ thư thường trong nước đến 20 gram với giá cước 2.000 đồng VN/chiếc theo Quyết định số 37/2009/QĐ-TTg ngày 06/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Việc này đã được Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost) có công văn 1037/BCVN-DVBC gửi Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo việc một số doanh nghiệp chuyển phát cung ứng dịch vụ chuyển phát thư vi phạm giới hạn dịch vụ dành riêng cho Bưu chính Việt Nam, để chứng minh cho việc này, Tổng công ty Bưu chính Việt Nam đã gửi kèm danh sách các doanh nghiệp chuyển phát vi phạm giới hạn dành riêng cho Bưu chính Việt Nam tại các tỉnh, thành phố.

Nếu thực tế đúng với những nội dung báo cáo của Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam thì đây là vi phạm nghiêm trọng của các doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát đối với Quyết định số 04/2007/QĐ-BTTTT ngày 14/9/2007 của Bộ Thông tin và Truyền thông, xâm phạm đến quyền lợi của Bưu chính Việt Nam, đơn vị được nhà nước giao trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ bưu chính công ích. Để làm rõ vấn đề này, Thanh tra Bộ đã chủ động phối hợp với Vụ Bưu chính tìm các biện pháp tháo gỡ. Mặt khác trong phạm vi quyền hạn, trách nhiệm được giao, Thanh tra Bộ đã chủ động nắm bắt thêm tình hình thực tế, xác minh thông tin phản ánh, thu thập thêm bằng chứng vi phạm; chỉ đạo một số Sở Thông tin và Truyền thông tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và báo cáo kết quả về thanh tra Bộ.

Để làm rõ những nội dung phản ánh, Thanh tra Bộ đã chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp chuyển phát có dấu hiệu vi phạm Quyết định số 04/2007/QĐ-BTTTT ngày 14/9/2007 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Để đợt thanh, kiểm tra đạt kết quả cao nhất, đảm bảo xử lý nghiêm các doanh nghiệp cố tình vi phạm, đồng thời chấn chỉnh các doanh nghiệp vô ý thực hiện không đúng quy định của pháp luật, đồng thời cũng coi đây là cơ hội để tuyên truyền, phổ biến kiến thức quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh dịch vụ chuyển phát cho doanh nghiệp và người sử dụng dịch vụ, tìm ra những kẽ hở của pháp luật để sửa đổi, bổ sung, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho mọi doanh nghiệp kinh doanh cung cấp dịch vụ chuyển phát cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, đúng pháp luật.

Do đây là công việc đột xuất, là vấn đề “nóng” gây bức xúc không chỉ cho VNPost mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp chuyển phát khác đang chấp hành nghiêm túc Quyết định số 04/2007/QĐ-BTTTT ngày 14/9/2007, Thanh tra Bộ đã ban hành công văn số 498/TTra ngày 21/7/2009 hướng dẫn, chỉ đạo Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông một số tỉnh, thành phố thực hiện thanh tra và xử lý doanh nghiệp chuyển phát vi phạm giới hạn dịch vụ dành riêng cho Bưu chính Việt Nam, Thanh tra Bộ trực tiếp thanh tra tại 3 doanh nghiệp chuyển phát trên địa bàn thành phố Hà Nội. Cũng trong thời gian tới, Thanh tra Bộ sẽ có kế hoạch thanh tra các doanh nghiệp chuyển phát khác để làm rõ những vấn đề mà VNPost phản ánh.

Thực tế triển khai, nảy sinh một số khó khăn, đó là lực lượng thanh tra ở các Sở Thông tin và Truyền thông còn mỏng, công việc thanh tra theo chương trình kế hoạch cũng đã nhiều, do đó Thanh tra Bộ chỉ gửi công văn hướng dẫn, chỉ đạo tới những Sở Thông tin và Truyền thông quản lý các địa bàn có doanh nghiệp vi phạm theo phản ảnh của VNPost. Để Thanh tra các Sở TT&TT tập trung giải quyết những vẫn đề bức xúc, trong công văn đã hướng dẫn cụ thể cho các Sở về chế tài xử phạt vi phạm hành chính. Ví dụ như: Doanh nghiệp chưa có giấy phép kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư thì phạt thế nào? Doanh nghiệp đã được cấp phép rồi nhưng vi phạm khung giá cước dưới 8000 đồng thì xử lý ra sao? Trường hợp doanh nghiệp ban hành cước đúng nhưng thu của khách hàng giá cuối cùng ghi trên hóa đơn thấp hơn 8.000 đồng thì xử lý theo quy định nào?...

Một số kết quả bước đầu

Cho đến thời điểm này, Thanh tra các Sở Thông tin và Truyền thông tại địa phưong quản lý các doanh nghiệp chuyển phát có dấu hiệu vi phạm trong công văn báo cáo gửi BộTT&TT của Bưu chính Việt Nam vẫn đang tiếp tục triển khai theo các nội dung hướng dẫn, chỉ đạo của Thanh tra Bộ, bước đầu một số Thanh tra Sở TT&TT đã có công văn báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Qua báo cáo của Thanh tra các Sở TT&TT, một số phản ánh của VNPost đã được làm rõ, cụ thể việc vi phạm quy định dành riêng cho Bưu chính Việt Nam. Tại Ninh Thuận, Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel vi phạm việc thu gom thư thường, thư ghi số dưới 2kg, giá cước CPN thấp hơn 8.000đ/1 bưu phẩm. Tại Thừa Thiên - Huế và Gia Lai, Công ty Cổ phần thương mại CPN EPS vi phạm giá cước dịch vụ chuyển phát nhanh thấp hơn 8.000đ/1 bưu gửi. Ngoài ra, qua đợt thanh tra đột xuất lần này, tại các địa phương còn phát hiện thêm các vi phạm khác của các doanh nghiệp chuyển phát như tại Huế và Gia Lai, Thanh tra của 2 Sở phát hiện Công ty cổ phần chuyển phát nhanh EPS kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư không có giấy phép cung ứng dịch vụ chuyển phát thư, kinh doanh không đúng ngành nghề ghi trong giấy chứng nhận đăng ký  kinh doanh, trong đó, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Thừa Thiên - Huế đã xử phạt vi phạm hành chính Công ty cổ phần chuyển phát nhanh EPS: 3.000.000 đồng hành vi kinh doanh không đúng ngành nghề ghi trong giấy phép.  Thanh tra Sở TP.Hồ Chí Minh xử phạt Chi nhánh Công ty cổ phần thương mại và chuyển phát nhanh Nội Bài (Netco) 2 hành vi vi phạm là cung cấp dịch vụ chuyển phát thư quốc tế không có giấy phép, cung cấp dịch vụ chuyển phát thư không đúng trong giấy phép là: 15.000.000 đồng.

Thanh tra Bộ đã trực tiếp tiến hành thanh tra 3 doanh nghiệp chuyển phát đóng trên địa bàn Hà Nội thì cả 3 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát đều không làm thủ tục thông báo với Bộ Thông tin và Truyền thông theo quy định, Thanh tra Bộ đã yêu cầu 3 doanh nghiệp này làm thủ tục thông báo kinh doanh dịch vụ chuyển phát. Riêng Công ty cổ phần chuyển phát nhanh TEC Việt Nam kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư không có giấy phép cung ứng dịch vụ chuyển phát thư đã bị Thanh tra Bộ yêu cầu dừng cung ứng dịch vụ chuyển phát thư đến khi có Giấy phép cung ứng dịch vụ chuyển phát thư của Bộ Thông tin và Truyền thông. Hiện nay, Công ty đã làm đầy đủ hồ sơ, thủ tục gửi về Bộ để đề nghị Bộ cấp giấy phép. Còn Công ty TNHH chuyển phát nhanh Anh Hương Linh kinh doanh không đúng ngành nghề và địa chỉ trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Thanh tra Bộ đã lập biên bản vi phạm và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính: 3.000.000 đồng.
Tuy nhiên, cũng có một số nội dung phản ánh của Bưu Chính Việt Nam về các doanh nghiệp chuyển phát còn chưa chính xác, như Công ty TNHH Hoàng Phương ở Bà Rịa - Vũng Tàu kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư có giá cước thấp hơn 8.000 đồng, nhưng qua kiểm tra thực tế doanh nghiệp này không cung cấp dịch vụ chuyển phát thư, mà chỉ làm hợp đồng vận chuyển hàng hoá, nhận hàng hoá cho một số công ty và nhận hoa hồng dịch vụ. Công ty Bưu chính Viettel, Công ty Tín Thành ở Thừa Thiên - Huế không vi phạm giới hạn dành riêng cho Bưu chính Việt Nam.

Mặc dù, đây chỉ là báo cáo bước đầu trong đợt thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm lần này, nhưng cũng phát hiện một số vi phạm điển hình của các doanh nghiệp chuyển phát, tuy nhiên những vi phạm này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, từ cố ý của doanh nghiệp chuyển phát đến các yếu tố khách quan khác nhau liên quan đến không chỉ trách nhiệm của doanh nghiệp chuyển phát, mà còn phần nào đó trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là:

Một là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát khi đến thanh, kiểm tra cho rằng đơn vị đang kinh doanh trong lĩnh vực vận tải và do Bộ Giao thông vận tải quản lý mà không biết đơn vị kinh doanh về lĩnh vực chuyển phát.

Hai là phần lớn doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát có hiểu biết về quy định pháp luật về bưu chính, chuyển phát rất hạn chế, mơ hồ không rõ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát, chuyển phát thư phải làm thủ tục gì, đáp ứng yêu cầu gì của pháp luật chuyên ngành.

Bài học kinh nghiệm

1. Cần có sự phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch đầu tư các tỉnh (Phòng đăng ký kinh doanh) để khi các doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký kinh doanh có ngành nghề bưu chính, chuyển phát thì khuyến cáo, hướng dẫn các doanh nghiệp liên hệ với cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành liên quan làm các thủ tục cần thiết khi kinh doanh dịch vụ chuyển phát, chuyển phát thư.

2. Tăng cường hơn nữa công tác thanh, kiểm tra các doanh nghiệp chuyển phát, kết hợp công tác thanh, kiểm tra với công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về bưu chính, chuyển phát, để các doanh nghiệp khi đã tham gia thị trường chuyển phát phải có kiến thức, hiểu biết pháp luật về bưu chính, chuyển phát, để việc cạnh tranh được lành mạnh, bình đẳng trước pháp luật.

3. Hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh bưu chính, chuyển phát. Cụ thể là sớm ban hành văn bản có giá trị pháp lý cao nhất là Luật Bưu chính; xây dựng văn bản dưới luật hướng dẫn đồng bộ bao gồm các quy định bắt buộc thực hiện, chế tài xử phạt vi phạm hành chính khi vi phạm các quy định này, đảm bảo vừa thông thoáng vừa chặt chẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển, cạnh tranh bình đẳng trên cơ sở chấp hành quy định pháp luật về bưu chính, chuyển phát.
 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT( 0)