Trả lời kiến nghị đề xuất của địa phương trong lĩnh vực công nghệ thông tin (tháng 10/2011)


1. Đơn vị kiến nghị: Cần thơ

Nội dung:  Hướng dẫn xác định định mức chi phí lập đề cương và dự toán chi tiết; xác định hệ số dự phòng đối với hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước nhưng không yêu cầu phải lập dự án.

Ý kiến trả lời:

- Đề nghị hướng dẫn xác định định mức chi phí lập đề cương và dự toán chi tiết:
Theo khoản 1 Điều 4 Thông tư số 21/2010/TT-BTTTT: “Đơn vị sử dụng ngân sách được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ và dự toán để thực hiện hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin phải lập đề cương và dự toán chi tiết theo quy định tại Thông tư này. Đơn vị sử dụng ngân sách tự tổ chức lập đề cương và dự toán chi tiết nếu có đủ năng lực hoặc có quyền thuê tư vấn lập”.
Theo khoản 5 Điều 1 Thông tư số 21/2010/TT-BTTTT: “Dự toán phải được xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn, định mức, đơn giá đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Đối với các nội dung chưa có tiêu chuẩn, định mức, đơn giá được ban hành thì căn cứ theo yêu cầu kỹ thuật, công nghệ, điều kiện làm việc để xây dựng định mức, đơn giá hoặc áp dụng các định mức, đơn giá tương tự ở các dự án, nhiệm vụ khác đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phải có thuyết minh rõ căn cứ tính toán”.
Quyết định số 993/QĐ-BTTTT ngày 01/7/2011 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc công bố định mức tạm thời về chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin chỉ quy định định mức cho dự án vì vậy chỉ có tính chất tham khảo đối với việc lập đề cương và dự toán chi tiết hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin không phải lập dự án. Như vậy, nếu đơn vị sử dụng ngân sách thuê tư vấn lập đề cương và dự toán chi tiết thì đơn vị đó có thể tự xây dựng định mức, đơn giá để xác định chi phí thuê tư vấn hoặc áp dụng các định mức, đơn giá tương tự ở các dự án, nhiệm vụ khác đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và không nên vượt quá định mức quy định tại Quyết định số 993/QĐ-BTTTT ngày 01/7/2011 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
 
- Đề nghị hướng dẫn xác định hệ số dự phòng đối với hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước nhưng không yêu cầu phải lập dự án:
Hệ số dự phòng đối với hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước nhưng không yêu cầu phải lập dự án được
quy định tại điểm e khoản 2 Điều 6 Thông tư số 21/2010/TT-BTTTT, cụ thể như sau: Chi phí dự phòng cho khối lượng công việc phát sinh chưa lường trước được khi lập đề cương và dự toán chi tiết. Chi phí dự phòng không vượt quá 10% tổng dự toán của Chi phí xây lắp, Chi phí thiết bị, Chi phí quản lý, Chi phí tư vấn, Chi phí khác có liên quan.

2. Đơn vị kiến nghị: Hậu Giang

Nội dung:   Kiến nghị hỗ trợ kinh phí để triển khai các kế hoạch thực hiện “ Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo giai đoạn 2011-2015).

Ý kiến trả lời:

Tổ giúp việc và Ban quản lý Chương trình đã rà soát phạm vị, đối tượng thực hiện Chương trình giai đoạn 2011-2015, tỉnh Hậu Giang không nằm trong danh sách các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham gia thực hiện hiện “ Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo giai đoạn 2011-2015). 

3. Đơn vị kiến nghị: Bình Định, Yên Bái

Nội dung:   Hỗ trợ, ưu tiên kinh phí trong hoạt động CNTT.

Ý kiến trả lời:

- Về kinh phí cho ứng dụng công nghệ thông tin nói chung:
Kinh phí triển khai Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 – 2015 theo Quyết định số 1605/QĐ-TTg ngày 27/8/2010 được bố trí trong dự toán chi ngân sách hàng năm của các Bộ, ngành, địa phương chứ không có nguồn kinh phí riêng. Như vậy, hàng năm, căn cứ vào Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 và Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2011-2015 của cơ quan mình, các tỉnh xây dựng Kế hoạch và dự toán ngân sách ứng dụng công nghệ thông tin gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp, cân đối ngân sách trung ương cho ứng dụng công nghệ thông tin, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chung trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của các cơ quan. Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan được giao nhiệm vụ thẩm định về mục tiêu, nội dung chuyên môn, tiêu chuẩn kỹ thuật các nhiệm vụ, dự án của các Bộ, ngành, địa phương còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính là cơ quan thẩm định, tổng hợp về dự toán ngân sách nhà nước.
 
- Về hỗ trợ kinh phí cho các địa phương khó khăn:
Tại Quyết định số 1605/QĐ-TTg ngày 27/8/2010 có quy định “Ngân sách trung ương ưu tiên hỗ trợ đối với một số địa phương khó khăn để bảo đảm kinh phí triển khai các nội dung xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin tại các địa phương nhằm bảo đảm sự kết nối, liên thông giữa các cơ quan nhà nước khi triển khai các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu lớn có quy mô quốc gia. Các cơ quan chủ trì triển khai các hệ thống này có trách nhiệm đề xuất hỗ trợ kinh phí cho các địa phương trên cơ sở nhu cầu thực tế, bảo đảm tránh trùng lặp, lãng phí. Mức hỗ trợ và đối tượng hỗ trợ cụ thể hàng năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định”. Vì vậy, tùy theo từng dự án cụ thể mà các cơ quan chủ trì dự án sẽ xây dựng phương án hỗ trợ các địa phương và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

4. Đơn vị kiến nghị: Hậu Giang

Nội dung:   Mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về chuyên ngành lĩnh vực thông tin và truyền thông, đặc biệt là các lớp đào tạo về nghiệp vụ an toàn, an ninh thông tin.

Ý kiến trả lời:

Trên cơ sở kiến nghị của Sở , Bộ Thông tin và Truyền thông xin được trả lời như sau:
Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cũng rất quan tâm và tìm cách vận dụng các cơ chế phù hợp theo qui định của Nhà nước để có được nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của các Sở Thông tin và Truyền thông. Cụ thể như từ 2006, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng Đề án bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức các Sở Thông tin và Truyền thông trong toàn quốc giai đoạn 2007 - 2009 và đã làm việc với Bộ Tài chính để được bố trí nguồn kinh phí triển khai thực hiện Đề án này. Trong 3 năm triển khai thực hiện Đề án, gần 1600 lượt cán bộ, công chức của các Sở Thông tin và Truyền thông đã được bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn về:
- Quản lý nhà nước về Bưu chính
- Quản lý nhà nước về Viễn thông
- Quản lý nhà nước về Công nghệ thông tin
- Quản lý nhà nước về Báo chí
- Quản lý nhà nước về Xuất bản
- Quản lý nhà nước về Thông tin đối ngoại
- Quản lý nhà nước về Phát thanh truyền hình
Ngoài ra hàng năm, Bộ cũng tổ chức ít nhất 03 khóa tập huấn nghiệp vụ thanh tra cho cán bộ, công chức của các Sở Thông tin và Truyền thông, cho cán bộ làm công tác về thanh tra cấp quận, huyện. Bên cạnh đó từ năm 2009- 2011 Bộ cũng đã quan tâm và tạo điều kiện cho cán bộ, công chức của các Sở tham gia các đoàn đi học tập, bồi dưỡng của Bộ ở nước ngoài; khóa bồi dưỡng về CIO ở trong nước từ nguồn kinh phí dự án Ngân hàng Thế giới, đề án 165 hoặc các nguồn tài trợ khác.
 
Tuy nhiên do cơ chế chính sách nhà nước, qui định về việc sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cũng như nguồn ngân sách hạn hẹp, Bộ cũng khó bố trí được nguồn kinh phí riêng đề bồi dưỡng cho cán bộ, công chức của các Sở như Đề án đã nói ở trên. Bộ thấu hiểu và chia sẻ với nguyện vọng của các Sở trong việc nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức của đơn vị mình. Vì vậy, Bộ cũng mong các Sở tăng cường tính chủ động trong việc bồi dưỡng cho cán bộ, công chức của đơn vị mình. Trong thẩm quyền của mình, Bộ sẽ hỗ trợ các Sở trong việc đào tạo, bồi dưỡng như sau:
 
1. Hàng năm Bộ sẽ tiếp tục tổ chức các khóa tập huấn nghiệp vụ thanh tra cho cán bộ, công chức của các Sở Thông tin và Truyền thông;
2. Các Sở có đề nghị về nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước gửi về Bộ. Cách thức thực hiện sẽ có những cách thức sau:
- Nếu trong kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức của Bộ nếu có nội dung nào trùng và phù hợp với Sở thì Bộ sẽ thông báo cho các Sở để biết, cử nhân sự và thu xếp nguồn kinh phí phù hợp;
- Hoặc có những nội dung được đề nghị của nhiều Sở thì Bộ sẽ xem xét và làm việc với Bộ Tài chính để tìm nguồn kinh phí cho những khóa học đặc biệt;
- Hoặc nếu các Sở có nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng bất kỳ nghiệp vụ gì thì Bộ có thể hỗ trợ giảng viên tham gia giảng dạy và các Sở thu xếp các điều kiện về cơ sở vật chất, cũng như các điều kiện cần thiết khác.
- Hàng năm Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam cũng có tổ chức các khóa học bồi dưỡng về nghiệp vụ an toàn, an ninh mạng theo các chương trình hoặc dự án. Các Sở có thể liên hệ trực tiếp với Trung tâm để tìm hiểu và đăng ký.

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT( 0)