Xây dựng Luật Viễn thông và Luật Tần số vô tuyến điện: Mở rộng đối tượng kinh doanh viễn thông

(Mic.gov.vn) - Sáng 5/6, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp đã trình bày trước Quốc hội tờ trình của hai dự án Luật để Quốc hội cho ý kiến là dự án Luật Viễn thông và Luật Tần số vô tuyến điện. Một trong những điểm mới quan trọng của dự án Luật Viễn thông là mở rộng sự tham gia của các thành phần kinh tế trong kinh doanh viễn thông, đặc biệt là đối với lĩnh vực thiết lập hạ tầng mạng.

Luật Viễn thông: khuyến khích mọi nguồn lực phát triển hạ tầng

Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Viễn thông nhấn mạnh, cạnh tranh trên thị trường viễn thông Việt Nam đã giúp cho ngành viễn thông phát triển nhanh, mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Doanh số ngành viễn thông năm 2008 đạt trên 90.000 tỉ đồng, tăng 30% năm, đóng góp lớn cho NSNN (năm 2008: trên 11.000 tỉ đồng). Tuy nhiên cũng từ sự phát triển đó nảy sinh đòi hỏi hệ thống luật pháp cần có những thay đổi quan trọng để quản lý và thúc đẩy thị trường viễn thông phát triển trong điều kiện mới.

Dự thảo Luật Viễn thông gồm 6 chương, 66 điều, qui định phạm vi điều chỉnh; về kinh doanh viễn thông; Viễn thông công ích; Quản lý viễn thông...

Nội dung quan trọng nhất của dự thảo luật Viễn thông là mở rộng sự tham gia của các thành phần kinh tế trong kinh doanh viễn thông, đặc biệt là đối với lĩnh vực thiết lập hạ tầng mạng.

Theo đánh giá của Chính phủ, mặc dù cơ sở hạ tầng viễn thông Việt Nam trong thời gian qua đã phát triển rất nhanh, song quy mô và sự phát triển bền vững so với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới vẫn còn nhiều hạn chế. Vì vậy, dự thảo Luật Viễn thông đã quy định các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được thành lập theo pháp luật Việt Nam đều được tham gia cung cấp dịch vụ viễn thông cũng như thiết lập hạ tầng mạng viễn thông.

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định giao Thủ tướng Chính phủ, tuỳ theo từng thời kỳ, quyết định việc Nhà nước tiếp tục nắm quyền kiểm soát thông qua việc nắm cổ phần chi phối trong một số doanh nghiệp viễn thông chủ lực (VNPT; Viettel...) có tầm quan trọng đặc biệt đối với toàn bộ mạng viễn thông quốc gia và ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển kinh tế, xã hội.

Đặc biệt, định hướng mới của Luật là áp dụng cơ chế thị trường trong quản lý tài nguyên viễn thông (tần số, kho số, tên miền, địa chỉ Internet). Đây là dạng tài nguyên có giá trị và trong nhiều trường hợp là tài nguyên quý hiếm, hữu hạn, mang tính thương mại cao và tổng số nguồn tài nguyên này không đủ khả năng phân bổ theo nhu cầu sử dụng.

Trong báo cáo thẩm tra dự án luật Viễn thông, Chủ nhiệm UB KHCN và MT của Quốc hội Đặng Vũ Minh, cho biết về Uỷ ban tán thành với Tờ trình của Chính phủ, tuy nhiên cần làm rõ thêm một số khái niệm và quy định, chẳng hạn cần quy định cụ thể về cơ chế chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông và thể hiện rõ vai trò định hướng, chủ đạo của Nhà nước trong việc đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông; hay bổ sung các quy định về quy hoạch khai thác và sử dụng tài nguyên viễn thông để quản lý hiệu quả tài nguyên viễn thông và hạn chế thuê bao ảo. ..

Luật tần số vô tuyến điện: Quản lý chặt nguồn tài nguyên quý hiếm

Cũng trong sáng nay, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp còn trình bày trước Quốc hội tờ trình của Chính phủ về dự án Luật tần số vô tuyến điện. Theo đó, sự phát triển bùng nổ của thông tin vô tuyến trong tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng làm cho nhu cầu sử dụng phổ tần số vô tuyến điện ngày càng cao, tần số vô tuyến điện (VTĐ) ngày càng trở nên quý hiếm, đòi hỏi phải được quản lý và sử dụng hiệu quả hơn.

Chính phủ cho biết, từ năm 1990 trở về trước, việc sử dụng các hệ thống thông tin vô tuyến và sử dụng phổ tần số VTĐ ở nước ta còn rất hạn chế, chủ yếu chỉ tập trung vào các hệ thống thông tin vô tuyến quân sự, các hệ thống phát thanh, truyền hình. Tuy nhiên từ sau năm 2000, các hệ thống thông tin vô tuyến đã phát triển nhanh chóng, được ứng dụng rộng rãi trong mọi mặt của đời sống xã hội: thông tin di động, truyền dẫn viba, thông tin vệ tinh; truyền hình tương tự, truyền hình số, truyền hình di động; các hệ thống bộ đàm dùng cho các tàu, thuyền của ngư dân, sân bay, taxi, bảo vệ...

Dự thảo Luật Tần số vô tuyến điện gồm 8 chương, 48 điều. Một trong những nội dung mới quan trọng trong dự thảo Luật Tần số vô tuyến điện là xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực thực thi pháp luật; Hình thành các phương thức quản lý tần số mới dựa trên việc áp dụng các cơ chế kinh tế thị trường đối với các vấn đề quản lý tài nguyên tần số...

Dự thảo quy định hai hình thức cấp phép mới, đó là đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số VTĐ (đối với những băng tần có giá trị kinh tế cao, nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng đáp ứng) để từng bước thiết lập phương thức cấp phép tần số dựa theo cơ chế thị trường, thay vì việc cấp phép theo cơ chế “cấp – phát”, “đến trước - cấp trước” như trước đây.

Trong báo cáo thẩm tra, Uỷ ban KHCN và MT của Quốc hội cho biết, về cơ bản, nội dung của dự thảo Luật có tính khả thi cao, đã tạo hành lang pháp lý nhằm tăng cường quản lý nhà nước về tần số VTĐ, đáp ứng yêu cầu hội nhập và tình hình phát triển đất nước, các quy định của dự thảo Luật đã giải quyết phần lớn các vấn đề bất cập của pháp luật trong lĩnh vực tần số VTĐ.

Uỷ ban cũng tán thành quy định của dự thảo Luật chỉ quy định mang tính nguyên tắc về Uỷ ban Tần số vô tuyến điện. Ủy ban này có chức năng tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ trong việc phối hợp hoạt động quản lý và sử dụng tần số VTĐ giữa các cơ quan, giữa các lĩnh vực dân sự, an ninh, quốc phòng.

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT( 0)