(Mic.gov.vn) -
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ, từ ngày 11-16/3/2007, của đoàn Chính phủ Việt Nam do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm dẫn đầu, ngày 16/3/2007, tại Thủ đô Washington, với sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Hoa Kỳ - ASEAN, Phó Đại diện Thương mại và hơn 200 các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Hoa Kỳ, Bộ BCVT đã ký Bản Ghi nhớ thỏa thuận (MoU) với Tập đoàn Microsoft.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ, từ ngày 11-16/3/2007, của đoàn Chính phủ Việt Nam do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm dẫn đầu, ngày 16/3/2007, tại Thủ đô Washington, với sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Hoa Kỳ - ASEAN, Phó Đại diện Thương mại và hơn 200 các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Hoa Kỳ, Bộ BCVT đã ký Bản Ghi nhớ thỏa thuận (MoU) với Tập đoàn Microsoft.
Bản Ghi nhớ thỏa thuận khẳng định mong muốn của cả hai bên trong việc xây dựng mối quan hệ hợp tác lâu dài và tốt đẹp. Microsoft sẽ đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo nguồn nhân lực CNTT-TT giúp Việt Nam thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra trong chiến lược phát triển CNTT-TT tới năm 2010 và tầm nhìn tới 2020. Ngoài việc tiếp tục các chương trình hợp tác hiện tại trong lĩnh vực đào tạo như chương trình PiL (hợp tác với Bộ GD&ĐT), Microsoft sẽ thiết lập mạng lưới các Trung tâm Sáng tạo phát triển đặt tại một số địa phương, nhằm trang bị cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật CNTT Việt Nam các kỹ năng cần thiết, giúp cộng đồng các doanh nghiệp phần mềm của Việt Nam đủ sức chủ động tham gia vào thị trường CNTT và quá trình phân công lao động quốc tế. Bên cạnh đó, một mạng lưới các Trung tâm đào tạo CNTT của Microsoft cũng sẽ được thiết lập tại Việt Nam với các khóa đào tạo chuyên ngành theo tiêu chuẩn toàn cầu của Microsoft nhằm đào tạo và cấp chứng chỉ quốc tế cho các sinh viên và kỹ sư CNTT.
Hai bên sẽ cùng đẩy mạnh hợp tác xây dựng một “Việt Nam điện tử”. Microsoft sẽ hỗ trợ Bộ BCVT xây dựng một lộ trình triển khai Chính phủ điện tử hợp lý và khả thi... Microsoft cũng sẽ tích cực giúp Việt Nam đưa CNTT về vùng nông thôn như một biện pháp hữu hiệu giúp xóa đói, giảm nghèo và thu hẹp khoảng cách số gữa các vùng.
Hai bên cũng thỏa thuận sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, bảo vệ bản quyền phần mềm trên nguyên tắc tôn trọng các điều ước quốc tế, pháp luật Việt Nam và phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam. Một thỏa thuận cụ thể về bản quyền phần mềm của Microsoft (bộ phần mềm Microsoft Office) sử dụng trong các cơ quan chính phủ sẽ được hai bên hoàn tất trong thời gian sớm nhất, dự kiến trước cuối tháng 5/2007.
Thỏa thuận việc Chính phủ Việt Nam – qua đại diện là Bộ BCVT - cam kết sử dụng phần mềm hợp pháp của Microsoft trong hệ thống cơ quan chính phủ đã nhận được nhiều ý kiến đồng thuận và đánh giá cao của các nhà quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực CNTT-TT. Không chỉ giúp tiết chi phí, “việc Chính phủ cam kết sử dụng phần mềm hợp pháp của Microsoft là một việc làm rất tốt, khẳng định hình ảnh một đất nước Việt Nam hội nhập, bước vào một “cuộc chơi” sòng phẳng, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ. Đây cũng là một dấu hiệu vô cùng quan trọng, củng cố lòng tin của giới đầu tư, củng cố lòng tin của các đối tác nước ngoài về thái độ nghiêm túc của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế”, TS. Nguyễn Quang A, chuyên gia CNTT-TT bình luận. Tuy nhiên, ông Quang A cũng cho rằng Chính phủ vẫn cần phải hết sức khuyến khích và đầu tư phát triển phần mềm mã nguồn mở, tạo đối trọng với các tập đoàn lớn và tránh sự lệ thuộc vào họ.
Theo nguồn tin riêng của Báo BĐVN, chứng kiến lễ ký thỏa thuận trên, giới doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng như Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp (BSA) đều đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam đạt được thỏa thuận về bản quyền phần mềm với Tập đoàn Microsoft.
Ngày 22/2 vừa qua, theo đề nghị của Bộ VHTT, Bộ KHCN và các Bộ liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 04/2007/CT-TTg về việc tăng cường bảo hộ quyền tác giả đối với chương trình máy tính, yêu cầu các bộ ngành và địa phương sử dụng phần mềm có bản quyền.