Mặc dù tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu, suy giảm kinh tế trong nước; thiên tai, dịch bệnh diễn phức tạp... đã làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân, nhất là sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, tình trạng người mất việc làm ngày càng gia tăng, song với sự nỗ lực phấn đấu của toàn tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2009 vẫn duy trì được sự ổn định và có mặt phát triển.
6 tháng đầu năm, GDP tăng 5,72%; trong đó giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp tăng 3,58%, công nghiệp - xây dựng tăng 8,8%, dịch vụ tăng 9%. Tổng diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân đạt 226.618 ha; sản lượng lương thực vụ Đông Xuân đạt 68,24 vạn tấn. Diện tích trồng rừng tập trung ước đạt 1.594 ha, tăng 4,52% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm đạt 4.019,9 tỷ đồng, bằng 51,38% KH cả năm, tăng 4,06% so với cùng kỳ. Một số dự án trọng điểm tiến bộ khá: nhà máy bao bì Sabeco đi vào sản xuất, 02 nhà máy thuỷ điện Bản Cốc và Sao Va bắt đầu cho sản phẩm... Khối lượng xây dựng cơ bản 7 tháng đầu năm ước đạt 10.078 tỷ đồng, tăng 16,15% so với cùng kỳ. Công tác thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc. Có 26 dự án đã ký cam kết đầu tư với tổng vốn trên 21 tỷ đồng, sau 04 tháng thực hiện đã có 18 dự án triển khai; 12 đơn vị đã đăng ký đã hỗ trợ đăng ký 3 huyện nghèo với tổng vốn là 84.84 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách 7 tháng ước đạt 1556,2 tỷ đồng, đạt 63,3% doanh thu, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2008. Tổng chi ngân sách 7 tháng ước đạt 3.354,59 tỷ đồng, bằng 53,9%.
Các lĩnh vực văn hoá - xã hội, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ tiếp tục chuyển biến tích cực. Có 55 em đạt học sinh giỏi quốc gia, đạt tỷ lệ 83% số học sinh dự thi; tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 87,2%, đạt kết quả cao trong khu vực Bắc Trung bộ. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện kiên cố hoá trường lớp và nhà công vụ giáo viên. Các ngày lễ kỷ niệm được tổ chức tương đối tốt. Việc thí điểm phân cấp cho các ngành, các huyện quản lý các đề tài, dự án khoa học - công nghệ bước đầu đạt hiệu quả. Tăng cường các biện pháp đảm bảo sức khoẻ, hướng ứng tháng hành động vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống bệnh cúm A H1N1, A H5N1...
Việc chỉ đạo xử lý thông tin báo nêu vẫn được thực hiện tích cực. 7 tháng đầu năm, Văn phòng UBND tỉnh đã lựa chọn thông tin và được Chủ tịch UBND tỉnh phân công ban hành 71 văn bản giao cho 14 sở, ban, ngành và 12 UBND huyện, thành, thị chủ trì kiểm tra, xử lý 69 vấn đề có liên quan đăng, phát trên 22 tờ báo, tạp chí trung ương và địa phương. Hầu hết các sở, ban, ngành, địa phương đều tạo thuận lợi cho các nhà báo, phóng viên tiếp nhận thông tin kể cả trong trường hợp đột xuất, bất thường. Thông tin cung cấp đảm bảo tính pháp lý, do vậy đã hạn chế được tình trạng về một vấn đề nhưng các báo đưa tin khác nhau, số liệu khác nhau. Hiện nay có 68/71 sở, ban, ngành, địa phương ban hành quyết định cử người phát ngôn.
Một số sở, ban, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo, kiểm tra, xử lý nhanh, dứt điểm các vấn đề báo chí phản ánh, kịp thời có văn bản báo cáo. Tính đến ngày 08/8/2009 có 67 vấn đề đã đến thời hạn các sở, ban, ngành, địa phương phải thông báo kết quả giải quyết cho UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan báo chí. Trong đó đã có 41 vấn đề được báo cáo (chiếm 61,19 %); 26 vấn đề chưa có văn bản trả lời (chiếm 38,80 %). Nhiều đơn vị đã rất cố gắng thực hiện báo cáo như: Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn: 08/10, Sở Tài nguyên và Môi trường: 6/7, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (4/4), UBND huyện Diễn Châu: 4/5... Nhiều đơn vị đã chủ động tổ chức kiểm tra, giải quyết các vấn đề báo chí phản ánh, không chờ có văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh mới triển khai thực hiện, điển hình: UBND TP Vinh: 06, Sở Giáo dục và Đào tạo: 03, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 02..... Có 20 vấn đề được 11 cơ quan, đơn vị chủ động xử lý.
Việc triển khai Quyết định 99/QĐ-UBND làm cho không khí dân chủ trong hoạt động báo chí của Nghệ An tốt lên rất nhiều. Các sở, ban, ngành, địa phương và cá nhân quan tâm nhiều hơn tới việc cung cấp, đăng phát và xử lý thông tin trên báo chí. Các cơ quan báo chí và các biên tập viên, phóng viên có trách nhiệm cao hơn, chuyên nghiệp hơn trong việc khai thác thông tin, xử lý thông tin và đăng phát thông tin. Nhờ vậy, nhiều vấn đề báo chí nêu được tiếp thu, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Các phóng viên, nhà báo đã trao đổi khá thẳng thắn những vấn đề tồn tại trong thời gian qua cần được chỉ đạo xử lý dứt điểm trong các lĩnh vực: dự án - đầu tư, khai thác khoáng sản, ô nhiễm môi trường, xây dựng, xuất khẩu lao động, các vụ khiếu kiện kéo dài...