Sở BCVT tỉnh Gia Lai: Quản lý nhà nước về BCVT & CNTT sau 1 năm nhìn lại

(Mic.gov.vn) - 

Ngày 12/12/2006, Sở Bưu chính Viễn thông tỉnh Gia Lai đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2006. Tham dự Hội nghị có đại diện một số sở, ngành liên quan; lãnh đạo, chuyên viên quản lý bưu chính, viễn thông, CNTT các phòng Hạ tầng kinh tế (Quản lý đô thị) thuộc UBND 15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; đại diện Ban điều hành Đề án 112 và Đề án 47 của tỉnh và các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn.


Ngày 12/12/2006, Sở Bưu chính Viễn thông tỉnh Gia Lai đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2006. Tham dự Hội nghị có đại diện một số sở, ngành liên quan; lãnh đạo, chuyên viên quản lý bưu chính, viễn thông, CNTT các phòng Hạ tầng kinh tế (Quản lý đô thị) thuộc UBND 15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; đại diện Ban điều hành Đề án 112 và Đề án 47 của tỉnh và các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo và thảo luận tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2006, phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2007 của ngành. Tuy mới thành lập, lại hoạt động trong lĩnh vực quản lý mới, phức tạp, mang tính công nghệ cao, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, đội ngũ cán bộ còn thiếu kinh nghiệm quản lý lĩnh vực ngành, số đông là sinh viên mới ra trường, non trẻ về mọi phương diện nhưng với sự nỗ lực của đội ngũ công chức làm công tác tham mưu, sự hỗ trợ về chuyên môn của Bộ chủ quản; Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo Sở Bưu chính Viễn thông, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Doanh nghiệp BCVT, CNTT trên địa bàn nên hoạt động BCVT, CNTT của tỉnh đã dần dần đi vào nề nếp, có sự quản lý chặt chẽ của các cấp chính quyền trong tỉnh, đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch năm 2006. Vị thế và uy tín của ngành đối với tỉnh ngày càng được xác lập và nâng cao.

Nhằm thúc đẩy phát triển BCVT & CNTT trên địa bàn, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý ngành về quản lý, cung cấp và sử dụng Internet, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

Công tác, thanh kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động BCVT, CNTT đã được quan tâm, chỉ đạo. Qua thanh tra, kiểm tra đã nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời những sai phạm và xử lý theo quy định của pháp luật. Từ sau khi thực hiện thanh tra, kiểm tra các đơn vị, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông và đặc biệt là thanh kiểm tra các đại lý Internet công cộng thì hoạt động các dịch vụ này trên địa bàn đã dần đi vào nề nếp.

Bước đầu, đã có các ký kết hợp tác phát triển về BCVT & CNTT với ngành BCVT thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng. Công tác đào tạo nguồn nhân lực nhằm nâng cao trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý và trao đổi các sản phẩm CNTT bắt đầu mang lại hiệu quả. Chương trình "hỗ trợ doanh nghiệp Gia Lai ứng dụng CNTT phục vụ hội nhập và phát triển giai đoạn 2005-2010" theo quyết định 191/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đang được xúc tiến, đã ký kết các thoả thuận hợp tác thực hiện Chương trình với Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, đề án sẽ được triển khai tại tỉnh từ năm 2007.

* Tình hình phát triển BCVT & CNTT trên địa bàn tỉnh: Hoạt động bưu chính, viễn thông đã có bước phát triển theo hướng đa dịch vụ với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp. Mạng lưới bưu chính không ngừng được phát triển và nâng cấp; toàn tỉnh hiện có 338 điểm giao dịch phục vụ (trong đó: 43 bưu cục; 160 điểm bưu điện văn hoá xã). Bán kính phục vụ bình quân là 3,82 km/1 điểm giao dịch. Đã có 197/205 xã, phường, thị trấn có báo đến trong ngày; việc cung cấp phát báo chuyển độc giả cho đồng bào vùng sâu, vùng xa được thực hiện kịp thời và đầy đủ. Mạng viễn thông trên địa bàn tỉnh đã được mở rộng, mật độ điện thọai cuối năm 2006 đạt 9,2 máy/100 dân, tăng 28,6% so với năm 2005 (năm 2005 tỷ lệ điện thoại là 7 máy/100 dân); vượt kế hoạch tỉnh giao là 8,4 máy/100 dân; Số lượng thuê bao Internet phát triển rất nhanh so với năm 2005, đặc biệt là đường truyền băng thông rộng ADSL. Tổng số thuê bao Internet trên địa bàn toàn tỉnh là 3.540 thuê bao, trong đó có khoảng 320 đại lý Internet.

 * Những khó khăn chủ yếu trong hoạt động: Cái khó chung đối với công tác quản lý nhà nước về BCVT và CNTT hiện nay là vấn đề nhân lực, đặc biệt là tỉnh miền núi nghèo như Gia Lai. Bên cạnh đó là nhận thức về ứng dụng và phát triển CNTT của các cấp, các ngành và nhân dân còn rất hạn chế. Việc sử dụng các phần mềm trong quản lý, sản xuất và điều hành đang còn ít và thiếu sự thống nhất; công nghiệp công nghệ thông tin chưa có, công nghệ điện tử chưa phát triển. Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước của Sở Bưu chính Viễn thông quy định tại Thông tư 02/2004/TTLT-BBCVT-BNV còn mang tính chung chung, chưa có sự phân cấp quản lý ở một số lĩnh vực (chẳng hạn như quản lý tần số vô tuyến điện, quản lý chất lượng dịch vụ ...)....

* Tiếp tục khắc phục khó khăn để thực hiện nhiệm vụ trong năm 2007: Với những kết quả cơ bản đạt được trong thời gian đầu thực hiện nhiệm vụ quản lý, trong năm 2007, ngành BCVT & CNTT của tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường tham mưu trong công tác quản lý, tăng cường mối quan hệ giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp chuyên ngành, hướng dẫn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, hợp tác cùng phát triển, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; tạo ra bước đột phá, nhất là trong lĩnh vực CNTT; Phấn đấu hoàn thành và vượt các chỉ tiêu, kế hoạch tỉnh và Bộ giao. Mở rộng hạ tầng viễn thông, phấn đấu đạt tỷ lệ điện thoại đạt 12,8 máy/100dân. Đảm bảo 100% xã có điện thoại, chất lượng ổn định, đảm bảo giữ vững thông tin liên lạc thông suốt; tiến hành thực hiện việc quản lý thuê bao di động trả trước. Phát triển dịch vụ Internet, đến cuối năm 2007 đạt 4.950 thuê bao (trong đó băng thông rộng là 2.500 thuê bao). Giữ vững hoạt động 160 điểm bưu điện văn hóa xã hiện có và phát triển mới các xã khác....

Tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo từ cấp Bộ và Tỉnh: Để nâng cao năng lực quản lý, khắc phục dần những tồn tại, hạn chế, bất cập trong phát triển lĩnh vực ngành nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển BCVT và ứng dụng CNTT trên địa bàn, sớm đưa Luật CNTT đi vào cuộc sống. Đa số đại biểu dự Hội nghị đều thống nhất đề nghị Bộ. Sớm ban hành đơn giá hoặc định mức CNTT làm cơ sở thẩm định các dự án CNTT. Tham mưu với Ban chỉ đạo CNTT Quốc gia quan tâm, chỉ đạo sâu sát hơn đối với các địa phương, có giải pháp đề xuất ưu tiên bố trí vốn cho các tỉnh nghèo, tỉnh miền núi như Gia Lai để đẩy nhanh ứng dụng và phát triển CNTT. Hướng dẫn và ưu tiên triển khai chương trình viễn thông công ích đối với những tỉnh còn nghèo và khó khăn, chưa phát triển về bưu chính, viễn thông như Gia Lai. Tiến hành phân cấp mạnh mẽ để phát huy năng lực quản lý của các Sở BCVT và tăng cường tổ chức các khoá tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, hội thảo chuyên đề để nâng cao trình độ QLNN cho cán bộ, công chức thuộc ngành.

Về phía địa phương, tỉnh cần tổ chức quán triệt Chỉ thị 58-CT/TW ngày 17/10/2000 của Bộ Chính trị (khoá VIII) về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đồng thời ban hành kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 58 trong thời gian tiếp theo (từ năm 2001 - 2006 chưa có chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị); Sớm thành lập và tăng cường vai trò chỉ đạo của Ban chỉ đạo CNTT cấp tỉnh...

Trần Thị Huệ

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT( 0)