Viễn thông, Internet



Tổ chức liên minh viễn thông quốc tế (ITU)

1. Giới thiệu chung:
Tên gọi: Liên minh viễn thông quốc tế
Tiếng Pháp: Union Internationnale des Télécommunications (UIT)
Tiếng Anh: International Telecommunication Union (ITU)
2. Quá trình thành lập:
Ngày 17/5/1865 Công ước điện tín Thế giới đầu tiên được ký kết giữa 20 nước. Liên minh điện tín quốc tế (International Telegraph Union) đã được thành lập với 20 thành viên ban đầu có công ước và thể lệ điện tín đầu tiên. Ngày 01/01/1934 Liên minh Điện tín Quốc tế quyết định đổi tên thành Liên minh Viễn thông quốc tế (International Telecommunication Union - ITU) với đầy đủ chức năng nhiệm vụ: các dạng thông tin như hữu tuyến, vô tuyến, hệ thống cáp quang hoặc hệ thống điện từ khác.
3. Tôn chỉ mục đích của Liên minh viễn thông quốc tế
a) ITU hoạt động theo những tôn chỉ mục đích sau:
- Giữ vững và tăng cường quan hệ quốc tế giữa tất cả các thành viên của Liên minh nhằm hoàn thiện và sử dụng viễn thông một cách có hiệu quả nhất;
- Khuyến khích và trợ giúp kỹ thuật cũng như các nguồn tài chính cho các nước đang phát triển trong lĩnh vực viễn thông; phát triển các phương tiện kỹ thuật giúp các nước này khai thác có hiệu quả và hiệu suất.
- Khuyến khích sử dụng dịch vụ viễn thông và tăng cường mở rộng lợi thế của công nghệ mới, đồng thời giàn xếp điều hoà giữa các thành viên để đạt được các mục đích phát triển.
- Khuyến khích và cộng tác với các tổ chức quốc tế khác để chấp nhận một tiệm cận chung về các vấn đề viễn thông nhằm hoà nhập lĩnh vực kinh tế thế giới.
-Phân bổ và quản lý tần số vô tuyến điện, các vị trí liên quan đến quỹ đạo của vệ tinh địa tĩnh.
- Đưa ra tiêu chuẩn viễn thông thế giới để đảm bảo chất lương dịch vụ viễn thông.
- Khuyến khích sự cộng tác giữa các thành viên để cước phí dịch vụ giảm đến mức thấp nhất nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và quản lý tài chính Viễn thông;
- Thống nhất toàn cầu để sử dụng các dịch vụ viễn thông trong việc cứu hộ con người.
4.Cơ cấu tổ chức và chức năng nhiệm vụ chính của Liên minh viễn thông quốc tế (ITU):
1.Cơ cấu Liên minh viễn thông quốc tế (ITU)
Liên minh viễn thông quốc tế là một tổ chức liên chính phủ trong đó các Quốc gia Thành viên và Thành viên Lĩnh vực, với quyền và nghĩa vụ được xác định rõ, hợp tác nhằm đạt được các mục tiêu của Liên minh. Các Quốc gia Thành viên là các nước thành viên và các Thành viên Lĩnh vực bao gồm các Quốc gia Thành viên và các công ty viễn thông của các nước. Liên minh viễn thông quốc tế có 3 Lĩnh vực chính:
- Lĩnh vực thông tin vô tuyến (ITU-R) do Cục thông tin vô tuyến (BR) điều hành.
- Lĩnh vực tiêu chuẩn hoá viễn thông (ITU-T) do Cục Tiêu chuẩn viễn thông (TSB) điều hành.
- Lĩnh vực phát triển viễn thông (ITU-D) do Cục Phát triển viễn thông (BDT) điều hành.
- Ngoài ra còn có Văn phòng Tổng thư ký (Secretariat).
2.Chức năng nhiệm vụ của Liên minh:
Mục tiêu chung của ITU là giữ vững và mở rộng việc hợp tác quốc tế giữa tất cả các Quốc gia Thành viên nhằm cải tiến và sử dụng hợp lý các loại hình viễn thông, thúc đẩy và trợ giúp kỹ thuật cho các nước đang phát triển trong lĩnh vực viễn thông, điều hòa những hoạt động của các Quốc gia Thành viên và thúc đẩy sự hợp tác và quan hệ đối tác có hiệu quả và mang tính xây dựng giữa các Quốc gia Thành viên và Thành viên Lĩnh vực nhằm đạt được những mục đích trên.
2.1 ITU-R:
ITU-R nghiên cứu thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến thông tin vô tuyến, tần số, quĩ đạo vệ tinh:
+ Quản lý tần số nói chung,
+ Phân bổ băng tần cho các dịch vụ, chống nhiễu,...
+ Phân bổ quĩ đạo và phối hợp tần số vệ tinh,
+ .....
2.2. ITU-T:
ITU-T nghiên cứu thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến tiêu chuẩn viễn thông:
+ Khai thác dịch vụ viễn thông
+ Qui định cước và nguyên tắc thanh toán quốc tế
+ Xử lý ảnh hưởng của môi trường điện từ, sét, động đất,..
+ Qui định về báo hiệu và an ninh mạng lưới
+ Dịch vụ đa phương tiện,..
+ Đánh số, tên miền, địa chỉ Internet,...
+ ......
2.3. ITU-D:
ITU-D nghiên cứu thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến chính sách và kỹ thuật để phát triển viễn thông nhất là các vấn đề cần thiết để áp dụng cho các nước chậm và đang phát triển, trong đó có phần đại diện cho UNDP trong lĩnh vực phát triển viễn thông:
+ Tư vấn về chính sách phát triển viễn thông:
- Luật và thể chế viễn thông,
- Chính sách kết nối, chính sách cước,..
- Tư vấn quản lý,...
- ....
+ Hỗ trợ kỹ thuật:
- Hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật cho các nước đang phát triển:
- Đề án thử nghiệm các dịch vụ mới,
- ....
+ Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực:
- Khoá học, hội thảo,..
- Nâng cấp các Trung tâm đào tạo
- Chương trình đào tạo từ xa,
- ....
2.4. ITU-Secretariat:
ITU-Secretariat giúp Tổng thư ký ITU tổng hợp các vấn đề chung của ITU, cụ thể các lĩnh vực:
- Kế hoạch chiến lược và kế hoạch tài chính của ITU
- Quan hệ hợp tác giữa ITU và các Tổ chức quốc tế/Thành viên,
- Các công việc hành chính khác.
5. Quá trình tham gia của Việt Nam
Từ năm 1975 đến nay Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là đại diện hợp pháp duy nhất của nước Việt Nam thống nhất tham gia vào Liên minh Viễn thông quốc tế.
Năm 1982, Việt Nam tham gia Hội nghị toàn quyền ở Nairobi (Kenya) và đã ký Công ước Nairobi - 82, đồng thời đưa ra tuyên bố về chủ quyền lãnh thổ đối với Quần đảo Trường Sa va Hoàng Sa của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Sau Hội nghị này, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Nairobi-82 và Công ước này có giá trị đến ngày Hiến chương và Công ước Geneva 92 thay thế (01/7/1994).
Năm 1989, Việt Nam tham gia Hội nghị toàn quyền Nice (Pháp) và đã ký các văn kiện Nice-89, đồng thời bảo lưu ý kiến của Chính phủ Việt Nam như Nairobi-82. Văn kiện đó đã không được phê chuẩn do viễn thông phát triển mạnh cuối những năm 80 và đòi hỏi phải thay đổi cơ cấu tổ chức của Liên minh cho phù hợp với xu thế phát triển.
Năm 1992, Việt Nam tham gia Hội nghị toàn quyền bổ sung ở Geneva (Thụy Sĩ) và ký các văn kiện Geneva-92, đồng thời bảo lưu ý kiến của Chính phủ Việt Nam như đối với Nice-89 và Nairobi-82.
Năm 1994, Việt Nam tham gia Hội nghị toàn quyền Kyoto (Nhật Bản) và ký các văn kiện Kyoto-94 bao gồm những sửa đổi, bổ sung vào Văn kiện Geneva 1992, đồng thời bảo lưu ý kiến của Nhà nước Việt Nam như đã nêu tại Nairobi-82, nhắc lại tại Nice-89 và Geneva-92. Tại Hội nghị này, lần đầu tiên, Việt Nam được bầu vào Hội đồng điều hành ITU trong nhiệm kỳ 1994-1998.
Năm 1998, Việt Nam tham gia Hội nghị toàn quyền Minneapolis (Mỹ) và ký các văn kiện Minneapolis-98 bao gồm những sửa đổi, bổ sung vào Văn kiện Geneva 1992 đã được sửa đổi 1994, đồng thời bảo lưu ý kiến của Nhà nước Việt Nam như đã nêu tại Nairobi-82, nhắc lại tại Nice-89, Geneva-92 và Kyoto-94. Tại Hội nghị này, Việt Nam được tái cử vào Hội đồng điều hành ITU trong nhiệm kỳ 1998-2002.
Năm 2002, Việt Nam tham gia Hội nghị toàn quyền Marrakesh (Ma rốc) và ký các văn kiện Marrakesh-02 bao gồm những sửa đổi, bổ sung vào Văn kiện Geneva 1992 đã được sửa đổi 1994 và 1998. Tại Hội nghị này, Việt Nam được tái cử lần 3 vào Hội đồng điều hành ITU trong nhiệm kỳ 2002-2006.
Năm 2006, Việt Nam tham gia Hội nghị toàn quyền Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ) và ký các văn kiện Antalya-06 bao gồm những sửa đổi, bổ sung vào Văn kiện Geneva 1992 đã được sửa đổi 1994, 1998 và 2002.
Ngoài những Hội nghị lớn nêu trên, Việt Nam còn tham gia nhiều hội nghị thế giới và khu vực, nhiều hội thảo khác về thông tin vô tuyến, phát triển viễn thông và tiêu chuẩn hóa viễn thông, cũng như nhiều hoạt động khác của Liên minh.
Là một Thành viên của ITU, Việt Nam có nghĩa vụ đóng góp về tài chính cho các hoạt động của Liên minh. Hiện nay, Việt Nam đăng ký đóng góp hàng năm ở mức 1/2 đơn vị và mức đóng góp niên liễm của Việt Nam cho năm 2009 là 157500 Phrang Thụy Sĩ.
Bộ Thông tin và Truyền thông được Nhà nước ủy quyền đã tham gia tích cực nhiều hoạt động của ITU, đóng góp ý kiến cho việc quản lý và sự phát triển của Liên minh. Nhờ đó, uy tín của Việt Nam đối với các tổ chức quốc tế về viễn thông nói riêng ngày càng được nâng cao. Ngoài việc tham dự các hội nghị, hội thảo, Việt Nam còn đăng cai tổ chức nhiều Hội nghị, hội thảo và đã đwocj bầu làm Chủ tịch của nhiều Hội nghị. Việt Nam cũng đã được Liên minh hỗ trợ tư vấn về chính sách, quản lý viễn thông đặc biệt là tư vấn xây dựng Luật Viễn thông và Luật Tần số Vô tuyến điện đang trình Quốc Hội xem xét. Đồng thời ITU đã phối hợp với Chương trình phát triển LHQ hỗ trợ xây dựng một số dự án lớn:
• Dự án VIE 85/019 về việc củng cố và trang bị mạng thông tin chống bão lụt cho tỉnh Bình Trị Thiên. Đề án này được thực hiện từ năm 1989 đến năm 1991 do Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) cấp vốn trị giá 520000USD và ITU là cơ quan điều hành thực hiện. Với dự án này, một mạng thông tin chống bão lụt và một mạng cáp nội hạt phục vụ cho công tác chống bão lụt và điều hành sản xuất đã được xây dựng tại tỉnh Bình Trị Thiên;
• Dự án VIE 86/047 về nâng cấp phòng thí nghiệm kỹ thuật số cho Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện với số vốn do UNDP cấp là 700000USD và ITU là cơ quan điều hành thực hiện từ năm 1989 đến năm 1993;
• Dự án VIE 89/006 về đánh giá tổng thể mạng viễn thông Việt Nam với tổng số vốn do UNDP cấp là 580000 USD và cũng do ITU điều hành thực hiện. Việc hoàn thành dự án đã hỗ trợ rất đắc lực cho Tổng cục Bưu điện trong việc xây dựng kế hoạch và chiến lược phát triển mạng viễn thông của mình.
• ITU hỗ trợ vốn và chuyên gia xây dựng các Cộng đồng viễn thông đa mục tiêu tại các tỉnh Đắc Lắc, Bắc Giang và Bắc Ninh.
Liên minh ITU còn cử nhiều chuyên gia sang giúp Việt Nam về tư vấn lập kế hoạch và chính sách viễn thông và hỗ trợ đắc lực cho việc đào tạo nguồn nhân lực qua việc cấp nhiều học bổng cho các cán bộ Việt nam tham gia các Khoá đào tạo, Khoá học nâng cao trình độ nghiệp vụ về quản lý, cũng như kỹ thuật và kỹ năng khai thác.
Như vậy, việc tham gia ITU có lợi và cần thiết đối với Việt nam. Với việc tham gia này, Việt nam có thể tranh thủ được sự trợ giúp kỹ thuật cũng như huy động nguồn tài chính từ các tổ chức quốc tế cho việc phát triển, mở rộng và hiện đại hóa mạng viễn thông trong nước, đào tạo nguồn nhân lực, tiếp nhận các kinh nghiệm tiến tiến về quản lý. Hơn nữa, thông qua Liên minh, Việt Nam có thể đấu tranh đòi chủ quyền, bảo vệ lợi ích quốc gia và sự bình đẳng trong việc sử dụng tài nguyên viễn thông (tần số, quỹ đạo vệ tinh,...).
6. Mục tiêu tham gia của Việt Nam trong ITU:
1. Tham gia với tư cách là đại diện cho Nhà nước và Chính phủ Việt Nam:
- Tham gia với tư cách đại diện cho Chính phủ nhằm bảo vệ quyền lãnh thổ và các quyền lợi chung của Việt Nam, nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Các hoạt động quốc tế tập trung chủ yếu vào việc chuẩn bị nội dung để Lãnh đạo cấp cao tham gia các hội nghị lớn như Hội nghị Toàn quyền, Hội nghị thông tin vô tuyến thế giới, Hội nghị thượng đỉnh, Diễn đàn,...cần có giấy uỷ quyền của Chủ tịch nước hoặc của Thủ tướng Chính phủ cũng như đón tiếp và làm việc với các đoàn Lãnh đạo ITU sang thăm Việt Nam.
- Tham gia với tư cách điều phối giữa các Bộ Ngành liên quan: phối hợp với các Bộ Ngành khác như Đài truyền hình Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải (Cục hàng hải, Cục hàng không,..), Bộ thương mại để bảo vệ quyền lợi liên quan.
- Tham gia đóng góp xây dựng ITU: tham gia các hoạt động của Hội đồng điều hành, các Nhóm tư vấn của các Lĩnh vực.
2. Tham gia hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi của Ngành:
- Tham gia các hội nghị, hội thảo, diễn đàn của ITU nhằm tuyên truyền và nâng cao vị thế của viễn thông Việt Nam, hỗ trợ cho các hoạt động song phương,
- Tham gia Liên minh nhằm để xây dựng quan hệ khai thác nghiệp vụ thông qua những Hiệp định/Qui định đa phương về tiêu chuẩn và định mức,
- Đấu nối hỗ trợ tư vấn về quản lý viễn thông, xây dựng thể lệ viễn thông, sự trợ giúp kỹ thuật và công nghệ mới,
- Tổ chức các hội nghị, hội thảo của ITU tại Việt Nam,
- Phối hợp và ấn định tần số trên cơ sở các qui định của ITU về thông tin vô tuyến,
- Áp dụng các Khuyến nghị tiêu chuẩn cũng như các kết quả nghiên cứu của ITU trong lĩnh vực viễn thông,
- Thực hiện các đề án do ITU và UNDP tài trợ cho Ngành viễn thông,
- Đào tạo cán bộ thông qua các khoá học, các tài liệu nghiên cứu của ITU về quản lý cũng như về sản xuất kinh doanh dưới nhiều hình thức như cung cấp học bổng, cung cấp giảng viên, chương trình học ...
7. Doanh nghiệp tham gia với tư cách là Thành viên Lĩnh vực của ITU:
- Từ cuối 2008, Tổng Công ty viễn thông quân đội (VIETEL) đã đăng ký trở Thành viên Lĩnh vực của ITU-R, ITU-T và ITU-D.
(Từ cuối 2008, Công ty cổ phần công nghệ VIETEL đã đăng ký trở Thành viên Lĩnh vực của ITU-R và ITU-T. Đầu năm 2009, Công ty cổ phần công nghệ VIETEL đã xin rút tư cách Thành viên Lĩnh vực của ITU-R và ITU-T)
 
 

 
Tổng quan về APT
Liên minh Viễn thông Châu á - Thái Bình Dương (APT) là tổ chức về chuyên ngành viễn thông trong khu vực được thành lập vào tháng 5 năm 1979 dưới sự bảo trợ của ESCAP.
Thành viên
Hiện nay, APT đã được tăng cường với 32 quốc gia Thành viên, 4 thành viên liên kết và 95 thành viên không chính thức (là các tổ chức nghiên cứu, công ty viễn thông). APT cũng tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tư nhân tham gia vào Liên minh.
Lĩnh vực Hoạt động
Những hoạt động của APT bao gồm tất cả mọi lĩnh vực về viễn thông như các vấn đề về công nghệ và chính sách, tài chính và thể lệ, mạng quốc gia và khu vực, vấn đề hợp tác quốc tế trong viễn thông, chuyển giao công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, thể hiện ở các mảng:
- Các hoạt động phối hợp khu vực (xây dựng các đề xuất của khu vực gửi hội nghị thông tin vô tuyến thế giới – WRC, hội nghị toàn quyền ITU – PP, các đề xuất, ý kiến đóng góp của khu vực cho những hoạt động liên quan khác)
- Hoạt động tiêu chuẩn hóa, Chương trình tiêu chuẩn hóa của APT (nghiên cứu, xây dựng khuyến nghị)
- Hoạt động của nhóm nghiên cứu
- Chuyển giao công nghệ và phát triển nguồn nhân lực (đào tạo, chuyên gia, tư vấn kỹ thuật)
- Đề án thử nghiệm
Cơ cấu tổ chức
APT có những cơ quan chính là Đại hội đồng và Hội đồng Quản trị và Ban thư ký. Đại hội đồng là cơ quan quyền lực cao nhất của APT, bao gồm các Thành viên chính thức và Thành viên liên kết và được tổ chức họp 3 năm một lần. Đại hội đồng đưa ra các nguyên tắc và các chính sách chung nhằm đạt được các mục tiêu của Liên minh, quyết định các vấn đề về ngân sách và chi tiêu của Liên minh, sửa đổi các thỏa thuận trong trường hợp cần thiết. Tại mỗi kỳ họp, Đại hội đồng bầu ra một chủ tịch và hai phó chủ tịch.
Hội đồng Quản trị bao gồm tất cả các Thành viên chính thức và Thành viên liên kết được tổ chức mỗi năm một lần căn cứ thực hiện các chính sách và nguyên tắc của Đại hội đồng, giám sát chức năng hoạt động của Văn phòng thư ký, xem xét và thông qua các chương trình công tác và thu chi, ban hành các quy định. Hội đồng Quản trị bầu ra một chủ tịch và hai phó chủ tịch trong nhiệm kỳ 2 năm.
Trong cơ cấu tổ chức của APT còn có Văn phòng thư ký APT đứng đầu là Giám đốc điều hành, Phó giám đốc điều hành và giúp việc có các quan chức khác. Công việc của Văn phòng thư ký APT bao gồm các hoạt động dự án, điều phối, tổ chức hội nghị, hội thảo, khóa học, hoạt động liên quan đến các vấn đề kỹ thuật, nghiên cứu.
Tài chính
Để duy trì hoạt động, nguồn tài chính của APT là do các nước thành viên tự nguyện đóng góp, cũng như các khoản đóng góp thêm và hỗ trợ bằng hiện vật của các thành viên và các tổ chức khác. Đơn vị đóng góp đối với các thành viên được xác định hàng năm tại cuộc họp của Hội đồng Quản trị.
Sự tham gia của Việt Nam
- Tháng 10/1979, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của APT và tham gia các cuộc họp Đại hội đồng và Hội đồng Quản trị của APT. Tổng cục Bưu điện trước đây và nay là Bộ BCVT được Chính phủ Việt Nam ủy quyền tham gia vào APT.
- Việt Nam tham gia trong APT với mục tiêu đề xuất, đóng góp ý kiến để phát triển thành đề xuất khu vực tại các diễn đàn quốc tế lớn, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của APT qua các chương trình phát triển nguồn nhân lực, chuyên gia tư vấn, ...
- Hiện nay, Việt Nam đóng niên liễm ở mức 1,5 đơn vị (tương đương với 11688$)
- Bưu điện Việt Nam thường xuyên nhận được các học bổng tham dự các khóa học tại các nước trong khu vực về các lĩnh vực kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực, quản lý, ... (khoảng 20 – 25 học bổng/năm). Để nâng cao trình độ cán bộ, học hỏi kinh nghiệm phát triển mạng lưới, hàng năm nhiều cán bộ của Việt Nam đã được cử tham gia vào các hoạt động nhóm nghiên cứu, hội nghị, hội thảo.....
Việt Nam đang tham gia vào các nhóm công tác do APT thành lập theo từng lĩnh vực cụ thể. Cùng với các nước thành viên khác, Việt Nam đã tham gia đề xuất, nghiên cứu nhằm tìm ra những chính sách chung cho việc phát triển viễn thông trong khu vực.

 
Đại hội Toàn thể các nước Thành viên INTELSAT lần thứ 24 năm 1999 đã nhất trí đi đến một quyết định lịch sử là cơ cấu lại INTELSAT theo hướng tư nhân hóa. Mô hình cơ cấu lại tổ chức được thông qua là duy trì một tổ chức liên chính phủ và hình thành công ty Intelsat tư nhân.
Đại hội Toàn thể các nước Thành viên INTELSAT lần thứ 25 năm 2000 đã thông qua các văn kiện - là cơ sở pháp lý để INTELSAT đi vào cơ cấu lại tổ chức một cách chính thức vào ngày 18/07/2001. Đại hội lần này cũng quyết định tên gọi tắt mới của tổ chức liên chính phủ là ITSO (tên gọi đầy đủ vẫn giữ nguyên - Tổ chức Vệ tinh Viễn thông Quốc tế). Tổng giám đốc đầu tiên của ITSO đã được bầu là ông Ahmed Toumi (quốc tịch Maroc).
Bộ máy điều hành
ITSO gồm các nước thành viên và một bộ máy điều hành do Tổng Giám đốc chịu trách nhiệm trước các nước thành viên. Bộ máy hoạt động của ITSO gồm Tổng Giám đốc và nhân viên giúp việc – hoạt động dưới sự chỉ đạo và hướng dẫn của Đại hội Các nước thành viên. Bộ máy thi hành có trụ sở ở Washington D.C. ITSO có thời hạn hoạt động ít nhất là 12 năm kể từ ngày chuyển giao hệ thông vệ tinh, các trạm mặt đất có liên quan cùng quỹ đạo tần số vệ tinh cho công ty Intelsat.
Thành viên
ITSO bao gồm 144 quốc gia thành viên (trước đây là thành viên INTELSAT).
Nhiệm vụ, chức năng
Nhiệm vụ chủ yếu của ITSO là nhằm đảm bảo rằng Công ty Intelsat, trên cơ sở kinh doanh, sẽ cung cấp cung cấp các dịch vụ viễn thông công cộng quốc tế nhằm: Duy trì kết nối và phủ sóng toàn cầu, Phục vụ các khách hàng trong tiêu chuẩn kết nối tối thiểu (Lifeline Connectivity Obligation -LCO), Cung cấp truy nhập không phân biệt vào hệ thống vệ tinh của công ty. Những mục tiêu này được gọi là các nguyên tắc cơ bản để ITSO giám sát Công ty Intelsat hoạt động. ITSO giám sát việc tuân thủ những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động của mình, đặc biệt là giám sát việc tuân thủ nguyên tắc truy nhập không phân biệt vào các hệ thống của công ty nhằm cung cấp các dịch vụ viễn thông công cộng hiện nay và trong tương lai nếu như hệ thống vẫn còn khả năng cung cấp;
ITSO giám sát các cam kết hợp đồng LCO của công ty với khách hàng LCO và việc tuân thủ các nghĩa vụ dịch vụ công cộng liên quan tới phủ sóng và kết nối toàn cầu, truy nhập không phân biệt tới các hệ thống của công ty; Xem xét các quyết định của công ty liên quan tới việc xin bảo vệ LCO của các quốc gia trải qua các tình trạng khẩn cấp tạm thời và các quốc gia mới thành lập, tình hình hoạt động của công ty liên quan tới phủ sóng và kết nối toàn cầu, truy nhập không phân biệt tới hệ thống của công ty. Hỗ trợ khách hàng LCO trong việc giải quyết các tranh chấp với công ty với tư cách là nhà hoà giải và hỗ trợ khách hàng trong việc lựa chọn chuyên gia tư vấn và luật sư trong những trường hợp cần thiết. Báo cáo lên Đại hội các nước thành viên về tình hình hoạt động của công ty liên quan tới việc thực thi đầy đủ các nghĩa vụ phủ sóng và kết nối toàn cầu, truy nhập không phân biệt và LCO. Làm việc và khuyến nghị với công ty trong trường hợp cần thiết.
Tài chính của tổ chức
Các nước thành viên không phải đóng niên liễm. Căn cứ vào nguồn ngân quỹ hàng năm dành riêng cho hoạt động của ITSO và theo sự hướng dẫn của Đại hội các nước thành viên, số lượng và thành phần cụ thể về nhân sự cho cơ quan điều hành của ITSO sẽ do Tổng giám đốc ITSO quyết định với việc cân nhắc đến khả năng tuyển dụng nhân viên theo nguyên tắc đa dạng về vùng điạ lý và khu vực. Chi phí cho hoạt động hàng năm của ITSO được tổ chức INTELSAT dành riêng trước khi tư nhân hoá. Ngân quỹ dành cho hoạt động hàng năm của ITSO sẽ đảm bảo chi phí hoạt động của ITSO tăng từ 1,3 triệu USD lên tới 1,8 triệu USD trong 12 năm. Trong trường hợp ITSO tiếp tục hoạt động sau 12 năm, INTELSAT sẽ cung cấp chi phí cho hoạt động hàng năm của ITSO. Khoản ngân quỹ hàng năm này sẽ được thoả thuận giữa Tổng Giám đốc ITSO và C.E.O của công ty Intelsat dựa trên các nguyên tắc và chi phí tài chính của ITSO trong 12 năm đầu. Ngân quỹ hàng năm mà INTELSAT cung cấp cho ITSO không vượt quá 1,8 triệu USD (tính theo thời giá năm 2013); và Khi ITSO kết thúc hoạt động, bất kỳ một khoản ngân quỹ nào chưa sử dụng tới sẽ được hoàn trả cho công ty.
Quan hệ giữa ITSO và Công ty Intelsat
Quan hệ giữa ITSO và Công ty Intelsat được xác định chi tiết tại Thỏa thuận giữa hai bên (được gọi là Public Service Agreement - PSA). Theo đó, Công ty có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ với ITSO, mặt khác ITSO không tác động để ảnh hưởng đến việc đầu tư vào công ty và hoạt động thương mại của Công ty. Để đạt được nhiệm vụ và mục tiêu cơ bản nêu trên, nghĩa vụ dịch vụ công cộng của công ty cùng các định nghĩa về kết nối toàn cầu, phủ sóng toàn cầu và truy nhập không phân biệt được đưa vào điều lệ hoạt động của công ty và Thoả thuận dịch vụ công cộng (Public Services Agreement (PSA)) giữa ITSO và Công ty.
Sự tham gia của Việt Nam vào ITSO
- Từ năm 1975 đến nay, Chính phủ CHXHCN VN là đại diện của nước CHXHCN Việt Nam tại Intelsat. Sau khi INTELSAT cơ cấu lại tổ chức thành ITSO, Việt Nam tiếp tục duy trì tư cách quốc gia thành viên trong ITSO.
- Tham gia vào Hội nghị Toàn thể các nước thành viên ITSO được tổ chức 2 năm một lần để đảm bảo quyền lợi thành viên và bảo vệ quyền lợi cho cổ đông của Việt Nam (VNPT) trong Công ty Intelsat.
- Thông qua các hoạt động của ITSO để tìm hiểu thông tin và kinh nghiệm về quản lý tần số, vệ tinh
- Năm 1997, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Tổng công ty BCVT VN tham gia hoạt động của INTELSAT với tư cách Bên ký kết, tham gia ký kết và thực hiện Hiệp định Khai thác INTELSAT. Sau khi INTELSAT cơ cấu lại tổ chức, các Bên ký kết được chuyển đổi tư cách thành các cổ đông.Tính đến thời điểm ngay trước khi cơ cấu lại tổ chức, tỷ lệ góp vốn của Tổng công ty là khoảng 0,25% (tương đương với trên 5 triệu USD). Số cổ phiếu Tổng công ty nhận được trong Công ty Intelsat mới là 1,24 triệu cổ phiếu.

 
I. Giới thiệu về tổ chức INTERSPUTNIK
1. Thông tin chung về tổ chức Intersputnik
- Tên gọi: Tổ chức quốc tế thông tin vũ trụ Intersputnik
- Tiếng Anh: INTERNATIONAL ORGANISATION OF SPACE COMMUNICATIONS
- Tên viết tắt: INTERSPUTNIK
- Loại tổ chức: Tổ chức liên chính phủ chuyên ngành khai thác thông tin vệ tinh
- Năm thành lập : 1971
- Số thành viên: 24 nước
- Trụ sở: 2nd Smolensky, 1/4 121099 Moscow, Cộng hoà Liên bang Nga
- Ngôn ngữ sử dụng: tiếngNga, tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha.
- Tổng giám đốc: hiện nay là ông G. G. Kudryavtsev, quốc tịch Nga
2. Tôn chỉ, mục đích của INTERSPUTNIK:
- Củng cố và phát triển quan hệ về kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hoá và các mặt khác qua thông tin liên lạc cũng như phát thanh truyền hình qua vệ tinh,
- Hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu lý thuyết và thực hành, thiết kế, thiết lập và phát triển hệ thống thông tin quốc gia qua vệ tinh.
- Phát triển hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và độc lập của các quốc gia, bình đẳng, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, giúp đỡ lẫn nhau trên cơ sở hai bên cùng có lợi.
3. Cơ cấu tổ chức và hoạt động của INTERSPUTNIK
Cơ cấu tổ chức của INTERSPUTNIK gồm:
+ Hội đồng các nước thành viên (Board)
+ Uỷ ban đại diện toàn quyền (Committee of Plenipotentiaries) sẽ được thay thế bằng Uỷ ban khai thác vào đầu năm 2003 (thời gian và địa điểm ký kết Hiệp định khai thác sẽ được Ban giám đốc Interspunik thông báo cho các nước thành viên.
+ Ban điều hành (Directorate)
a. Hội đồng các nước thành viên
Hội đồng là cơ quan lãnh đạo cao nhất, mỗi nước thành viên có một đại diện và có một phiếu biểu quyết không phụ thuộc vào tỉ lệ vốn tham gia, có trách nhiệm xem xét và quyết định những vấn đề có tầm quan trọng then chốt. Những vấn đề này có thể là bất kỳ vấn đề gì liên quan đến mục tiêu lâu dài, chính sách chung và các khía cạnh hoạt động của INTERSPUTNIK.
Các quyết định được đưa ra trên cơ sở đồng thuận hoặc trên cơ sở được ít nhất hai phần ba thành viên có quyền biểu quyết và có mặt biểu quyết thông qua. Sau khi được thông qua thì các quyết định có tính cam kết đối với toàn bộ thành viên của INTERSPUTNIK.
b. Uỷ ban các đại diện toàn quyền
- Uỷ ban các đại diện toàn quyền là Cơ quan làm việc của Hội đồng, có nhiệm vụ xem xét thực tế và giải quyết và chịu trách nhiệm trước Hội đồng về các vấn đề trong hoạt động của INTERSPUTNIK giữa hai Phiên họp Hội đồng. Mỗi nước thành viên của INTERSPUTNIK uỷ quyền cho một đại diện tham gia Uỷ ban.
c. Ban điều hành
Ban điều hành là Cơ quan chấp hành và hành chính thường trực của INTERSPUTNIK, gồm có Tổng giám đốc, các Phó tổng giám đốc, nhân viên kỹ thuật và các nhân viên khác. Tổng giám đốc và các Phó tổng giám đốc do Uỷ ban đại diện toàn quyền bầu và được Hội đồng phê chuẩn. Các nhân viên của Ban điều hành do Tổng giám đốc chỉ định trên cơ sở các khuyến nghị của đại diện các nước thành viên trong Hội đồng.
4. Quyền lợi và nghĩa vụ của các thành viên:
Các nước thành viên có quyền:
- Tham gia tất cả các Hội nghị, cuộc họp do INTERSPUTNIK tổ chức,
- Đề xuất ý kiến trong các chương trình hoạt động của INTERSPUTNIK,
- Đề nghị sửa đổi, bổ sung Hiệp định INTERSPUTNIK và Hiệp định Khai thác INTERSPUTNIK,
- Cử đại diện tham gia các hoạt động của INTERSPUTNIK,
- Biểu quyết và bỏ phiếu theo quy định,
- Khai thác và sử dụng kênh thông tin vệ tinh vào mục đích thương mại,
- Hưởng lợi nhuận tỷ lệ với số tiền đóng góp trong INTERSPUTNIK.
Các nước thành viên có nghĩa vụ:
- Tôn trọng và thực hiện đúng các quy định trong các văn kiện của INTERSPUTNIK,
- Đóng góp vào vốn điều lệ theo quy định (tỷ lệ với mức sử dụng kênh thông tin).
5. Tài chính của INTERSPUTNIK
Vốn điều lệ (tài sản cố định và lưu động) của INTERSPUTNIK do các nước thành viên đóng góp, tỷ lệ với mức sử dụng kênh thông tin của nước thành viên. Mức vốn điều lệ sẽ do các nước thành viên quyết định trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng.
6. Các văn kiện của INTERSPUTNIK
- Hiệp định thành lập hệ thống thông tin vũ trụ INTERSPUTNIK ngày 15 tháng 11 năm 1971;
- Nghị định thư ngày 26/11/1982 về Hiệp định thành lập hệ thống thông tin vũ trụ INTERSPUTNIK ngày 15 tháng 11 năm 1971;
- Thoả thuận về Năng lực pháp lý, ưu đãi và quyền miễn trừ của hệ thống thông tin vũ trụ INTERSPUTNIK ngày 20/9/1976;
- Hiệp định khai thác của INTERSPUTNIK;
- Nghị định thư về Sửa đổi Hiệp định thành lập INTERSPUTNIK.
7. Ký kết và phê chuẩn các văn kiện của INTERSPUTNIK
- Các văn kiện của INTERSPUTNIK được đại diện toàn quyền các nước ký ngay tại Đại hội toàn thể các nước thành viên
- Hiệp định INTERSPUTNIK do các nước thành viên ký kết phải được ít nhất 2/3 số nước thành viên có ít nhất 2/3 tổng số vốn cổ phần trong INTERSPUTNIK hoặc 85% số nước thành viên phê chuẩn, phê duyệt hoặc thừa nhận theo hiến pháp của từng nước thì mới có hiệu lực
- Hiệp định Khai thác INTERSPUTNIK do các Bên ký kết ký phải được ít nhất 2/3 Bên ký kết có cổ phần ít nhất là 2/3 tổng số vốn cổ phần INTERSPUTNIK hoặc 85% số các Bên ký kết phê chuẩn, phê duyệt hoặc thừa nhận theo quy định của pháp luật từng nước thì mới có hiệu lực.
- Hiệp định INTERSPUTNIK và Hiệp định Khai thác INTERSPUTNIK sửa đổi phải được Đại hội toàn thể các nước thành viên xem xét và thông qua
- Hiệp định Khai thác INTERSPUTNIK sửa đổi phải được Hội nghị các Bên ký kết xem xét và thông qua.
Cho đến nay, việc phê chuẩn Nghị định thư Sửa đổi Hiệp định thành lập Intersputnik vẫn đang được tiến hành. Hiện tại có 17 (hơn 2/3 số thành viên) và như vậy Hiệp dịnh thư Sửa đổi Hiệp định cơ sở Intersputnik sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 4/11/2003. Ban giám đốc Intersputnik cũng thông báo của 3 quốc gia : CH. Uzebekistan, Cộng hoà Hồi giáo Iran và CH Azerbajan đang nghiên cứu để gia nhập tổ chức Intersputnik trong năm tới.
II. Quá trình tham gia của Việt nam trong INTERSPUTNIK
1. Tổ chức và nhân sự của Việt Nam tham gia INTERSPUTNIK.
- Việt nam tham gia INTERSPUTNIK vào năm 1979. Cơ quan đại diện cho Việt Nam trong INTERSPUTNIK là Tổng cục Bưu điện (nay là Bộ Bưu chính, Viễn thông), đại diện là ông Mai Liêm Trực - Thứ trường Thường trực Bộ BC,VT.
- Tháng 10 năm 1997, Việt nam đã chính thức phê chuẩn Nghị định thư Sửa đổi Hiệp định thành lập INTERSPUTNIK.
- Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã được Tổng cục Bưu điện uỷ quyền làm bên ký kết Hiệp định khai thác của tổ chức INTERSPUTNIK, trực tiếp quản lý và khai thác dung lượng của mạng INTERSPUTNIK. Tổng vốn góp của Việt nam trong INTERSPUTNIK tính đến đầu năm 2002 là 92.148 USD.
- Đại diện toàn quyền của Việt Nam trong Uỷ Ban đại diện có thẩm quyền là ông Ngô Đệ - Giám đốc Công ty Viễn thông Quốc tế; Bà Vũ Thị Ánh Tuyết - Phó phòng thanh toán Quốc tế, Công ty Viễn thông Quốc tế là thành viên của Uỷ Ban Kiểm toán nhiệm kỳ 2001 - 2003.
3. Việc sử dụng dung lượng mạng INTERSPUTNIK của Việt nam:
Hiện tại, Việt Nam chỉ sử dụng 01 luồng E1 đi Nga với Rostelecom và có 01 đài mặt đất (Hoa sen 1). Tính tương đối, năm 1997 Việt Nam sử dụng 10,184% dung lượng vệ tinh của INTERSPUTNIK nhưng đến nay chỉ còn sử dụng 0,51 % dung lượng của tổ chức này.
Chiến lược hợp tác với các nước thành viên:
Các nước thành viên là cơ sở nền tảng bảo đảm cho sự phát triển trong tương lai của INTERSPUTNIK. Mối quan hệ giữa INTERSPUTNIK với các nước thành viên được xây dựng trên cơ sở của lợi ích chung, quyền lợi kinh tế của các nước thành viên, và sự tham gia mạnh mẽ tích cực của các nước thành viên vào các hoạt động kinh doanh của INTERSPUTNIK. Mục tiêu cơ bản của INTERSPUTNIK là cung cấp được các dịch vụ viễn thông với giá cước chấp nhận được cho các nước thành viên.

 
I/ Giới thiệu chung
Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á- Thái bình dương (APEC) được thành lập năm 1989 tại Canberra, phản ánh xu thế phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng về kinh tế của các quốc gia Châu á-Thái bình dương. Thời gian đầu, APEC chỉ mang tính chất là một nhóm đàm phán không chính thức và với sự tham gia rất hạn chế. Thế nhưng cho đến nay, APEC đã trở thành một công cụ đắc lực nhất trong công cuộc thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại tự do trong khu vực với mục tiêu nhằm phát triển một cộng đồng kinh tế Châu á-Thái bình dương năng động. Nó là nhân tố quan trọng góp phần vào sự thịnh vượng và ổn định của nền kinh tế thế giới.
Hiện APEC có 21 thành viên, đó là Australia, Brunei, Canada, Chile, Trung quốc, Hongkong, Indonesia, Nhật bản, Hàn quốc, Malaysia, Mexico, New Zealand, Papua New Giunea, Philippines, Singapore, Đài loan, Thái lan, Hoa kỳ, Pêru, Nga, và Việt nam. Thu nhập quốc nội của các nước APEC năm 2000 là 17,921 tỉ USD, giao dịch thương mại chiếm 46,76% giao dịch thương mại toàn cầu.
Khác với các tổ chức quốc tế và khu vực khác như WTO, EU, ASEAN là các tổ chức có những quy định, thể lệ chặt chẽ và những hiệp ước mang tính chất bắt buộc đối với các nước thành viên tham gia, APEC là một diễn đàn kinh tế mở mà nhiều nước, tuy khác nhau về thể chế chính trị, vị trí địa lý, mức độ phát triển kinh tế, đều có thể tham gia vì một mục tiêu chung là tiến tới một khu vực thị trường mở cửa, tự do hoá và thương mạI hoá. Cũng chính vì không có những ràng buộc về mặt pháp lý như vậy mà bất kỳ một nước thành viên APEC nào cũng được phép tự do tham gia các cam kết có lợi cho nền kinh tế nước mình và ngoài ra, mọi quyết định của APEC cần được thông qua trên cơ sở nhất trí hoàn toàn của mọi thành viên APEC.
II/ Các Mục tiêu và nguyên tắc hoạt động của APEC
Các thành viên APEC thuộc nhiều khu vực và trình độ phát triển kinh tế khác nhau. Việc các quốc gia này cùng hợp tác nhằm duy trì và phát triển kinh tế đã phản ánh xu hướng cùng tiến tới một mục tiêu chung bất chấp những khác biệt về kinh kế, chính trị và địa lý nói trên. Trong Tuyên bố Seoul 1991 của mình, các thành viên APEC đã nhất trí về các mục tiêu cụ thể của APEC, bao gồm:
1/ Duy trì sự tăng trưởng và phát triển vì lợi ích chung của nhân dân các nước trong khu vực, góp phần vào sự tăng trưởng và phát triển chung của kinh tế thế giới;
2/ Phát huy những thành tựu tích cực mà nền kinh tế của các nước trong khu vực và trên thế giới không ngừng hỗ trợ nhau tạo ra, vì lợi ích của khu vực và cả thế giới, thông qua việc khuyến khích các hoạt động giao lưu hàng hoá, dịch vụ, vốn và công nghệ;
3/ Hình thành và tăng cường một hệ thống thương mại đa biên rộng mở, vì lợi ích của Châu á-Thái bình dương và các nền kinh tế khác;
4/ Giảm bớt những hàng rào cản trở thương mại hàng hoá và dịch vụ giữa các thành viên, áp dụng các nguyên tắc của GATT/WTO nếu có thể được mà không làm tổn hại đến nền kinh tế của các nước khác.
Tuyên bố này còn nêu lên "đóng góp quan trọng của ngành kinh tế tư nhân vào sự năng động của nền kinh tế các quốc gia APEC " và kêu gọi thành phần kinh tế này tham gia tích cực hơn nữa vào công cuộc phát triển kinh tế chung APEC.
Vào ngày 20.11.1993, các nguyên thủ quốc gia APEC đã gặp gỡ nhau lần đầu tiên tại Seattle, Mỹ dưới sự chủ toạ của Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Tại đây đã diễn ra những cuộc thảo luận không chính thức về cam kết của các vị đứng đầu nhà nước này đối với APEC. Mục tiêu của họ là biến cộng đồng Châu á-Thái bình dương thành một nguồn động lực cho việc phát triển kinh tế, tăng cường hợp tác và sự thịnh vượng chung của các nước trong khu vực. Đó còn là một khu vực thương mại và đầu tư tự do, rộng mở trong đó hàng hoá, dịch vụ, vốn đầu tư và cả con người được phép giao lưu, qua lại một cách tự do. Đó cũng là khu vực có một nền viễn thông hiện đại phát triển đồng bộ và rộng khắp, hỗ trợ đắc lực cho công cuộc phát triển thương mại... Cuối cùng, các nguyên thủ quốc gia cũng đặt ra mục tiêu xây dựng một khu vực Châu á-Thái bình dương trong sạch về môi trường sinh thái với những con người không ngừng nỗ lực bảo tồn và khai thác một cách có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như các nguồn lực để đảm bảo cho sự tăng trưởng vững chắc và một tương lai sán lạn của khu vực.
Các nguyên tắc hành động của APEC
Với những mục tiêu trên, APEC hoạt động trên các nguyên tắc sau:
1/ Tự do Đầu tư và Thương mại, giảm tối thiểu chế độ bảo hộ;
2/ Tăng cường hợp tác quốc tế, thông qua các hình thức tác song và đa phương;
3/ Hai bên cùng có lợi, quan tâm tới lợi ích và nhu cầu của từng quốc gia;
4/Tăng cường tình đoàn kết và hữu nghị trong khu vực;
5/ Bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, chấp nhận các mức độ khác nhau về phát triển, các tiềm lực cũng như các mối quan tâm của các quốc gia;
6/ Thực tế, chú trọng vào kết quả chứ không chú trọng vào phương thức;
7/ Mọi quyết định đạt được bằng sự nhất trí chung, tôn trọng quan điểm của các nước tham gia;
8/ Hướng về "Chủ nghĩa khu vực mở cửa", giảm dần và bỏ những hàng rào bên trong và bên ngoài gây cản trở thương mại.
III/ Nhóm công tác chuyên ngành về thông tin và viễn thông - APECTEL
1. Giới thiệu chung
Cuộc Họp các quan chức cấp cao lần thứ hai tổ chức tại Singapore năm 1990 đã nhất trí xây dựng một dự án viễn thông giữa các thành viên APEC. Sau đó, Nhóm công tác chuyên ngành Viễn thông-gọi tắt là APEC TEL đã được thành lập tập trung vào bốn lĩnh vực hoạt động chính sau:
a. Phát triển nguồn nhân lực;
b. Chuyển giao công nghệ và Hợp tác trong khu vực;
c. Tạo lập các cơ hội tham quan thực tế/Quan sát/ các khoá học bổng;
d. Tiêu chuẩn hoá.
Trên cơ sở đó, Nhóm công tác chuyên ngành về Viễn thông lại chia các hoạt động của mình ra thành các dự án ngắn hạn và dài hạn do các Tiểu ban quản lý. Đó là các tiểu ban:
a. Tự do hoá;
b. Thúc đẩy kinh doanh;
c. Hợp tác Phát triển;
d. Phát triển nguồn nhân lực.
Kể từ APECTEL 24, 9/2001 Nhóm công tác chuyên ngành về Viễn thông chính thức đổi tên thành Nhóm công tác chuyên ngành về Thông tin và Viễn thông (APEC Telecommunications and Information Working Group), tên viết tắt vẫn giữ nguyên APECTEL.
Các hoạt động của Nhóm luôn bám sát các mục tiêu cụ thể mà các nhà Lãnh đạo APEC đã xác định trong Tuyên bố Bogor năm 1994, cụ thể là:
a. Tăng cường hệ thống thương mại đa biên rộng mở;
b. Xúc tiến quá trình tự do hoá thương mạI và đầu tư trong khu vực châu á- Thái bình dương; và
c. Tăng cường mối quan hệ hợp tác phát triển châu á- Thái Bình Dương.
d. Giảm các hàng rào thương mại, đầu tư và thúc đẩy lưu thông tự do hàng hoá, dịch vụ và vốn.
e. Nâng cấp cơ sở hạ tầng kinh tế, trong đó có Viễn thông và Thông tin.
2. Các hoạt động của nhóm trong những năm qua
Theo thông lệ, nội dung họp Nhóm tập trung vào kiểm điểm hoạt động của Nhóm kể từ Hội nghị Bộ trưởng Thông tin và Viễn thông APEC được tổ chức 2 năm/1 lần, cập nhật thông tin về cơ chế chính sách về thông tin và viễn thông trong các thành viên, các nội dung cụ thể của bốn Tiểu ban của Nhóm, bao gồm:
-Thuận lợi hóa thương mại;
-Hợp tác phát triển;
-Tự do hoá;
-Phát triển nguồn nhân lực.
Hiện nay, Nhóm đang tập trung vào thực hiện một số nội dung mới và đạt được một số kết quả chính: Biến Khoảng cách số thành Cơ hội số, Triển khai các thoả thuận Công nhận lẫn nhau về thiết bị điện tử, viễn thông, Xây dựng Hệ thống Thương mại Điện tử Chính phủ hướng tới Chính phủ Điện tử,....
Tóm lại, cho đến nay, APEC đã và đang thực hiện hàng loạt các biện pháp đồng bộ và tích cực ở quy mô riêng của từng thành viên cũng như quy mô chung trong APEC nhằm đưa CNTT và truyền thông vào ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả trong việc thực hiện các mục tiêu đặt ra là xây dựng một Xã hội Thông tin khu vực và nền kinh tế Tri thức trong Kỷ nguyên 21.
Những hoạt động của Bưu điện Việt Nam trong APEC TEL
·Thường xuyên tham gia vào các cuộc họp Nhóm chuyên ngành Thông tin và Viễn thông và có những sáng kiến đóng góp vào sự thành công trong hoạt động của Nhóm.
·Tham gia vào Thoả thuận công nhận lẫn nhau về chứng nhận hợp chuẩn thiết bị viễn thông (APEC TEL MRA): Việt nam tuyên bố mốc thời gian tham gia Pha 1 của APEC TEL MRA vào tháng 3/2002 tại Hội nghị APEC TEL 25 được tổ chức tại Hà nội, mốc thời gian triển khai Pha 1 TEL MRA là Quý 3 năm 2003 với nguyện vọng có giai đoạn chuyển tiếp với các nền kinh tế APEC/ASEAN.
·Tham gia vào các dự án đã và đang thực hiện do Nhóm công tác chuyên ngành Thông tin và Viễn thông chủ trì; trong năm tài chính 2003-2004, Việt nam tham gia dự án “Mạng các trường đại học điện tử phục vụ cho phát triển Chính phủ điện tử” với tư cách là đồng chủ trì với các nước Thái lan, Nhật bản, Philipin và Inđônêxia
·Tham gia các hoạt động hợp tác kinh tế kỹ thuật như phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực...
Kết quả hoạt động của Nhóm công tác APECTEL được cung cấp công khai trên mạng Internet

 

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT( 0)