(Mic.gov.vn) -
Thực hiện Quyết định 1956/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa đã có những chương trình thiết thực, phối hợp với Sở Lao động Thương binh và xã hội và các Trung tâm dạy nghề trong tỉnh, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong tỉnh.
Đến nay, công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho nông dân của Hội Nông dân tỉnh đã đạt được những kết quả đáng kể, có ý nghĩa thiết thực trong đời sống và sản xuất của nông dân tỉnh, cũng như góp phần thúc đẩy các phong trào do Hội phát động. Số lao động trong tỉnh được đào tạo nghề là 419.400 người, trong đó lao động nông thôn qua đào tạo nghề là 241.918 người, đạt 23,3% tổng số lao động nông thôn; số lao động tìm được việc làm đúng với nghề sau đào tạo 81,2%. Trong đó Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã phối hợp đào tạo được 29.760 lao động, trình độ dưới 3 tháng là 22.585 người, sơ cấp 7.175 người.
Nhằm đẩy mạnh công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho nông dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, Hội nông dân tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ, dạy nghề, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, hình thành các hình thức kinh tế hợp tác, chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm…
Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn phòng Lao động, thương binh và xã hội huyện và các hội nông dân cơ sở ký kết 27 chương trình phối hợp và triển khai thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh. Công tác phối hợp đạt kết quả tốt, từ năm 2010 đến nay các huyện, thị, thành hội đã phối hợp tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn được 41.828 người.
Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân trực thuộc Hội Nông dân tỉnh đã chủ động phối hợp với trường Cao đẳng nghề nông nghiệp và phát triển nông thôn Bắc Bộ mở được 11 lớp trung cấp nghề cho hơn 500 lao động nông thôn về các nghề trồng trọt, chăn nuôi thú y, nông nghiệp tổng hợp; đã tổ chức dạy nghề may công nghiệp, cấp chứng chỉ cho lao động nông thôn được 16 lớp cho 412 lao động; liên kết đào tạo nghề ngắn hạn được 12 lớp cho 950 học sinh.
Theo kết quả thống kê, từ năm 2010 đến nay, Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân đã được UBND tỉnh và TW Hội giao chỉ tiêu trực tiếp đào tạo 37 lớp dạy nghề cho 1.213 lao động. Thực hiện nhiệm vụ này, Trung tâm đã trực tiếp mở lớp dạy nghề ngắn hạn trong thời gian 3 tháng cho nông dân. Trung tâm đã lựa chọn các ngành nghề đào tạo phù hợp với từng vùng miền, từng nhóm đối tượng và gắn với tạo việc làm tại chỗ hoặc nhu cầu sử dụng lao động của thị trường như: Nghề may công nghiệp, trồng trọt nông, lâm nghiệp; chăn nuôi thú y, tiểu thủ công nghiệp, do vậy số lao động trên sau khi học xong đều được Trung tâm giúp tìm việc làm ổn định ở trong nước và đi xuất khẩu lao động sang nước ngoài.
Về tập huấn hướng dẫn khoa học kỹ thuật, Hội Nông dân các cấp đã trực tiếp và phối hợp mở được 20.908 cho 1.468.893 lượt người; xây dựng 22 mô hình trình diễn khuyến nông cho hội viên, nông dân học tập, ứng dụng; tổ chức hàng trăm cuộc tham quan học tập kinh nghiệm mô hình mới trong, ngoài tỉnh cho hàng ngàn lượt người.
Công tác tư vấn hướng nghiệp cũng được Hội chú trọng, đến nay đã tư vấn hướng nghiệp cho hơn 50.000 lao động, sau tư vấn, đào tạo đã có gần 700 lao động tìm được việc làm ổn định trong nước và 2.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; tổ chức dạy 16 lớp nghề may, 14 lớp tiếng Hàn Quốc, 69 lớp dạy nghề ngắn hạn về trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ ngành nghề cho 3.542 lao động nông thôn, góp phần tích cực vào chương trình dạy nghề, xuất khẩu lao động và giải quyết việc làm của tỉnh.
Xác định công tác đào tạo nghề cho người lao động nông thôn là nhiệm vụ quan trong hoạt động của mình, Hội nông dân Tỉnh và các cấp hội đã chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể, đưa công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trở nên thiết thực và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người lao động trong tỉnh.