Báo cáo Chỉ số sẵn sàng cho Phát triển và Ứng dụng CNTT-TT Việt Nam năm 2007

12/20/2008 2:00:06 PM

Chỉ số sẵn sàng điện tử hay ICT Index là căn cứ rất quan trọng khi xây dựng chiến lược phát triển CNTT-TT, là cơ sở cho việc đánh giá trình độ phát triển, sự thành công của các cơ chế chính sách hiện thời cũng như hoạch định chiến lược phát triển trong tương lai của đất nước và của từng lãnh thổ, ngành kinh tế hay doanh nghiệp. Tại Hội thảo Quốc gia về CNTT được tổ chức ngày 17/12/2008, Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về Công nghệ thông tin đã công bố bản “Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam năm 2007”. Báo cáo được Hội Tin học Việt Nam thực hiện dưới sự Bảo trợ của Ban chỉ đạo Quốc gia về CNTT và sự hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông.


Chỉ số sẵn sàng điện tử hay ICT Index là căn cứ rất quan trọng khi xây dựng chiến lược phát triển CNTT-TT, là cơ sở cho việc đánh giá trình độ phát triển, sự thành công của các cơ chế chính sách hiện thời cũng như hoạch định chiến lược phát triển trong tương lai của đất nước và của từng lãnh thổ, ngành kinh tế hay doanh nghiệp. Tại Hội thảo Quốc gia về CNTT được tổ chức ngày 17/12/2008, Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về Công nghệ thông tin đã công bố bản “Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam năm 2007”. Báo cáo được Hội Tin học Việt Nam thực hiện dưới sự Bảo trợ của Ban chỉ đạo Quốc gia về CNTT và sự hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Báo cáo đánh giá trên 4 khối cơ quan gồm: Khối Bộ và các cơ quan ngang Bộ; khối các Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương; Khối các Ngân hàng thương mại; Khối các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty lớn. Trong mỗi khối, báo cáo đã đưa ra kết quả đánh giá xếp hạng theo hai loại: xếp hạng chung và xếp hạng theo nhóm chỉ tiêu (Gồm Hạ tầng kỹ thuật CNTT-TT; Hạ tầng nhân lực CNTT-TT; Ứng dụng CNTT-TT; Môi trường tổ chức và chính sách).

Theo kết quả xếp hạng chung, chỉ số ICT index 2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo xếp thứ nhất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xếp thứ hai; Đài Truyền hình Việt Nam, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xếp những thứ hạng cuối trong số 21 Bộ và cơ quang ngang Bộ. Trong top 10 của năm 2006, chỉ còn 4 Bộ, cơ quan ngang bộ trụ lại ở top 10 của năm 2007. Các Bộ có tăng bậc mạnh nhất là Bộ Xây dựng và Bộ Ngoại giao tăng 23 bậc. Tuy vậy, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo quốc gia về công nghệ thông tin, năm 2007 là năm có sự thay đổi rất lớn về tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, từ 26 xuống còn 22, chưa kể các cơ quan trực thuộc Chính phủ; 4 Bộ, cơ quan ngang Bộ sáp nhập vào các Bộ, cơ quan ngang Bộ khác. Ngoài ra một số bộ phận của Bộ này cũng được chuyển sang Bộ khác như Cục Báo chí, Xuất bản về Bộ Thông tin và Truyền thông… do vậy có ảnh hưởng lớn đến chỉ số ICT Index. Cho nên những thay đổi tăng, giảm thứ hạng trong năm 2007 cũng không hẳn là do đơn vị đó tiến bộ hay thụt lùi về mức độ sẵn sàng cho ứng dụng CNTT-TT.

Khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hà Nội, Đà Nẵng và Tp Hồ Chí Minh là 3 tỉnh dẫn đầu trong số 64 tỉnh, thành (số liệu năm 2007, Hà Tây chưa sáp nhập vào Hà Nội). Địa phương có sự tăng hạng mạnh nhất là Đồng Tháp tăng 40 bậc, Hà Giang 38 bậc, Tiền Giang 36 bậc. Các địa phương giảm bậc nhiều nhất là Phú Yên 37, KonTum 34, Hưng Yên, Quảng Trị giảm 22 bậc.

Trong khối các Ngân hàng thương mại, số lượng ngân hàng tham gia cung cấp số liệu không nhiều bằng năm ngoái nhưng vẫn có 4 ngân hàng thương mại quốc doanh lớn nhất nước. 4 ngân hàng thương mại quốc doanh nằm trong top 5 của năm 2007 gồm Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng NNPTNT Việt Nam và Ngân hàng Công thương Việt nam nhưng vị trí số 1 lại thuộc về Ngân hàng cổ phần thương mại Miền Tây - một ngân hàng ngoài quốc doanh ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tăng bậc mạnh nhất là NH NNPTNN tăng 18 bậc, Ngân hàng TMCP Đại Á tăng 17 bậc.

Trong số 32 doanh nghiệp nộp báo cáo đánh giá thuộc khối Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty lớn, Tổng Công ty Thép Việt Nam và Tổng công ty cổ phần điện tử và tin học Việt Nam dẫn đầu. Năm nay, 2 trong số các Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty lớn nhất Việt Nam là Tổng công ty Dầu khí Việt Nam và Tổng công ty Hàng không Việt Nam không có báo cáo đánh giá. Doanh nghiệp có sự tăng bậc mạnh nhất là Tổng công ty cổ phần XNK và Xây dựng Việt Nam tăng 22 bậc, Tổng công ty chè Việt Nam 19 bậc. Doanh nghiệp có sự giảm bậc nhiều nhất là Tổng công ty văn hóa Sài Gòn giảm 18 bậc, Tập đoàn Dệt may giảm 9 bậc…