Đề án được xây dựng với mục tiêu chỉ ra được định hướng, giải pháp, chương trình, dự án, mức kinh phí đầu tư với lộ trình cụ thể cho việc tăng tốc của Việt Nam. Phạm vi Đề án bao gồm các lĩnh vực cơ bản: hạ tầng, ứng dụng, công nghiệp và nhân lực CNTT&TT. Đối với phát triển về hạ tầng CNTT&TT phấn đấu đạt các chỉ tiêu về mức độ sử dụng dịch vụ tương đương mức bình quân của các nước công nghiệp phát triển, các thiết bị thông tin đến hết hộ gia đình trong hai năm tới bao gồm: điện thoại cố định, Internet, truyền hình, điện thoại di động…, đa dạng hoá các loại hình dịch vụ, hình thành mạng tích hợp theo công nghệ mới, băng thông rộng, dung lượng lớn, mọi lúc. Mục tiêu về Ứng dụng CNTT là ứng dụng trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, tập trung vào các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, y tế, giáo dục, tỉnh thành phố điểm (tỉnh điện tử)…
Sau khi nghe báo cáo của Viện Chiến lược và ý kiến góp ý của các đơn vị: Vụ Khoa học Công nghệ, Vụ Kế hoạch Tài chính, Vụ Viễn thông, Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích… Lãnh đạo Bộ đã nhất trí Thông qua dự thảo đề cương “Đề án tăng tốc sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT&TT”. Bộ trưởng Lê Doãn Hợp đã phát biểu kết luận và chỉ đạo Viện Chiến lược phải mạnh dạn trong công tác xây dựng Đề án, chú trọng vào tính hiệu quả về mặt thực tiễn, ngắn gọn, súc tích, chắt lọc kinh nghiệm của một vài nước phát triển mà Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm. Đề án phải đưa ra được những mục tiêu và giải pháp cụ thể theo quan điểm phát triển nhanh, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và phải có kế hoạch tổ chức thực hiện. Bộ trưởng cũng chỉ đạo những nội dung cụ thể của Đề án về: sự cần thiết giải quyết vấn đề nhận thức, thực trạng vị trí của Việt Nam trên bản đồ CNTT&TT thế giới, kinh nghiệm và xu hướng phát triển CNTT&TT các nước trên thế giớivà bài học cho Việt Nam trong đó nhấn mạnh việc tìm hiểu về chính sách và mức đầu tư, hướng đầu tư của các nước. Về nội dung tăng tốc, Bộ trưởng nhấn mạnh quan điểm có kế thừa tất cả các đề án, quy hoạch đã có với một quyết tâm cao hơn, đặt mục tiêu phấn đấu cao hơn. Trong phần mục tiêu tổng thể phải nêu rõ vào thời điểm 2015, 2020, doanh thu và mức nộp ngân sách Nhà nước như thế nào. Trong năm nhiệm vụ đề ra của Đề án, nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực phải đáp ứng nhu cầu đào tạo đại trà với mục tiêu xã hội hoá và nhu cầu đào tạo mũi nhọn để đáp ứng nhu cầu tăng tốc. Một nhiệm vụ quan trọng là tiến tới xã hội hoá toàn diện lĩnh vực này. Giải pháp quan trọng với tính đột phá có trọng tâm, trọng điểm với thể chế mở đường, xoá dần cấp phép để chuyển sang thi tuyển, cần có một số chính sách điểm về thuế, đất đai, đầu tư. Về việc tổ chức thực hiện đề nghị Bộ TT&TT làm tham mưu, Bộ Tài chính tìm nguồn cho Bộ TT&TT thực hiện đề án. Trong hai tháng tới, Bộ sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất về nhân sự và tổ chức hỗ trợ để Viện Chiến lược và các đơn vị thuộc Bộ thực hiện dự thảo Đề án đúng tiến độ.