Bưu chính, Viễn thông
Trên địa bàn tỉnh có 2 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính và chuyển phát chủ yếu là Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (Bưu điện tỉnh Đăk Nông) và Tập đoàn Viễn thông Quân đội. Mạng lưới bưu chính, chuyển phát đã phát triển từ Trung tâm tỉnh đến các huyện, xã trên địa bàn tỉnh, đa dạng hoá các loại hình dịch vụ, tăng tần suất các tuyến đường thư, báo… đáp ứng các nhu cầu về dịch vụ bưu chính của người dân. Đến nay, toàn tỉnh có 10 bưu cục (trong đó có 1 bưu cục cấp I, 7 bưu cục cấp II và 2 bưu cục cấp III), 43 điểm bưu điện văn hoá xã, 107 đại lý bưu điện đa dịch vụ; tổng số điểm phục vụ là 160 điểm; bình quân 3.037người/điểm phục vụ, bán kính bình quân một điểm phục vụ 3,6 km.
Nhìn chung các đại lý bưu điện đa dịch vụ có xu hướng ngày càng giảm, người dùng có xu hướng chuyển sang các dịch vụ gia tăng phát triển mạnh trên môi trường mạng viễn thông như dịch vụ di động, dịch vụ chuyển tiền qua ngân hàng, thẻ ATM, các dịch vụ điện tử khác,...
Đối với Viễn thông, cơ sở hạ tầng mạng lưới viễn thông được các doanh nghiệp viễn thông đầu tư rộng khắp từ trung tâm tỉnh đến các huyện, thị và các xã trên toàn địa bàn tỉnh. Cáp đồng được kéo đến 100% các xã, cáp quang được kéo đến 80% các xã và 100% khu vực trung tâm các xã trên địa bàn tỉnh đều có sóng điện thoại di động. Ngoài ra, các doanh nghiệp viễn thông còn triển khai kinh doanh các dịch vụ mới làm đa dạng hoá các loại hình dịch vụ, nâng cao chất lượng phục vụ mà điểm nổi bật nhất là thị trường viễn thông di động 3G, dịch vụ truy cập Internet qua mạng di động 3G, dịch vụ Internet băng thông rộng (ADSL) và nhất là dịch vụ truyền hình qua giao thức Internet (MyTV) đang thu hút được sự quan tâm của khách hàng. Bên cạnh đó, thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành được đảm bảo thông suốt góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng của địa phương.
Ngoài ra, Sở còn tham mưu UBND tỉnh phê duyệt các khu vực xây dựng trạm thu, phát sóng thông tin di động (BTS) tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng và phát triển mạng lưới viễn thông trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với trung tâm tần số vô tuyến điện khu vực 7 tổ chức tập huấn cho cán bộ Phòng Văn hoá và Thông tin các huyện, thị; Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; đài truyền thanh các huyện về nghiệp vụ quản lý Nhà nước về Tần số vô tuyến điện.
Công nghệ thông tin
Trong năm, Sở đã phối hợp với Trường cao Đẳng Hữu nghị Việt Hàn tổ chức hai lớp Quản trị mạng, Bảo mật và An ninh mạng cho 68 học viên là những cán bộ quản lý Công nghệ thông tin ở các Sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh Đăk Nông năm 2010. Ngoài ra, Sở còn phối hợp UBND các huyện, thị xã tổ chức 5 lớp đào tạo chuyển đổi phần mềm thương mại không có bản quyền sang phần mềm mã nguồn mở cho 120 cán bộ, công chức tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn các huyện, thị xã; Tổ chức Hội thảo giải pháp thúc đẩy ứng dụng phần mềm mã nguồn mở trong hoạt động cơ quan, tổ chức Nhà nước tỉnh Đăk Nông năm 2010. Triển khai xây dựng các dự án “Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin tỉnh Đăk Nông giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020”; Kế hoạch “ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước tỉnh Đăk Nông giai đoạn 2011-2015”. Đề án hỗ trợ máy vi tính và mạng Internet đến Hội Nông dân các xã, phường, thị trấn trong tỉnh; Quy chế đảm bảo an toàn an ninh thông tin trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan, đơn vị quản lý hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh Đăk Nông; Quy chế quản lý đầu tư về Công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh và Chỉ thị về việc tăng cường sử dụng phần mềm mã nguồn mở trên địa bàn tỉnh Đăk Nông...
Báo chí, xuất bản
Trong năm 2010, Báo chí trong tỉnh tiếp tục được duy trì và phát triển ổn định, là diễn đàn của nhân dân với Đảng và nhà nước. Báo chí đã có sự cải cách và đổi mới, nhiều bài viết đi sâu phân tích, phản ảnh những vấn đề xã hội quan tâm. Các chuyên mục, chuyên đề được phóng viên tiếp cận và phản ánh dưới nhiều góc độ hấp dẫn, tạo được dư luận tích cực trong xã hội. Tổng sản lượng Báo chí phát hành trong năm: Báo Đăk Nông mỗi tuần phát hành 3 số (vào thứ 2, 4, 6), mỗi số phát hành khoảng 3.100 tờ (446.400 tờ/năm); Tạp chí Nâm Nung mỗi tháng phát hành một số với 410 cuốn (4.920 cuốn/năm). Định kỳ hàng quý Sở phối hợp với Ban tuyên giáo tỉnh Tổ chức Hội nghị giao ban báo chí nhằm đánh giá lại kết quả hoạt động báo chí, xuất bản, phát thanh - truyền hình và định hướng thông tin báo chí. Trong năm 2010, Sở đã phối hợp với Viện chiến lược Thông tin và Truyền thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức khoá tập huấn về Báo chí - Xuất bản, Phát thanh - Truyền hình cho 49 học viên là cán bộ công chức Đài truyền thanh, phòng văn hoá thông tin các huyện, thị xã; các cơ quan báo chí; các đơn vị xuất bản Bản tin và tài liệu không kinh doanh, trang tin điện tử trên địa bàn tỉnh Đăk Nông. Hàng tháng, Sở phát hành Bản tin Điểm báo (mỗi tháng phát hành 02 số) với nội dung tổng hợp tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh - quốc phòng nổi bật của Trung ương và địa phương được các báo, đài đăng tải trong tháng. Bên cạnh đó, trong năm sở đã xây dựng và phát hành 02 số tạp chí chuyên ngành Thông tin và Truyền thông, nhằm phản ánh hoạt động của ngành trên địa bàn tỉnh. Nhìn chung, công tác tổng hợp, biên tập bản tin đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin về các sự kiện, hoạt động nổi bật của tỉnh.
Hoạt động khác
Triển khai Chương trình viễn thông công ích của Chính phủ giai đoạn (2005-2010), tỉnh Đăk Nông có 5 huyện và 5 xã được cung cấp dịch vụ viễn thông công ích. Đến cuối năm 2010, số thuê bao điện thoại cố định tại vùng được cung ứng viễn thông công ích đạt 5 thuê bao/100 dân; số xã có điểm truy nhập dịch vụ viễn thông công cộng 43/71 xã; số xã có điểm truy nhập dịch vụ Internet công cộng 11/71 xã.
Triển khai thực hiện Cuộc tổng điều tra thống kê hiện trạng phổ cập dịch vụ điện thoại, internet và nghe - nhìn toàn quốc năm 2010 theo Quyết định số 420/QĐ-TTg, ngày 31/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 470/QĐ-BTTTT, ngày 07/4/2010 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về Phương án điều tra thống kê. Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức triển khai tốt việc điều tra thống kê hiện trạng phổ cập dịch vụ điện thoại, internet và nghe - nhìn trên địa bàn tỉnh Đăk Nông. Qua kết quả điều tra, thống kê cho thấy tình trạng sử dụng dịch vụ điện thoại, internet và nghe - nhìn của tỉnh hiện còn thấp; hệ thống hạ tầng mạng lưới viễn thông, phát thanh - truyền hình hiện nay về cơ bản vẫn ở quy mô nhỏ. Trình độ dân trí còn thấp, ít có khả năng tiếp cận sử dụng các thiết bị và dịch vụ tiên tiến, nhất là máy tính và dịch vụ Internet đây cũng là nguyên nhân chính của sự chậm phát triển ở các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Đăk Nông.
Bên cạnh những thành quả đạt được, công tác quản lý nhà nước ngành thông tin và truyền thông của tỉnh Đăk Nông vẫn còn một số tồn tại và hạn chế như: Công tác quản lý hạ tầng mạng viễn thông còn nhiều bất cập, nhất là mạng lưới thông tin liên lạc, mạng cáp truyền hình. Hiện tượng một số tuyến đường nội thị cáp treo ngang, dọc gây mất an toàn giao thông và mất mỹ quan đô thị vẫn chưa được xử lý. Công tác quản lý nhà nước về cấp phép xây dựng trạm thu, phát sóng thông tin di động (BTS) đang gặp nhiều khó khăn giữa cơ quan cấp phép và đơn vị xin phép. Hoạt động của ngành thông tin và truyền thông phát triển nhanh nhưng tư duy quản lý vẫn chưa theo kịp, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính, nguồn lực đầu tư cho công nghệ thông tin và nhân lực để triển khai. Công tác triển khai lập dự án đầu tư ứng dụng CNTT trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, do văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành chưa được cụ thể và rõ ràng (Nghị định 102 về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT ban hành tháng 11/2009 đến nay chưa có Thông tư hướng dẫn, chưa được UBND tỉnh phân cấp quản lý).