Nghệ nhân Kaly Tran giúp những học sinh người Xơ Đăng hiểu và yêu hơn văn hóa của dân tộc mình.
Lớp học đơn sơ chỉ với mấy chiếc chiêng mà cả thầy và trò đều say sưa theo từng nhịp gõ. Tiếng chiêng tuy chưa thuần thục nhưng đây là lần đầu tiên học sinh xã Măng Bút được tiếp cận với những nhạc cụ âm nhạc truyền thống của dân tộc mình. Lớp học do Nghệ nhân Kaly Tran truyền dạy theo lời mời của nhà trường. Thầy Lê Văn Chuyên, Phó hiệu trưởng Trường PTDTBT cấp 1, 2 Măng Bút 1 chia sẻ: Từ học kỳ 2 năm học 2021-2022, nhà trường bắt đầu triển khai các tiết học theo bộ tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Kon Tum. Bộ tài liệu nhằm trang bị cho các em những kiến thức cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường... của tỉnh. Từ đó giúp các em hòa nhập tốt hơn với môi trường sống, biết tự hào và có ý thức giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa của địa phương.
Gần 400 học sinh của nhà trường đều là người dân tộc Xơ Đăng. Ngay từ lớp 1, các em được tiếp cận với 8 chủ đề, tương ứng với các bài học về quê hương mình, như: Điệu múa xoang, anh hùng A Mét, nghề dệt thổ cẩm, nhà sàn... Lên đến lớp 6, các em lại được tiếp cận những kiến thức về sự hình thành các dân tộc, những điệu dân ca, lễ hội... ở Kon Tum. Cùng với những tiết học qua tài liệu, tình yêu về mảnh đất mình sinh ra, lớn lên còn được thổi hồn qua các trải nghiệm thực tế.
Cô Hoàng Thị Hương, giáo viên môn Lịch sử cho hay: Các bài học trong tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Kon Tum đều được tổ chức theo hướng hoạt động trải nghiệm, qua đó hình thành và bồi dưỡng cho học sinh năng lực tự chủ và tự học. Hình ảnh khu du lịch sinh thái Măng Đen rất đẹp với hồ Đăk Ke, thác Pa Sỹ, chùa Khánh Lâm, rừng thông xanh mướt hay hình ảnh cầu treo Kon Klor, cầu Đăk Bla nối liền hai bờ sông Đăk Bla chảy ngược đều là những điều rất quen thuộc đối với nhiều em. Bởi vậy, mỗi tiết học là sự chia sẻ những hiểu biết của các em về thế giới xung quanh mình.
Với mong muốn đóng góp vào việc khôi phục những giá trị văn hóa đang dần mai một ở các đồng bào dân tộc Tây Nguyên, nhóm của Nghệ nhân Kaly Tran lặn lội vào Măng Bút gần cả tuần nay. Học sinh được lựa chọn “biên chế” thành một đội cồng chiêng và một đội múa xoang. Nghệ nhân Kaly Tran cho hay, những em nhỏ ở đây không được tiếp cận với tiếng cồng chiêng từ nhỏ, bởi vậy, việc truyền dạy đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Nhưng khi được thầy nói về loại nhạc cụ đặc trưng của dân tộc mình, các em rất hồ hởi và tiếp thu khá nhanh. Vì thời gian học ngắn nên nghệ nhân chỉ có thể hướng dẫn những kỹ năng cơ bản nhất để học sinh cảm nhận được cái hay của tiếng chiêng, tiếng cồng, biết thực hành để rồi say mê, giữ gìn nó.
Với nhiều phương thức tiếp cận khác nhau, các cơ sở giáo dục-đào tạo tỉnh Kon Tum đã dần ươm mầm, bồi dưỡng tình yêu, niềm tự hào về văn hóa địa phương cho học sinh. Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, hoạt động trải nghiệm sáng tạo giúp học sinh có nhiều cơ hội để vận dụng những kiến thức học được vào thực tiễn, cũng như phát huy tiềm năng sáng tạo của bản thân.