Nhân viên Sàn Postmart đang giới thiệu sản phẩm tới khách hàng
Theo báo cáo, hiện nay, toàn tỉnh Yên Bái đã có gần 130 sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử, đạt 92%. Trong đó, 64 sản phẩm được đưa lên sàn Voso.vn và 63 sản phẩm được đưa lên sàn Postmart.vn. Mục tiêu trong năm 2022, 100% sản phẩm OCOP của tỉnh đã được chứng nhận từ 3 sao trở lên được đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn; 100% hộ SXNN lên sàn thương mại điện tử được đào tạo kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh trên các sàn; thiết lập 10.000 tài khoản hoạt động trên sàn thương mại điện tử; thúc đẩy gia tăng số lượng giao dịch và giá trị giao dịch trên các sàn thương mại điện tử…
Ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, thực hiện Kế hoạch 86/KH-UBND, tỉnh đã thực hiện số hóa dữ liệu hộ sản xuất nông nghiệp; tập huấn hướng dẫn các hộ sản xuất nông nghiệp khởi tạo, đăng bán sản phẩm trên sàn thương mại diện tử; thực hiện việc nâng cấp, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp; quảng cáo bán lẻ sản phẩm nông nghiệp qua sàn TMĐT nội địa và quốc tế thông qua các chương trình xúc tiến thương mại; xây dựng nền tảng và tích hợp các tiện ích công, dịch vụ xã hội, gia tăng tính tiện ích và kích thích các hộ sản xuất nông nghiệp tham gia truy cập và sử dụng nền tảng số...
Bên cạnh đó, thời gian qua, tỉnh cũng tổ chức đào tạo kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh trên sàn thương mại điện tử cho hộ sản xuất nông nghiệp; cung cấp các thông tin hữu ích cho các hộ sản xuất nông nghiệp như thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết, mùa vụ, giống, phân bón...; cung cấp thông tin các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của các địa phương lên sàn thương mại điện tử.
Về công tác xúc tiến thương mại điện tử, Sở đã duy trì sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh; tổ chức 02 lớp tập huấn về đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số cho doanh nghiệp và cán bộ công chức, viên chức Sở Công thương; đăng tải bổ sung, cập nhật thông tin sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia khởi động chương trình sẵn sàng xuất khẩu (R2E) do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức; mời doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký tham gia các đề án xúc tiến thương mại quốc gia; đăng ký tham gia một số hội nghị kết nối giao thương trực tuyến với các đối tác từ Nhật Bản, Trung Quốc, Mexico, Ấn Độ, Châu Phi do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức, ông Chiến nhấn mạnh.
Tại hội nghị, ông Dương Tôn Bảo, Phó Vụ trưởng tập sự, Vụ Bưu chính cho biết, Tổ 1034 sẽ đồng hành với Yên Bái thúc đẩy kinh tế số, phát triển nông nghiệp nông thôn.
Ông Dương Tôn Bảo cho rằng, để thúc đẩy triển khai Quyết định 1034 của Bộ TT&TT và Quyết định 86 của UBND tỉnh, Sở TT&TT cần có kế hoạch tổng thể tuyên truyền về chương trình đồng bộ trên các hệ thống báo chí, đài phát thanh, đặc biệt là đài truyền thanh cơ sở, các nền tảng số và phải đo lường được để đánh giá mức độ hiệu quả.
Ngoài ra, chuyển đối số thì công nghệ không phải là yếu tố quyết định mà công nghệ là yếu tố bổ trợ và hỗ trợ. Nhận thức mới là quan trọng. Người đi tiên phong về nhận thức là cơ quan, tổ chức, người quản lý nhà nước tại địa phương phải phá vỡ nhận thức chuyển đổi số, đặc biệt là nhận thức về kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Sau đó, các đơn vị tiến hành đào tạo, hỗ trợ cho bà con nông dân trên địa bàn hiểu được việc kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Việc triển khai chương trình này cũng giải quyết một số bài toán cho ngành nông nghiệp như tập trung dữ liệu, hỗ trợ CĐS cho ngành NN&PTNT, ông Bảo nhấn mạnh./.