Căn cứ duy nhất để xử lý tình trạng báo hóa là việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi liên quan đến thực hiện tôn chỉ, mục đích, tuy nhiên những quy định về tôn chỉ, mục đích trong thời gian qua cũng chưa chặt chẽ, cụ thể, gây ra nhiều cách hiểu khác nhau, quan điểm khác nhau trong khối cơ quan quản lý và cơ quan chỉ đạo dẫn đến việc áp dụng, xử lý chưa thống nhất.
Mặt khác, việc xử lý hành vi thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí cũng gặp nhiều ý kiến trái chiều, phản ứng của cơ quan báo chí. Trong quá trình xử lý cần xem xét hết sức thận trọng, thấu đáo, khách quan. Khi cơ quan tạp chí đăng tải những tin, bài thời sự chính trị, đối ngoại, văn nghệ, thể thao, giải trí, quốc tế, bài PR hoặc thực hiện theo yêu cầu, chỉ đạo tuyên truyền của các cơ quan chức năng về những vấn đề ngoài phạm vi tôn chỉ, mục đích thì có bị xử lý hay không? Một số cơ quan báo chí có ý kiến, nếu chỉ tuân thủ tôn chỉ, mục đích thì nội dung tin, bài sẽ khô khan, bó hẹp, không hấp dẫn và thu hút bạn đọc, hạn chế hiệu quả tuyên truyền. Thậm chí, có ý kiến cực đoan, thiên lệch, "nâng quan điểm" cho rằng việc quản lý tôn chỉ, mục đích để hạn chế quyền của cơ quan báo chí trong giám sát, phản biện xã hội, tham gia phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đây cũng là lý do các cơ quan tạp chí đưa ra để lý giải cho việc thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích, gây khó khăn trong xử lý.
Tình trạng "tư nhân hoá" báo chí
Tồn tại nhiều cách thức liên kết nhưng biện pháp kỹ thuật để rà quét, phát hiện chưa đảm bảo yêu cầu để kiểm tra trong nhiều trường hợp phức tạp. Đồng thời, nhân sự có chuyên môn cao về kỹ thuật còn hạn chế (nhiều cơ quan, đơn vị không có nhân sự chuyên môn về kỹ thuật) trong khi xu hướng vi phạm chủ yếu được thực hiện trên môi trường điện tử.
Nhân sự thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm
Đối với những vụ việc phức tạp, đối tượng vi phạm không hợp tác (ngay cả đối với cơ quan cấp trung ương), việc đấu tranh lấy căn cứ đòi hỏi trình độ của cán bộ xử lý có kinh nghiệm, hiểu biết tương đối sâu sắc về hoạt động báo chí cũng như các quy định có liên quan. Nhiều cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên chưa nhận thức hết vai trò, trách nhiệm của Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trách nhiệm của mình nên dẫn đến có trường hợp chưa phối hợp, hợp tác trong quá trình làm việc, gây kéo dài thời gian xử lý vụ việc.
Cán bộ quản lý báo chí ở địa phương hạn chế về số lượng và kinh nghiệm xử lý vi phạm đối với các cơ quan báo chí không trực thuộc địa phương mình quản lý; bên cạnh đó, còn phải chịu sức ép trong công tác xử lý do nhiều nguyên nhân khác nhau. Mặc dù đã được giao thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong Nghị định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực báo chí, xuất bản nhưng việc triển khai giữa các địa phương chưa đồng đều, một số Sở TT&TT có biểu hiện e ngại, lúng túng khi xử lý; thậm chí có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm giữa các Sở với Thanh tra Bộ, Cục Báo chí khiến hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý chưa được đảm bảo, thống nhất./.