Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) nhận được công văn số 6531/VPCP-QHĐP ngày 08/8/2020 của Văn phòng Chính phủ về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi Thủ tướng Chính phủ sau Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV trong đó có 01 kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Nam liên quan đến lĩnh vực thông tin và truyền thông, nội dung kiến nghị như sau:
Cử tri phản ánh:Hiện nay, khi các cơ quan tố tụng yêu cầu cung cấp nội dung các tin nhắn, các cuộc gọi (Lệnh thu giữ điện tín) thì các nhà mạng viễn thông có thể thực hiện hoặc không thực hiện; điều này, dẫn đến sự tùy nghi trong việc thực hiện yêu cầu của các cơ quan tố tụng, gây ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án. Đề nghị Chính phủ sớm ban hành quy định về trách nhiệm của các nhà mạng viễn thông trong việc cung cấp thông tin theo yêu cầu của Lệnh thu giữ điện tín để đảm bảo các vụ án được giải quyết nhanh chóng, khách quan và toàn diện.
Sau khi nghiên cứu, Bộ TTTT có ý kiến trả lời như sau:
Theo quy định tại Điều 197 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015:
- Khi cần thiết phải thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông thì Cơ quan điều tra ra lệnh thu giữ.
- Người thi hành lệnh phải thông báo cho người phụ trách cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông hữu quan trước khi tiến hành thu giữ. Người quản lý cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông hữu quan phải tạo điều kiện để người thi hành lệnh thu giữ hoàn thành nhiệm vụ.
Luật Viễn thông (khoản 6 Điều 5, điểm c khoản 4 Điều 6) cũng đã quy định rõ ràng trách nhiệm của các doanh nghiệp viễn thông trong việc cung cấp dữ liệu liên quan đến nội dung và thông tin người sử dụng dịch vụ viễn thông theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền như:
- Khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm cung cấp điểm truy nhập mạng viễn thông và các điều kiện kỹ thuật, nghiệp vụ cần thiết khác để cơ quan đó thực hiện nhiệm vụ kiểm soát và bảo đảm an ninh thông tin.
- Khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp viễn thông phải cung cấp thông tin liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông.
Điểm b, d khoản 8 Điều 1 Nghị định số 49/2017/NĐ-CP cũng đã quy định, doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm:
- Xây dựng hệ thống kỹ thuật, cơ sở dữ liệu tập trung để nhập, lưu giữ, quản lý thông tin trong suốt thời gian sử dụng dịch vụ của thuê bao, bao gồm: thông tin thuê bao; ngày bắt đầu sử dụng dịch vụ của thuê bao; trạng thái hoạt động của thuê bao: đang hoạt động, tạm dừng dịch vụ một chiều (chỉ nhận được cuộc gọi đến) hoặc tạm dừng dịch vụ hai chiều (không thực hiện được cuộc gọi đi và không nhận được cuộc gọi đến); số lượng số thuê bao mà cá nhân, tổ chức đang sử dụng; ngày chấm dứt sử dụng dịch vụ (đối với các thuê bao đã chấm dứt sử dụng dịch vụ hoặc đã chuyển quyền sử dụng). Đối với các thuê bao đã chấm dứt sử dụng dịch vụ hoặc đã chuyển quyền sử dụng dịch vụ cho cá nhân, tổ chức khác phải tiếp tục lưu giữ thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu tối thiểu 2 năm;
- Cung cấp đầy đủ thông tin; chứng minh thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu tập trung của mình đã được đối chiếu, nhập, lưu giữ, quản lý theo đúng các quy định; bố trí nhân sự, phương tiện kỹ thuật tại chi nhánh của doanh nghiệp ở địa phương để phục vụ việc kiểm tra, thanh tra thông tin thuê bao của các thuê bao đã giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung tại địa phương khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
Bộ TTTT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, trong đó đã quy định rõ các chế tài xử phạt với các hành vi vi phạm các quy định có liên quan như:
- Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với doanh nghiệp viễn thông di động nếu không cung cấp thông tin thuê bao theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (điểm k khoản 9 Điều 33);
- Phạt tiền từ 180.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với doanh nghiệp viễn thông di động nếu không lưu giữ hoặc lưu giữ không đầy đủ thông tin thuê bao trong suốt thời gian sử dụng dịch vụ của thuê bao hoặc không lưu giữ thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu tối thiểu 02 năm đối với các thuê bao đã chấm dứt sử dụng dịch vụ hoặc đã chuyển quyền sử dụng dịch vụ cho cá nhân, tổ chức khác;
Hiện nay, nhìn chung các doanh nghiệp viễn thông đang thực hiện nghiêm các quy định này của pháp luật. Tuy nhiên trong thực tế, việc cung cấp dữ liệu viễn thông còn phụ thuộc vào điều kiện kỹ thuật của từng doanh nghiệp (hệ thống trang thiết bị lưu trữ có khả năng lưu trữ dữ liệu trong thời gian bao lâu). Do vậy, sẽ có trường hợp nếu thời gian yêu cầu truy xuất vượt quá khả năng lưu trữ của hệ thống (dữ liệu không có hoặc đã bị ghi đè, xóa bỏ), ví dụ như yêu cầu truy xuất thông tin thuê bao đối với các thuê bao đã chấm dứt sử dụng dịch vụ hoặc đã chuyển quyền sử dụng dịch vụ cho cá nhân, tổ chức khác từ hơn 02 năm so với thời điểm yêu cầu,…thì doanh nghiệp viễn thông sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu cung cấp thông tin.
Trong thời gian tới, Bộ TTTT sẽ tiếp tục chỉ đạo, yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông rà soát hệ thống kỹ thuật, cung cấp đầy đủ các thông tin khi nhận được yêu cầu từ các cơ quan tố tụng theo đúng các quy định của Bộ Luật Hình sự và pháp luật về Viễn thông.
Trên đây là nội dung trả lời của Bộ TTTT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Nam, trân trọng gửi tới Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam để trả lời cử tri.