V/v trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV

Thứ năm, 20/08/2020 17:01

Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 223/BDN ngày 15/6/2020, nội dung kiến nghị như sau:
 
Cử tri phản ánh:Các cơ quan, nhất là cơ quan truyền thông cần tăng cường mạnh mẽ hơn nữa công tác tuyên truyền về Biển Đông, tránh để các thế lực thù địch, phản động thông tin sai trái, xuyên tạc ảnh hưởng tình hình an ninh trật tự.
 
Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) xin trả lời như sau:
 
Bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ luôn là vấn đề thiêng liêng đối với đất nước. Nhiệm vụ này càng trở nên cấp thiết hơn trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế ngày càng có nhiều diễn biến mới, phức tạp, các tranh chấp liên quan đến biên giới lãnh thổ quốc gia, chủ quyền biển đảo diễn ra ngày càng gay gắt, khó lường, đưa đến nhiều thách thức mới và hệ lụy tiêu cực đối với an ninh và phát triển của đất nước.
 
Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước là kiên trì, kiên quyết đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế trước bất cứ hành vi vi phạm nào đối với vùng biển, thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; đồng thời duy trì môi trường hòa bình, ổn định phục vụ phát triển.
 
Công tác thông tin, tuyên truyền về vấn đề biển đảo luôn được Đảng và Nhà nước tiếp tục chú trọng và thực hiện đồng bộ với sự phối hợp hiệu quả giữa Bộ TTTT, Bộ Ngoại giao, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, Ban Tuyên giáo Trung ương và các bộ, ngành liên quan nhằm kịp thời cung cấp thông tin chính xác, khách quan theo đúng diễn biến tình hình đến đồng bào, cử tri cả nước, qua đó giúp đồng bào, cử tri cả nước hiểu đúng, hiểu rõ vấn đề, tạo đồng thuận cao trong xã hội trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo và duy trì môi trường hòa bình phục vụ phát triển đất nước.
 
Đối với Bộ TTTT công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo được thực hiện trên 4 chức năng cơ bản:
 
1. Định hướng, chỉ đạo thông tin, tuyên truyền trên báo chí
 
Bộ TTTT đã phối hợp với Bộ Ngoại giao và Ủy ban Chỉ đạo Nhà nước về Biển Đông - Hải đảo tổ chức theo dõi, bám sát mọi diễn biến liên quan đến tình hình Biển Đông, theo dõi dư luận báo chí trong và ngoài nước.
 
Xây dựng Báo cáo điểm dư luận báo chí trong nước và nước ngoài hằng tuần gửi cấp có thẩm quyền tham khảo, kịp thời chỉ đạo thông tin đối nội, đối ngoại. Dự báo tình hình thông tin, tuyên truyền và đưa ra những chỉ đạo kịp thời cho các cơ quan báo chí, phục vụ chỉ đạo thông tin nói chung và thông tin đối ngoại nói riêng. Chỉ đạo các cơ quan báo, đài thông tin kịp thời cả 02 nội dung: Bảo vệ chủ quyền biển, đảo và phát triển bền vững kinh tế biển.
 
Thống kê sơ bộ lượng tin, bài trên các báo, tạp chí điện tử liên quan đến biển đảo năm 2018 là: 9.567, năm 2019: 9.376. Riêng trong tháng 3 và tháng 4/2020 khi Trung Quốc có nhiều động thái thay đổi thực địa và các nước liên tục gửi công hàm lên Liên hợp quốc, tổng số tin, bài về Biển Đông là 1.771 (riêng 20 ngày đầu tháng 4/2020 ước tính đã có khoảng trên 100 bài báo quốc tế và trên 700 bài báo trong nước đưa tin, phân tích diễn biến về tình hình Biển Đông). Các đài phát thanh, truyền hình thực hiện trên tất cả các loại hình, phương tiện hiện có gồm các kênh phát thanh, kênh truyền hình hoặc trên fanpage của đài, cụ thể như: Theo số liệu tạm thống kê từ 28 đài phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương, trong khoảng thời gian nửa đầu tháng 4/2020, có hơn 800 chương trình phát thanh, truyền hình thuộc nhiều thể loại như tin, bài, ảnh, phóng sự, ký sự, tọa đàm, phim tài liệu, chuyên đề, chuyên mục, clip… về tình hình biển đảo và thông tin cập nhật về tình hình phức tạp trên Biển Đông hiện nay. Trung tuần tháng 4/2020 vừa qua, trên một số kênh truyền hình thiết yếu quốc gia và địa phương (VTV1, Vnews - TTXVN, VTC1, HTV9, H1…) trung bình đã có 48 chương trình thời sự đưa tin về Biển Đông và tình hình liên quan được phát sóng, các chương trình này chiếm tỷ lệ thời lượng từ 23 - 51% trên tổng thời gian phát sóng của kênh.Đây là con số rất lớn trong bối cảnh truyền thông thế giới đang chủ yếu tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.
 
Do yêu cầu nghiêm ngặt về xác minh thông tin trước khi đăng phát trên báo chí, trong một số trường hợp cụ thể, báo chí vẫn đi sau mạng xã hội, tuy nhiên, sự thận trọng này là hết sức cần thiết, để đảm bảo hạn chế tối đa các sai sót, nhầm lẫn, có thể gây hệ lụy về đối ngoại. Cùng với các mặt trận pháp lý, quân sự và ngoại giao, mặt trận tuyên truyền đang và sẽ tiếp tục là mặt trận nóng nhất trong thời gian tới, đòi hỏi công tác chỉ đạo, định hướng tuyên truyền của các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ TTTT càng phải sắc bén kịp thời hơn.
 
2. Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với thông tin trên mạng
 
Từ năm 2018, Bộ TTTT đã thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Trung tâm có nhiệm vụ quan trọng là thu thập thông tin, tổng hợp, phân tích, theo dõi và dự báo, cảnh báo sớm xu hướng về các hoạt động, diễn biến trên không gian mạng Việt Nam, trong đó có các thông tin liên quan đến chủ quyền biển, đảo. Kết quả giám sát gồm xu hướng, số lượng, tỉ lệ thông tin tiêu cực, tích cực về Biển Đông, các thông tin nào thu hút lượng tương tác lớn tùy từng thời điểm. Từ kết quả giám sát này để có các biện pháp chủ động đưa thông tin lên mạng để điều hòa, điều hướng thông tin theo hướng tăng thông tin tích cực, giảm thông tin tiêu cực.
 
Bộ TTTT đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, theo đó xác định các hình thức và mức xử phạt nghiêm minh hơn với các hành vi đăng thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân.
 
Bộ TTTT hiện đang xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng,hoàn thiện dự thảoNghị định thay thế Nghị định số 159/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí xuất bản.
 
Việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật quản lý thông tin trên môi trường mạng Internet thời gian tới sẽ góp phần hiệu quả trong việc xây dựng môi trường Internet lành mạnh, góp phần vào công tác thông tin, tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo.
 
Bộ TTTT đã và đang duy trì các kênh làm việc, đấu tranh với các nền tảng mạng xã hội nước ngoài cung cấp dịch vụ tại Việt Nam đối với trường hợp đưa thông tin, hình ảnh, bản đồ không phản ánh đúng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa[1]; đấu tranh, xử lý thông tin sai lệch về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trên các mạng xã hội, các kênh truyền hình như Youtube, Facebook, ESPN, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các biện pháp đối phó lâu dài và có hệ thống.
 
Bộ TTTT phát hiện và đề nghị các Bộ Công an, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương và Giao thông vận tải, các tỉnh, thành cả nước phối hợp xử lý tình trạng lưu hành hình ảnh bản đồ phản ánh sai lệch chủ quyền Việt Nam dán, gắn trên các phương tiện giao thông đường bộ, mua bán tự do trên các trang thương mại điện tử, kịp thời chấn chỉnh tình trạng nêu trên và nâng cao nhận thức, cảnh giác trong dư luận nhân dân cả nước đối với tình trạng nêu trên.
 
3. Thực thi chủ quyền trên thực tế bằng hệ thống tần số, viễn thông trên biển, góp phần đảm bảo thông tin thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên biển đảo.
 
Bộ TTTT thường xuyên bảo đảm duy trì hoạt động của các đài, trạm thông tin ven biển, duy trì về kỹ thuật, phương tiện để đảm bảo thông tin thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên biển đảo; đảm bảo liên lạc thông suốt, không có hiện tượng can nhiễu.
 
Bộ TTTT thực hiện công tác quản lý, cấp phép tần số trên khu vực Biển Đông phục vụ hoạt động thông tin liên lạc giữa các cơ quan chức năng với các tàu cá hoạt động dài ngày trên biển.
 
4. Trực tiếp thực hiện các chiến dịch truyền thông rộng lớn ở trong và ngoài nước khẳng định mạnh mẽ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
 
- Triển lãm trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Tư liệu và sự thật lịch sử”.
 
- Đặt hàng sản xuất tài liệu tuyên truyền quảng bá chủ quyền biển, hải đảo Việt Nam.
 
Bộ TTTT (Cục Thông tin đối ngoại) duy trì tập huấn, cung cấp thông tin và kỹ năng tuyên truyền miệng cho các đối tượng là tuyên truyền viên các cấp.
 
5. Một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới
 
Trong thời gian tới, Bộ TTTT tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo, tập trung vào các nhiệm vụ như sau:
 
5.1. Tập trung nâng cao hiệu quả, đa dạng hoá các hình thức, nội dung tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo, chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam. Chú trọng chuyển đổi số, đẩy mạnh thông tin đối ngoại về chủ quyền biển, đảo như đầu tư số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu về biển, đảo; triển lãm bản đồ và tư liệu về chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông trên không gian ảo, chuyển ngữ và đăng phát các tài liệu tuyên truyền, thông tin đối ngoại để vận động sự ủng hộ của quốc tế đối với chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, không loại trừ biện pháp pháp lý trong xử lý vấn đề Biển Đông theo điều phối chung của Ủy ban Chỉ đạo Nhà nước về Biển Đông - Hải đảo.
 
5.2. Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền: Tổ chức Triển lãm trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Tư liệu và sự thật lịch sử”; đặt hàng sản xuất tài liệu tuyên truyền quảng bá chủ quyền biển, hải đảo Việt Nam; tổ chức các hội thảo, tập huấn và khảo sát cho nhiều đối tượng, đặc biệt là đội ngũ phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí và tổ chức đoàn phóng viên tác nghiệp trên thực địa khi tình hình đặt ra yêu cầu.
 
5.3. Triển khai các biện pháp theo dõi, đánh giá dư luận báo chí quốc tế để kịp thời có các biện pháp thông tin đối ngoại phù hợp.
 
5.4. Duy trì có hiệu quả các cơ chế phối hợp liên ngành nhằm kịp thời chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí duy trì liều lượng thông tin phù hợp với tình hình thực tế, rút ngắn thời gian và tăng hiệu quả phối hợp thông tin; phát huy mặt tích cực, hiệu quả của mạng xã hội trong thông tin, tuyên truyền về biển, đảo; phối hợp với Bộ Ngoại giao tăng số lượng tin, bài về Biển Đông đăng tải trên báo chí quốc tế.
 
5.5. Tăng cường sử dụng công nghệ hiện đại và truyền thông quốc tế để tăng hiệu quả thông tin đối ngoại, trong đó chú trọng phát huy hiệu quả giám sát, theo dõi và phân tích thông tin của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Bộ TTTT. Trên cơ sở đó, Bộ TTTT sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các Sở TTTT địa phương tận dụng ưu thế về công nghệ để dự báo và điều hướng thông tin về biển, đảo.
 
Trên đây là nội dung trả lời của Bộ TTTT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương để trả lời cử tri./.
 

[1] Ngày 16/4/2020, Facebook đã đính chính khi đăng bản đồ từ bên thứ 3 không thể hiện 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam. Ngày 18/4/2020 xử lý, buộc Google sửa sai khi Google Maps chú thích một bãi biển ở phường Phú Đông (TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) là “Golden, sandy South China Sea beach”. Tháng 01/2020, phối hợp xử lý kênh ESPN của Mỹ đưa hình ảnh bản đồ không chính xác, xử lý VietNam Airlines hiển thị thông tin hành trình bay trên một số chuyến bay không thể hiện Hoàng Sa, Trường Sa…
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top