Nhân viên bưu điện thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên tư vấn cho khách hàng sử dụng các dịch vụ của bưu điện
Toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 107 điểm bưu điện văn hóa xã với 229 nhân viên bưu điện văn hóa xã và phát xã. Theo Thông tư 11 của Bộ Thông tin và Truyền thông, việc ký hợp đồng sẽ được thực hiện với 107 nhân viên bưu điện văn hóa xã, còn 122 nhân viên phát xã sẽ được đơn vị hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm hàng tháng. Đến nay, 100% nhân viên bưu điện văn hóa xã trên địa bàn đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Bưu điện tỉnh đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận độngnhân viên tham gia ký hợp đồng lao động chính thức.
Theo Thông tư 11, các điều kiện để trở thành nhân viên bưu điện văn hóa xã phải có trình độ tốt nghiệp THPT trở lên; riêng miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, tối thiểu phải có trình độ tốt nghiệp THCS; được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ bưu chính và tổ chức phục vụ đọc sách, báo; thực hiện đúng các thỏa thuận cam kết với doanh nghiệp được giao quản lý hệ thống điểm bưu điện văn hóa xã.
So với Thông tư 17 năm 2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông, nhân viên bưu điện văn hóa xã sẽ được tăng thêm quyền lợi. Bởi theo Thông tư 17, những nhân viên này chỉ được hưởng thù lao cung cấp dịch vụ, phục vụ đọc sách báo, bảo quản tài sản theo thỏa thuận với doanh nghiệp và các chế độ thù lao khác (nếu có), mà không có sự ràng buộc pháp lý trên cơ sở hợp đồng.
Chị Trần Thị Nghiệp, nhân viên bưu điện văn hóa xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường, đã có 20 năm công tác, với kinh nghiệm và tâm huyết của mình, chị đã dành nhiều thời gian tìm kiếm khách hàng, tăng doanh thu cho đơn vị. Chị tích cực tư vấn cách bán hàng, vận động khách tham gia các dịch vụ của bưu điện... vì vậy, lượng khách sử dụng các dịch vụ của bưu điện ngày càng tăng. Chị cho rằng, khi đã trở thành nhân viên của Bưu điện tỉnh, người lao động sẽ nhận thức được nhiệm vụ, có trách nhiệm hơn với công việc mình làm. Những nhân viên trẻ sẽ có thêm động lực để gắn bó với nghề; còn những nhân viên có kinh nghiệm trong nghề tránh được tình trạng “nhảy việc”, chuyển sang công việc khác có thu nhập cao hơn.
Là nhân viên bưu điện xã Xuân Lôi, huyện Lập Thạch, với tuổi đời và tuổi nghề còn trẻ, chị Nguyễn Thị Hà cho biết: “Hiện mỗi ngày, bưu điện văn hóa xã tiếp nhận trung bình từ 40-50 bưu phẩm, bưu kiện. Công việc bận rộn vì tất cả các dịch vụ đều được thực hiện ở điểm bưu điện như: Chi trả lương hưu, chi trả trợ cấp xã hội, thu hộ tiền điện, phân phối truyền thông, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm ô tô, xe máy, dịch vụ bán hàng tiêu dùng…”.
Thu nhập bình quân của chị Hà khoảng 8-10 triệu đồng/tháng. Mặc dù, bản thân chị đã tham gia đóng BHXH tự nguyện, tuy nhiên, theo chị Hà, việc thực hiện ký hợp đồng lao động với nhân viên bưu điện văn hóa xã là chính sách tốt, nhằm giúp các nhân viên như chị yên tâm, gắn bó hơn với công việc. Bên cạnh đó, còn bảo đảm quyền lợi cho người lao động, gắn trách nhiệm giúp lao động tận tâm hơn với công việc.
Thông tư 11 của Bộ Thông tin và Truyền thông đã khẳng định tính ưu việt so với những chính sách trước đây, mang lại quyền lợi thiết thực cũng như nhận được sự hưởng ứng, đồng thuận của nhân viên bưu điện văn hóa xã tại các địa phương. Từ đó, góp phần giúp các nhân viên bưu điện ổn định tư tưởng, gắn bó và có trách nhiệm hơn đối với công việc đang làm.