Trong tháng 8/2021, Vietnam Post đã thực hiện đào tạo, hướng dẫn cho hơn 22.000 hộ sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh thành phố lên sàn TMĐT Postmart. Trong đó phần lớn là các hộ lần đầu tiên tiếp cận với phương thức bán hàng online.
Chị Nguyễn Thị Thơ, thôn Thượng, xã An Vỹ, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên cho biết dù đã quen với việc mua hàng online nhưng chưa từng nghĩ sẽ đem những trái nhãn tươi của mình lên bán trên sàn TMĐT. Tuy nhiên 2 tuần trước chị Thơ đã được nhân viên Bưu điện huyện Khoái Châu trao đổi, hướng dẫn về những lợi ích của việc đưa bán nhãn và các mặt hàng nông sản của gia đình lên sàn TMĐT.
“Bao năm nay gia đình tôi đều bán nhãn theo cách bán buôn cho thương lái, từ năm nay tối sẽ có thêm một kênh bán hàng mới trên sàn thương mại điên tử. Nhân viên Bưu điện không chỉ hướng dẫn trực tiếp mà còn gửi cho tôi các tài liệu rất chi tiết để nếu “vướng” chỗ nào chỉ cần mở tài liệu xem là có thể tự đưa các mặt hàng của gia đình lên bán trên sàn TMĐT Postmart.vn”.
Theo ông, Phan Trọng Lê, Trưởng Ban Nghiên cứu và Phát triển thương hiệu Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, việc đào tạo, hướng dẫn các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT đang được thực hiện linh hoạt theo từng đối tượng, hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương trong thời điểm dịch bệnh còn nhiều phức tạp như hiện nay.
Việc phổ cập kiến thức sẽ được chia thành 2 lớp. Đối với người chưa từng kinh doanh online, Vietnam Post sẽ tổ chức hướng dẫn theo hình thức gặp trực tiếp tại các nhà vườn, tại các hội thảo hoặc bằng hình thức online. Tài liệu hoặc cách hướng dẫn cho đối tượng này sẽ phải đơn giản, dễ hiểu nhất có thể. Còn đối với những đối tượng đã có kinh nghiệm với việc bán hàng qua sàn TMĐT, Vietnam Post sẽ phối hợp với các cơ quan xúc tiến thương mại để hỗ trợ người dân cập nhật thêm các kiến thức về cách nâng cao giá trị sản phẩm của mình trên sàn TMĐT.
“Chúng tôi sẽ thực hiện kế hoạch đào tạo, tập huấn các kĩ năng mà người nông dân đang con thiếu. Đây là hoạt động xã hội, không hề thu bất kì khoản phí nào. Đồng thời chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư công nghệ nhằm mang lại những trải nghiệm vượt trội cho người bán và cả người mua để từng bước thay đổi thói quen bán hàng và mua hàng trên sàn TMĐT”, ông Lê cho biết.
Anh Nguyễn Văn Kiên, Bưu điện huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp cho biết để hỗ trợ nông dân trong các khu vực phong tỏa do dịch Covid-19 tiêu thụ nhãn, khoai lang các chuyên quản của Bưu điện huyện sẽ phối hợp chặt chẽ cùng nhân viên Bưu điện văn hóa xã tổ chức các buổi hướng dẫn theo hình thức trực tuyến. “Việc hướng dẫn trực tuyến vừa đảm bảo an toàn mà có thể thực hiện vào các thời điểm nhiều hộ gia đình nhàn rỗi nên thu hút rất đông người dân quan tâm. Bên cạnh đó, người dân cũng tương tác và mạnh dạn đặt nhiều câu hỏi nên cùng 1 lúc chúng tôi có thể hướng dẫn được cho nhiều người hơn”, anh Kiên chia sẻ.
Đặc biệt, để tạo điều kiện cho nông dân có thể chủ động xây dựng thương hiệu và quảng bá rộng khắp các sản phẩm của chính mình, trong toàn bộ quá trình đăng kí tài khoản, thiết lập gian hàng, đăng bán sản phẩm trên sàn, chốt đơn, vận chuyển, thanh toán… mỗi nhân viên Bưu điện phụ trách địa bàn sẽ luôn hỗ trợ kịp thời, đồng hành mọi lúc mọi nơi cùng các hộ sản xuất nông nghiệp./.