Cán bộ xã Nà Nhạn tuyên truyền lợi ích tiêm vaccine đến đồng bào dân tộc H’Mông bản Pá Khôm.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Điện Biên, hiện trong một số huyện có tỷ lệ người tiêm vaccine thấp hơn so với tiến độ chung của tỉnh.
Nguyên nhân chủ yếu là do tâm lý lo lắng vì hiểu chưa đúng hoặc hiểu chưa đầy đủ trong một bộ phận người dân là đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa bàn vùng cao, biên giới. Bên cạnh đó, một số đồng bào dân tộc H’Mông ở các huyện Điện Biên Đông, Mường Nhé nghe theo thông tin không chính xác từ “đối tượng xấu” nên dao động, lúc đồng ý tiêm, nhưng khi cán bộ y tế về tiêm thì lại thôi…
Ngay tại bản Pá Khôm thuộc xã Nà Nhạn, thành phố Điện Biên Phủ, cũng có khá nhiều người hiểu không đúng về tác dụng của việc tiêm vaccine, cho nên trước đợt tiêm tại bản này cán bộ y tế cùng với cán bộ xã phải tổ chức nhiều buổi giải thích, tuyên truyền.
Ông Mùa A Hừ, Phó Chủ tịch UBND xã Nà Nhạn, cho biết: Bản Pá Khôm có 59 hộ với 352 nhân khẩu; phần do nhận thức của người dân về việc tiêm vaccine còn hạn chế; phần do người dân đi làm nương xa nhà nên chuẩn bị đợt tiêm ở Pá Khôm mất nhiều thời gian hơn, bởi tuyên truyền vận động bà con đi tiêm chỉ có thể tổ chức buổi tối và tuyên truyền vài buổi bà con mới hiểu rõ.
Cách trung tâm thành phố Điện Biên gần 200 km, huyện biên giới Nậm Pồ cũng là địa bàn được ưu tiên phân bổ vaccine để tiêm cho người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, nhân dân ở bản giáp biên song việc triển khai tiêm, vận động người dân tiêm có nhiều khó khăn rất đặc thù.
Ông Nguyễn Xuân Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ, cho biết: Địa bàn các bản xa trung tâm xã, trong khi nhiều người già, người nghèo không có phương tiện đi lại, lại ngại đi bộ mấy chục cây số về xã để tiêm, trong khi nhân lực y tế, trang thiết bị của huyện có hạn không thể bố trí các kíp về từng bản tiêm được.
Với huyện Điện Biên Đông - địa bàn có 75,4% số người đã tiêm vaccine thì khó khăn chủ yếu là do người dân lo lắng quá dù đã được tuyên truyền, giải thích cặn kẽ.
Ông Mùa A Vảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Huyện ủy Điện Biên Đông, cho biết: Khi nghe cán bộ huyện tuyên truyền, vận động đi tiêm thì người dân đều nhất trí tiêm, nhưng đến lịch tiêm thì lại chần chừ hoặc đi làm nương xa.
Từng bước khắc phục thực trạng này, tùy điều kiện thực tiễn địa bàn, thời gian qua cấp ủy, chính quyền các huyện đã thường xuyên chỉ đạo các cấp, các ngành thành lập các tổ cùng với lực lượng y tế về cơ sở tuyên truyền, vận động tiêm vaccine.
Với huyện Nậm Pồ, ngoài thành viên tổ Covid thôn, bản tham gia tuyên truyền còn có đoàn thanh niên, hội viên phụ nữ thôn, bản rất nhiệt tình tham gia. Đợt tiêm thứ 15 vừa qua, đoàn viên thanh niên huyện Nậm Pồ còn về từng bản đón người già, phụ nữ về trung tâm xã để tiêm; hội viên phụ nữ tích cực hỗ trợ hoàn thiện thủ tục tại điểm tiêm.
“Trừ số công dân đi làm xa, vắng mặt địa bàn, tới đây Nậm Pồ sẽ hoàn thành tiêm cho 100% dân số trong độ tuổi ở địa phương” - ông Nguyễn Xuân Thuận, cho biết thêm!
Xác định tầm quan trọng, ý nghĩa của mục tiêu phủ vaccine cho toàn dân trong độ tuổi, tại buổi họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid tỉnh Điện Biên vừa qua, ông Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên đã chỉ đạo: Cấp ủy, chính quyền các huyện hiện còn nhiều người chưa tiêm, cần tăng cường lực lượng về cơ sở tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu, vaccine là biện pháp phòng dịch tốt nhất cho mỗi cá nhân, cộng đồng. Quá trình tuyên truyền, cần quan tâm tập quán, tâm tư để lựa cách tuyên truyền phù hợp, hiệu quả.