Tuyên truyền phòng dịch bằng tiếng dân tộc thiểu số ở Lâm Bình

Thứ năm, 07/05/2020 16:31

Công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn huyện Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang) thời gian qua đã được triển khai với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền bằng tiếng dân tộc giúp nhân dân là đồng bào dân tộc thiểu số chủ động phòng, chống dịch, hạn chế tiếp xúc với các nguồn lây nhiễm và không gây tâm lý hoang mang trong cộng đồng.

Gần 2 tháng nay, người dân huyện Lâm Bình đã quen với hình ảnh, âm thanh được phát ra từ xe tuyên truyền của Công an huyện. Là đơn vị được giao nhiệm vụ dịch các văn bản, thông tin về dịch bệnh Covid-19 sang tiếng dân tộc thiểu số, lãnh đạo công an huyện đã chỉ đạo thành lập đội dịch gồm 6 người, đảm nhiệm việc dịch và ghi âm để tuyên truyền bằng tiếng dân tộc Tày, Dao, Mông. Thượng úy Giàng A Thế, cán bộ Đội An ninh, Công an huyện Lâm Bình cho biết, khi được giao nhiệm vụ dịch văn bản, thông tin sang tiếng dân tộc Mông, anh đã dành hầu hết thời gian, kể cả buổi tối để hoàn thành sớm công việc. Sau khi dịch xong, anh ghi âm bản dịch để đi tuyên truyền bằng loa truyền thanh lưu động.

20200505-m41.jpg
 
Xe tuyên truyền lưu động bằng tiếng dân tộc của Công an huyện Lâm Bình.
 
Qua thực tế tại địa phương cho thấy, sau khi được nghe tuyên truyền phòng chống dịch bệnh Covid-19 bằng tiếng dân tộc thiểu số, nhân dân đã tiếp thu các thông tin một cách hiệu quả, tích cực. Điều đó thể hiện qua ý thức chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch. Tiêu biểu như gia đình ông Chẩu Văn Binh, thôn Nà Co, xã Xuân Lập đã chủ động hoãn đám cưới của con gái để cùng địa phương phòng, chống dịch. Ông Binh chia sẻ, lúc đầu nhiều người trong gia đình phản đối việc hoãn đám cưới của các con do mọi người nghĩ ở vùng sâu, vùng xa thì sợ gì lây bệnh. Nhưng hàng ngày được nghe tuyên truyền qua hệ thống phát thanh của xã và xe tuyên truyền lưu động có phát bằng tiếng dân tộc Tày mình thì mọi người trong gia đình đã nhất trí việc hoãn đám cưới.
 
Hay như bà Triệu Thị Lý, dân tộc Dao, thôn Nà Chúc, xã Hồng Quang, là người cao tuổi nên khả năng giao tiếp bằng tiếng phổ thông của bà cũng hạn chế. Dù hàng ngày vẫn theo dõi trên ti vi về tình hình dịch bệnh nhưng bà cũng chỉ hiểu một chút về mức độ nguy hiểm và cách phòng dịch. Từ khi được nghe qua loa truyền thanh của xã những thông tin của dịch bằng tiếng dân tộc Dao, bà đã hiểu và nhắc nhở con cháu trong gia đình tự giác phòng chống dịch bệnh, đeo khẩu trang khi có việc ra đường và rửa tay đúng cách.
 
Ngoài việc tuyên truyền trên loa phát thanh, tuyên truyền lưu động, các bản dịch đã được in thành 4.000 bản để phát cho cán bộ thôn, bản để tuyên truyền cho người dân nhằm chủ động trong việc phòng, chống dịch. Với sự chủ động và sáng tạo trong các hình thức tuyên truyền, nhận thức của người dân ở các thôn bản trên địa bàn huyện đã được nâng lên rõ rệt. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để cán bộ trau dồi kiến thức về tiếng dân tộc, tạo mối quan hệ mật thiết với người dân, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ được giao./.
Bài, ảnh: Linh Chi (Báo Tuyên Quang Online)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top