Từ làng quê trở thành tiến sĩ của tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới

Thứ hai, 22/02/2021 14:33

Gia đình ông Nguyễn Văn Binh và bà Trịnh Thị Minh Ngọc, thị trấn Tân An, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) có hai con đều là tiến sĩ lĩnh vực công nghệ thông tin, thành danh ở trong nước và quốc tế: Tiến sĩ Nguyễn Hòa Bình (SN 1975), Giám đốc Công ty TNHH Hãy trực tuyến và Tiến sĩ Nguyễn Bình Dương (SN 1990), hiện làm việc tại Phòng Phát triển công nghệ cao thuộc Tập đoàn Microsoft ở Mỹ.

20210222-l10.jpg

Tiến sĩ Nguyễn Hòa Bình (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh cùng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại lễ trao giải thưởng Nhân tài Đất Việt.

Người thầy đầu tiên

Căn nhà của ông Binh, bà Ngọc ở tổ dân phố Quán Trắng lưu giữ bao kỷ niệm về thành tích học tập của các con - niềm tự hào của ông bà. Tại đây có những tờ báo, tạp chí, bức ảnh được cất giữ gần 30 năm, nay đã ngả màu hay tấm bằng khen đóng khung cẩn thận, chiếc huy chương treo ở vị trí trang trọng. 

Ông Binh gọi đó là tài sản vô giá của gia đình sau mỗi lần các con đạt thành tích cao trong học tập, được các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế vinh danh. Ông tự hào kể: "Cuối năm 1974, bố mẹ đôi bên se duyên cho chúng tôi nên vợ chồng. Năm sau, con trai đầu lòng ra đời, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, chúng tôi đặt tên con là Nguyễn Hòa Bình để ghi nhớ dấu son lịch sử của dân tộc và niềm hạnh phúc của gia đình".

Bà Ngọc là giáo viên Trường Học sinh miền Nam, xã Việt Lập (Tân Yên), ông Binh làm việc trong lĩnh vực xây dựng. Đồng lương thời bao cấp không đủ chi tiêu sinh hoạt gia đình, ông bà phải xoay xở làm mọi việc để trang trải cuộc sống và chăm lo học tập cho các con.

4 năm tiểu học, cậu bé Nguyễn Hòa Bình được mẹ cũng là giáo viên chủ nhiệm dìu dắt. Bà Ngọc chia sẻ: “Từ nhỏ tôi đã rèn cho con ý thức tự giác, kiên trì ngồi vào bàn học mỗi tối, gợi mở cho con phương pháp tư duy để tìm ra đáp án chứ không làm bài thay; thường xuyên khích lệ, động viên và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho con tiếp cận với tri thức”.

 Với con trai Nguyễn Bình Dương (SN 1990), ông bà cũng áp dụng cách giáo dục như vậy. Như cái cây lúc nhỏ được uống đủ nước, đủ dinh dưỡng, ánh sáng, hai anh em Nguyễn Hòa Bình, Nguyễn Bình Dương đều đạt thành tích xuất sắc trong học tập.

Trái ngọt cho đời

Trên bước đường học tập, hai anh em Hòa Bình - Bình Dương luôn có cha mẹ đồng hành. Những bức thư mẹ viết lúc đêm thâu sau khi soạn xong giáo án gửi cho đã tiếp thêm nghị lực cho hai anh em vững vàng tiến về phía trước. Năm 14 tuổi, Nguyễn Hòa Bình trúng tuyển vào lớp 10 chuyên Tin học (khối THPT) thuộc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. 

20210222-l11.jpg

Thư viện của gia đình ông Nguyễn Văn Binh.

Tháng 7/1990, cậu cùng 3 thí sinh khác đại diện cho Việt Nam tham dự kỳ thi Tin học thế giới tại Liên Xô (cũ) nhưng không có giải (sau này gọi là Olympic Tin học). Có kinh nghiệm hơn nên năm sau - 1991, cậu bé 16 tuổi tiếp tục dự thi và giành giải Ba kỳ thi Tin học thế giới, được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen.

Tốt nghiệp đại học, năm 1996, đúng Ngày Quốc khánh Cộng hòa Pháp 14/7, Nguyễn Hòa Bình lần đầu đặt chân đến “Kinh đô ánh sáng” làm nghiên cứu sinh theo diện học bổng tài trợ tại ngôi trường uy tín bậc nhất - Trường Đại học Paris. Bảo vệ luận án tiến sĩ đầu năm 2003, Bình nhận lời mời đến làm việc tại một công ty của Mỹ chuyên về lĩnh vực Tin học. 

Nhiều năm trôi qua song Tiến sĩ Nguyễn Hòa Bình vẫn nhớ bức thư mẹ gửi vào tháng 4/1995, có đoạn: “Sống ở trên đời người ta phải biết gạt đi những gì không cần thiết để phấn đấu giành được mục đích mình mong muốn. Đừng vì sự khó khăn kinh tế tạm thời của cha mẹ mà xao nhãng việc học hành!”. Những lời dặn dò của cha mẹ theo anh suốt những năm học tập, làm việc sau này.

Mong muốn đóng góp cho quê hương, cuối năm 2008, anh Nguyễn Hòa Bình về nước và thành lập Công ty TNHH Hãy trực tuyến với việc xây dựng phần mềm học tiếng Anh giá rẻ dành cho người Việt Nam tại địa chỉ https:\\www.tienganh123.com. Với chi phí rẻ, nhiều tiện ích, nhất là các kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh nên hiện có hơn 3,2 triệu thành viên ở trong và ngoài nước tham gia học tập. 

Năm 2015 anh được vinh danh và nhận giải thưởng “Nhân tài Đất Việt”. Cuối tháng 12/2020, sản phẩm “Ứng dụng và website học tiếng Anh trực tuyến" của Công ty đạt Giải thưởng sản phẩm công nghệ số Việt Nam hạng mục "Thu hẹp khoảng cách số" do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức. Đã nhiều năm trôi qua song Tiến sĩ Nguyễn Hòa Bình vẫn nhớ bức thư mẹ gửi vào tháng 4 /1995, có đoạn: “Bình ạ! Sống ở trên đời người ta phải biết gạt đi những gì không cần thiết để phấn đấu giành được mục đích mà mình mong muốn. 

Đừng vì sự khó khăn kinh tế tạm thời của cha mẹ mà xao nhãng việc học hành, phải biết làm chủ mình con nhé!”. Những lời dặn dò của cha mẹ giúp anh vượt qua nhiều khó khăn trong quá trình học tập, lập thân, lập nghiệp.

Noi gương anh, Nguyễn Bình Dương cũng có nhiều thành tích tiêu biểu. Khi đang học năm thứ hai Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) anh vinh dự là một trong hai sinh viên Việt Nam dự thi Tin học ứng dụng thế giới tại Nhật Bản, góp phần đưa Việt Nam xếp thứ 8/62 quốc gia được đánh giá cao về trình độ công nghệ. Sau này, anh bảo vệ luận án tiến sĩ tại Trường Đại học Housen, bang Texas, Mỹ. Từ năm 2019 đến nay, Nguyễn Bình Dương làm việc tại Phòng Phát triển công nghệ cao - Tập đoàn Microsoft tại Washington, Mỹ.

Lan tỏa phong trào hiếu học

Nhằm phát huy truyền thống hiếu học của gia đình và quê hương, năm 2006, ông Binh thành lập thư viện gia đình. Từ ngày đầu có gần 500 đầu sách, báo, tài liệu, đến nay thư viện có hơn 2 nghìn cuốn, đa dạng thể loại: Truyện tranh cho thiếu nhi, sách tham khảo, sách nghiên cứu các lĩnh vực. 

Ngày cuối tuần, từ các cháu nhỏ đến thanh niên, người trung tuổi yêu sách đều có thể đến nhà đọc tại chỗ hoặc mượn mang về. “Chỉ cần các cháu ham học là tôi sẵn lòng tạo mọi điều kiện. Tôi mong muốn truyền thống hiếu học của gia đình sẽ lan tỏa đến con cháu mai này”- ông Binh nói.

Trải qua bao năm vất vả, đến nay ông bà được hưởng cuộc sống an nhàn, thư thái tại quê trong ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi. Ông bà mừng vì các con thành đạt, các cháu giỏi giang; còn các con, cháu tuy ở xa cũng yên tâm vì bố mẹ có cuộc sống yên vui, hạnh phúc. 

Ông Nguyễn Quốc Lập, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Yên Dũng nói: "Thành công của một gia đình có hai tiến sĩ thành danh đã góp phần làm rạng danh truyền thống hiếu học của quê hương. Chúng tôi luôn lấy gia đình ông Binh, bà Ngọc làm tấm gương, giới thiệu để các gia đình trong, ngoài huyện học tập, noi theo".

 

Theo baobacgiang.com.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top