Cha tôi, ông Nguyễn Xuân Đài sinh năm 1954 xuất thân từ một gia đình nông dân tại xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Năm 1975, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cha tôi từ anh bộ đội cụ Hồ hoàn thành sứ mệnh chiến đấu bảo vệ tổ quốc dời màu xanh áo lính trở về lại khoác lên mình màu áo vàng ngành Bưu điện với nhiệm vụ mới Hộ tống viên Bưu điện (Công nhân vận chuyển Bưu chính). Sau 35 năm công tác trong ngành, trải qua nhiều vị trí khác nhau, nay cha tôi nghỉ hưu từ năm 2010.
Từ bé trong tôi luôn tự hào về Cha mình - Người Hộ tống viên Bưu điện, giản dị, chân thật với hơn ba mươi lăm năm gắn bó với nghề cùng những hy sinh, cống hiến, tận tụy hết mình trong công việc, nỗ lực phấn đấu với sứ mệnh ngành Bưu điện phục vụ cộng đồng, gắn kết mọi người bằng chất lượng dịch vụ.
Tôi tự hào nghề của Cha tôi, một cái nghề vất vả, dãi nắng, dầm mưa nhưng cũng đầy chất thơ theo như cách cha tôi thường nói; Nghề hộ tống viên áp tải những tài liệu, công văn hỏa tốc, thư báo của Đảng và Nhà Nước, hàng hóa của nhân dân gửi đi muôn nơi. Từ Bắc chí Nam, từ đồng bằng đến miền núi, không địa danh nào nhắc tên mà cha tôi không biết đến, trên hành trình ấy là những nhọc nhằn và cũng không ít nguy hiểm nhưng mạng lại nhiều ý nghĩa cho xã hội, từng cánh thư, từng chuyến hàng được vận chuyển an toàn đến với người nhận, nối yêu thương, nối tình cảm của con người trên mọi miền của đất nước. Hình ảnh người công nhân vận chuyển bưu chính với màu áo vàng có lẽ đã quá quen thuộc với người dân khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn, từ vùng sâu đến hải đảo, trên những tuyến phố đến những con đường làng, người mang niềm vui, mang tình cảm, mang thông tin đến với mọi nhà. Phía sau màu áo vàng thân thương ấy là những giọt mồ hôi vất vả, là cuộc vật lộn với những khó khăn trên từng tuyến đường thư khi nắng gắt cháy vai của vùng gió lào cát trắng Quảng Bình, khi mưa lũ ngập trắng trời của dẻo đất miền Trung nhỏ bé. Cũng có khi là những chuyến xe thư, chuyến tàu tắc đường do mưa lũ, người hộ tống viên phải gồng mình để chuyển tải, đảm bảo công văn, thư báo, hàng hóa được an toàn, đến nơi người nhận kịp thời.
Cha tôi kể có những trận mưa lũ tàu tắc tại Ga Huế - người người trên tàu đều đã tự rời đi lánh lũ, chỉ còn người hộ tống viên với hàng hóa Bưu điện vẫn bám trụ giữa trời nước mênh mông, không thể rời nhiệm vụ, không thể bỏ mặc hàng hóa - phải đảm bảo an toàn và tìm cách chuyển tải hàng đi tiếp - có khi tài liệu quan trọng của Đảng, Chính phủ mà cha tôi vẫn quen gọi là “Túi Công văn 90” (ngày nay được gọi là KT1) được những người hộ tống viên như cha tôi buộc vào bên mình như sinh mệnh, như hơi thở để vượt bão lũ vận chuyển an toàn đến với địa phương triển khai kịp thời những chủ trương, chính sách khẩn cấp của Nhà Nước. Chỉ có lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm, tận tụy của người bưu điện mới giúp những người hộ tống viên như cha tôi làm được như thế mà thôi.
Giờ đây, sau khoảng thời gian nghỉ hưu đã hơn 10 năm nhưng trong cha tôi không khi nào nguôi nỗi nhớ về những chuyến công tác đường dài đi khắp các tỉnh thành trong cả nước: khi là những cung đường trên mây xanh mướt một màu của dải đường núi rừng phía Bắc Yên Bái, Hà Giang, Lào Cai, Tuyên Quang… Lúc là những mảnh đất khô cằn cát cháy của dẻo đất miền Trung Quảng Bình, Quảng Trị, Ninh thuận, Bình Thuận… những cung đường đèo Hải Vân, Pha Đin đẹp như trong cổ tích… nhớ đến cả những người đồng nghiệp bao năm bên nhau cùng vượt qua những thăng trầm của ngành Bưu điện, nhớ đến những con người đặc trưng của từng vùng đất mà cha tôi đã đi qua… Nỗi nhớ cứ chập chờn vào trong giấc ngủ của cha tôi, không khi nào ngơi nghỉ. Chị em tôi thường trêu đùa ông, ngành Bưu điện nên đưa vào danh mục bệnh nghề nghiệp là bệnh “Nhớ khắc khoải”. Nghỉ hưu rồi mà không đêm nào cha tôi ngủ trọn vẹn giấc, bởi bao nhiêu năm rong ruổi trên những chuyến thư đường dài phải tỉnh giấc trong đêm đúng giờ giao nhận hàng hóa tại các ga, trạm dọc đường, đã trở thành thói quen ngấm vào máu thịt khiến giấc ngủ của người hộ tống viên không được trọn vẹn, để cho những cánh thư, chuyến hàng được an toàn trọn vẹn đến với mọi người… Và chỉ khi vừa chợp mắt thì giấc mơ lại về với những chuyến tàu xuyên Bắc Nam, những gương mặt đồng nghiệp chân thật, bình dị hay là hình ảnh màu áo vàng người hộ tống viên - lênh đênh giữa dòng nước trắng tìm đường đi cho những chuyến hàng bưu điện vượt bão lũ an toàn… Màu áo ấy cha tôi yêu lắm, trong những buổi giao lưu văn nghệ của hội cựu chiến binh hay hội làng vẫn được cha tôi mang lên sân khấu - hay trong những chuyến du lịch khắp nơi, màu áo vàng bưu điện vẫn bên cha tôi mang theo niềm tự hào của cả gia đình về một nghề cao quý.
Đến giờ hình ảnh cha ngày ngày tận tụy với nghề thủa nào như vẫn khắc sâu vào trong tâm trí tôi. Để khi đối diện với những khó khăn trong cuộc sống tôi lại tự nhắc mình nhớ về nghề của cha, nó mang lại cho tôi nguồn năng lượng tích cực cho tôi đường đầu với những thử thách phía trước.