Ảnh minh họa
Ngày cuối tuần, chúng tôi có dịp lên Bản Liền, điểm du lịch cộng đồng của dân tộc Tày ở vùng cao Bắc Hà. Cùng với phong cảnh hoang sơ, hùng vĩ, không khí trong lành, mát mẻ, chúng tôi được đón tiếp trong không khí thân tình, nồng hậu, mến khách của bà con người Tày. Đặc biệt, khi đến các điểm du lịch homestay ở Bản Liền, các du khách được hòa mình vào không gian văn hóa của người Tày, được khám phá, trải nghiệm nét đặc sắc trong văn hóa cũng như đời sống thường nhật của đồng bào nơi đây.
Chị Vàng Thị Thông, chủ Bản Liền Pine homestay hào hứng dẫn khách đi lên rừng hái măng, đi bắt cá suối. Đặc biệt, chị đã đưa chúng tôi đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác, với lối dẫn dắt, tìm hiểu về văn hóa dân tộc Tày. Chị đã cho chúng tôi trải nghiệm làm các món ẩm thực của đồng bào Tày, giới thiệu về các nét phong tục trong văn hóa cũng như về nghề thủ công truyền thống ở Bản Liền (nghề làm nón lá cọ, nghề bện đệm rơm, nghề làm trà cổ thụ trong ống nứa sấy gác bếp…). Chuyến trải nghiệm ngắn ở bản người Tày khá thú vị và hấp dẫn đối với nhiều du khách khi được tận hưởng không khí thiên nhiên và hiểu thêm về văn hóa bản địa nơi mình đến.
Chị Rio Tsukuda, du khách đến từ Nhật Bản rất thích thú khi được mặc trang phục truyền thống của người Tày, được tham gia các hoạt động văn hóa ở bản người Tày trong chuyến du lịch Việt Nam. Đặc biệt, chị Rio Tsukuda đến đúng dịp người Tày ở đây tổ chức lễ cúng mùa màng, được thầy cúng làm lễ buộc chỉ đỏ may mắn vào cổ tay. Chị Rio Tsukuda cho biết: “Được trải nghiệm bản sắc văn hóa dân tộc Tày ở Bản Liền, Bắc Hà đối với tôi là một trong những ấn tượng sâu sắc, đáng nhớ. Đây cũng là kỳ nghỉ thú vị nhất với tôi trong chuyến du lịch Việt Nam lần này”.
Với rất nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến Lào Cai đều thực sự ấn tượng với loại hình du lịch trải nghiệm văn hóa bản địa các tộc người. Tại Khu du lịch quốc gia Sa Pa, thời gian qua, một vài điểm du lịch cộng đồng đã biết khai thác thế mạnh văn hóa bản địa để thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm trong những kỳ nghỉ tại địa phương.
Chị Sùng Thị Lan, Hợp tác xã Mường Hoa, xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa cho biết: “Tại Hợp tác xã Mường Hoa có các tour trải nghiệm văn hóa bản địa được rất nhiều đoàn khách yêu thích như: trải nghiệm nhuộm chàm, dệt vải lanh, vẽ sáp ong, thêu thổ cẩm của dân tộc Mông, nghề làm hương thảo dược của dân tộc Giáy… Hầu hết, sau mỗi tour trải nghiệm văn hóa bản địa, du khách rất thích thú khi được tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc tại Sa Pa, tạo ra những khoảng thời gian cho du khách được thư giãn, trải nghiệm cùng với người dân bản địa”.
Còn tại điểm du lịch làng cổ Cát Cát (xã Hoàng Liên, thị xã Sa Pa), từ lâu, những trải nghiệm văn hóa bản địa đã thực sự trở thành linh hồn níu chân du khách. Tham quan ngôi làng cổ đẹp nhất Tây Bắc, du khách được trải nghiệm không gian văn hóa của một ngôi làng hàng trăm năm tuổi với rất nhiều nét văn hóa của đồng bào Mông được bà con dân tộc lưu giữ, bảo tồn và phát huy trong cuộc sống hôm nay.
Chị Nguyễn Hồng Hạnh, du khách đến từ thành phố Hải Phòng rất thích thú khi tham quan làng cổ Cát Cát, cùng bà con đồng bào Mông vẽ sáp ong, xem các bà cao niên trong làng ngồi tỉ mẩn se sợi lanh, thêu những hoa văn thổ cẩm rất khéo léo. Chị Hạnh chia sẻ: “Tôi đã đi nhiều nơi, nhưng làng cổ Cát Cát thực sự cuốn hút và ấn tượng đối với tôi. Tôi được tham quan những thắng cảnh bình dị tại ngôi làng, được tìm hiểu về văn hóa bản địa của đồng bào Mông, biết thêm về cuộc sống và bản sắc văn hóa của họ, với rất nhiều nét đặc sắc thú vị”…
Để những giá trị văn hóa bản địa được khách du lịch tiếp nhận một cách trọn vẹn, đầy đủ hơn, tại làng cổ Cát Cát tới đây sẽ trình diễn thực cảnh “The Cat Cat show” - Nghiêng về bên nhau. Đây là show thực cảnh được xây dựng bài bản, biểu diễn ngoài trời về lịch sử, văn hóa và bản sắc của dân tộc Mông, tái hiện trọn vẹn những nét chấm phá độc đáo nhất (nếp sống thường nhật, đi nương, se lanh, đám cưới…) bên con suối Mường Hoa.
Với 7 màn diễn trong 30 phút (Tinh sương, Mặt trời lên, Rong chơi, Lao động tập thể, Quyết tâm học tập, Cầu an và Sống lành học tốt - Tiễn bạn), show thực cảnh tạo hình và sử dụng hình ảnh gần gũi, 100% trang phục truyền thống, kết hợp khéo léo các nhạc cụ dân tộc bản địa (khèn Mông, kèn lá, sáo trúc, đàn môi…) do các diễn viên là người Mông tại địa phương biểu diễn. “The Cat Cat show” - Nghiêng về bên nhau hứa hẹn sẽ đem đến một góc nhìn văn hóa bản địa trọn vẹn cho khách du lịch khi đến Sa Pa.
Cũng từ việc khai thác, phát huy những giá trị văn hóa bản địa, phát triển du lịch, mới đây, tại Khu du lịch Sun World Fansipan Sa Pa đã hình thành một không gian văn hóa dân tộc Sa Pa, nơi quy tụ của các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn thị xã Sa Pa (Mông, Dao đỏ, Giáy, Tày, Xa Phó…) để kể cho du khách những câu chuyện về bản sắc riêng có của từng tộc người nơi đây.
Không gian văn hóa dân tộc Sa Pa làm nơi trưng bày các sản phẩm văn hóa từ kiến trúc nhà ở truyền thống, sản phẩm thủ công truyền thống (thổ cẩm, vải lanh, nhuộm chàm, đồ đan lát…) đến các sản phẩm bản địa (thuốc tắm, thảo dược…).
Đây là nơi chính các nghệ nhân và bà con các dân tộc được tham gia trình diễn nghề truyền thống (nghề thêu dệt thổ cẩm dân tộc Mông), nét văn hóa (viết chữ Nôm Dao của dân tộc Dao đỏ) đến các trò chơi dân gian (đi cà kheo)…
Tất cả những trải nghiệm du lịch văn hóa bản địa ở các điểm du lịch trên địa bàn đang được tỉnh Lào Cai định hướng địa phương khai thác đưa vào phát triển du lịch. Không chỉ biến di sản thành tài sản, tỉnh Lào Cai còn mong muốn sẽ xây dựng được một loại hình du lịch văn hóa đặc sắc, thu hút khách đến với vùng đất biên cương.