BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
|
Số: /BTTTT-VP
V/v trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Tây Ninh gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV
|
Hà Nội, ngày tháng 3 năm 2020
|
Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh
Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Tây Ninh do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 03/BDN ngày 08/01/2020, nội dung kiến nghị như sau:
Cử tri phản ánh:Việc quản lý SIM điện thoại chưa thật sự tốt nên các nhà mạng thường xuyên gửi các tin nhắn rác, cuộc gọi rác đến người sử dụng điện thoại, gây phiền hà cho người dân. Đề nghị ngành chức năng có giải pháp khắc phục tình trạng này.
Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) xin trả lời như sau:
Hiện nay, việc mua bán SIM thuê bao di động (hay SIM điện thoại như cách gọi của cử tri) được thực hiện theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 49/2017/NĐ-CP ngày 24/4/20217 của Chính phủ, theo đó SIM thuê bao di động chỉ được cung cấp cho các cá nhân, tổ chức tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông của doanh nghiệp viễn thông hoặc được doanh nghiệp viễn thông ủy quyền, sau khi điểm cung cấp dịch vụ viễn thông đã hoàn thành các quy định về đăng ký thông tin thuê bao (yêu cầu các cá nhân cung cấp giấy tờ tùy thân, đối chiếu, kiểm tra, nhập đầy đủ, chính xác thông tin thuê bao). Tuy nhiên trong thực tế, nhằm đáp ứng đáp ứng tâm lý của một bộ phận người sử dụng dịch vụ có nhu cầu sử dụng SIM nhưng không muốn mất thời gian đăng ký thông tin, chạy theo lợi nhuận, một số cá nhân, tổ chức đã tìm cách đăng ký khống thông tin thuê bao (sử dụng thông tin thuê bao của người khác hoặc của chính mình để kích hoạt trước nhiều SIM thuê bao rồi bán cho khách hàng), đây là nguồn chính gây phát sinh SIM rác trên thị trường. Tin nhắn rác cũng được các đối tượng phát tán chủ yếu từ các SIM rác này, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng và trật tự an toàn xã hội.
Việc xử lý SIM rác trên kênh phân phối đã được Bộ TTTT thực hiện quyết liệt thời gian qua. Tính đến thời điểm hiện nay, các nhà mạng đã xử lý khóa, thu hồi tổng cộng gần 17,8 triệu SIM có dấu hiệu đã được kích hoạt sẵn. Đồng thời, Bộ TTTT đã tổ chức hệ thống chia sẻ mẫu tin nhắn rác (hiện đã xây dựng được gần 300 nghìn mẫu tin), chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông triển khai hệ thống chặn lọc tin nhắn rác chủ động (số lượng tin nhắn rác chặn được trên toàn mạng, tính đến hết năm 2019 là hơn 185 triệu tin).
Bộ TTTT cũng đã tổ chức triển khai thanh tra diện rộng về quản lý thông tin thuê bao từ tháng 10/2019. Hiện nay, công tác này đang được cơ quan chức năng của Bộ TTTT và các cơ quan quản lý tại địa phương tổ chức triển khai đồng bộ theo kế hoạch.
Việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên đã góp phần ngăn chặn có hiệu quả việc phát tán tin nhắn rác (trong năm 2019, hệ thống tiếp nhận phản ánh về tin nhắn rác của Bộ TTTT ghi nhận gần 50 nghìn lượt phản ánhgiảm hơn 90%). so với năm 2016 (540 nghìn lượt).
Trong thời gian tới, để tăng cường hiệu quả công tác xử lý SIM rác, Bộ TTTT sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như:
(1) Kết nối dữ liệu giữa các nhà mạng với cơ quan quản lý để giám sát quá trình tuân thủ quy định.
(2) Gắn trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp với kết quả thực hiện, Bộ TTTT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét xử lý hành chính và xem xét không cấp phép các dịch vụ mới (ví dụ như Mobile Money).
(3) Tiếp tục tuyên truyền đến người dân về quy định của pháp luật, lợi ích cũng như trách nhiệm gắn liền với việc sử dụng thuê bao có thông tin chính xác trên kênh báo chí, truyền hình.
Trên đây là nội dung trả lời của Bộ TTTT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Tây Ninh, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh để trả lời cử tri./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện - Ủy ban TVQH;
-Vụ QHĐP (VPCP);
- Tổng Thư ký Quốc hội;
- Bộ TTTT: Bộ trưởng và các Thứ trưởng;
Cục VT; Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, VP.
|
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Mạnh Hùng
|