BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
|
Số: /BTTTT-VP
V/v trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV
|
Hà Nội, ngày tháng 3 năm 2020
|
Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương
Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 03/BDN ngày 08/01/2020, nội dung kiến nghị như sau:
Câu 1:Cử tri tỉnh Bình Dương rất quan tâm đến tình hình Biển Đông, tuy nhiên hiện nay, các kênh thông tin chính thống tuyên truyền đến người dân còn hạn chế. Cử tri đề nghị cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, tránh tình trạng người dân không có thông tin phải tìm thông tin trên các trang mạng xã hội, rất dễ bị các thế lực thù địch, kẻ xấu lợi dụng, xuyên tạc, kích động, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Trả lời:
Xác định rõ tầm quan trọng của biển và công tác tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, Bộ TTTT đã phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương thường xuyên chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, đảm bảo tính kịp thời, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm nhằm góp phần đấu tranh bảo vệ chủ quyền, đồng thời, thông tin để nhân dân biết, cụ thể:
1. Về công tác định hướng thông tin, tuyên truyền
- Bộ TTTT đã phối hợp với Bộ Ngoại giao và Ban Chỉ đạo thông tin đối ngoại tổ chức theo dõi, bám sát mọi diễn biến liên quan đến tình hình Biển Đông, theo dõi dư luận báo chí trong và ngoài nước. Trong nhiều năm qua, Bộ TTTT xây dựng Báo cáo điểm dư luận báo chí nước ngoài hằng tuần gửi cấp có thẩm quyền tham khảo, kịp thời chỉ đạo thông tin đối ngoại.
Trên cơ sở đó, Bộ TTTT dự báo tình hình thông tin, tuyên truyền và đưa ra những chỉ đạo kịp thời cho các cơ quan báo chí, phục vụ chỉ đạo thông tin nói chung và thông tin đối ngoại nói riêng.
- Kịp thời nắm bắt và thực hiện các biện pháp đấu tranh, xử lý thông tin sai lệch về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trên các mạng xã hội, các kênh truyền hình như Youtube, Facebook, ESPN, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các biện pháp đối phó lâu dài và có hệ thống.
2. Công tác tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo
- Thông tin, tuyên truyền trên báo chí: Báo chí trong nước phản ánh đầy đủ, kịp thời các diễn biến liên quan đến Biển Đông, đấu tranh dư luận có hiệu quả về chủ quyền biển, đảo.Theo thống kê sơ bộ của Trung tâm dữ liệu truyền thông số quốc gia lượng tin, bài trên các báo, tạp chí điện tử thông tin liên quan biển đảo năm 2019 là 9.376 tin, bài.
- Thông tin, truyên truyền trên không gian mạng: Kết quả theo dõi do Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cung cấp cho thấy, số lượng đề cập về tình hình Biển Đông trên không gian mạng càng về nửa cuối năm 2019 càng tăng cao: Quý I/2019: Hơn 7,2 nghìn đề cập/tháng, Quý II/2019: Hơn 9,6 nghìn đề cập/tháng và Quý III/2019 tăng lên đến hơn 54 nghìn đề cập/tháng. Hầu như ngày nào cũng xuất hiện các tin tức liên quan đến vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông (Quý I/2019: Hơn 7,2 nghìn đề cập/tháng, Quý II/2019: Hơn 9,6 nghìn đề cập/tháng, Quý III/2019 tăng lên đến hơn 54 nghìn đề cập/tháng và Quý IV giảm nhẹ với khoảng 24 nghìn đề cập/tháng). Một số trang mạng xã hội tham gia tích cực vào bình ổn dư luận trong nhiều thời điểm căng thẳng thông tin.
- Ngoài ra Bộ TTTT đã đa dạng hóa hình thức thông tin, tuyên truyền về biển, đảo:
+ Công tác tập huấn, tuyên truyền miệng: Bộ TTTT xác định đây là một trong những hình thức tuyên truyền hiệu quả nhất, do đó, trong năm 2019, Bộ đã tổ chức 11 Hội nghị tập huấn về tuyên truyền biển, đảo cho nhiều đối tượng khác nhau, từ cán bộ cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đoàn thể huyện, xã; cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang; chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ du lịch; chủ tàu, thuyền; ngư dân; người lao động nghề thủy sản,…
+ Tổ chức Hội thi tìm hiểu về chủ quyền và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam cho các Đội tuyên truyền lưu động của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; biên soạn và xuất bản tài liệu tuyên truyền về biển, đảo như “Cẩm nang tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam”; DVD 03 phim tài liệu tuyên truyền “Biển, đảo Việt Nam - Những điều cần biết” để tiếp tục hoàn thiện hệ thống các ấn phẩm, tài liệu về biển, đảo thêm đa dạng, phong phú và phù hợp với nhiều đối tượng.
- Bộ TTTT đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm tăng hiệu quả tuyên truyền. Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" tiếp tục được tổ chức nhưng so với các năm nước, năm 2019, Bộ TTTT đã tiến hành số hóa các tư liệu triển lãm nhằm tạo hiệu ứng mới đối với công chúng. Kết quả là 05 cuộc Triển lãm theo hình thức truyền thống và 28 cuộc triển lãm số đã được tổ chức, thu hút hàng chục nghìn lượt người xem.
Hiện nay, Bộ TTTT đang triển khai xây dựng phần mềm Triển lãm số “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” để tổ chức tuyên truyền, phổ biến trên mạng Internet.
Nhìn chung, công tác tuyên truyền biển, đảo trong năm 2019 đã nhiều đổi mới như: (i) Báo chí ít mắc sai sót và độ trễ khi thông tin so với diễn biến tình hình thực tiễn đã được rút ngắn; (ii) Mạng xã hội từ chỗ bị coi là điểm yếu dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng để xuyên tạc, kích động đã dần trở thành công cụ tích cực trong việc thông tin giải tỏa áp lực vào những thời điểm căng thẳng; (iii) ứng dụng CNTT để đổi mới các hình thức tuyên truyền biển, đảo, gây được sự chú ý với công chúng.
Trong vụ việc nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam vào tháng 7/2019, hệ thống báo chí đã phối hợp nhịp nhàng với Bộ Ngoại giao giúp tuyên truyền và đấu tranh dư luận có hiệu quả.Các trang báo lớn liên tục có bài viết phân tích về hành động vi phạm của Trung Quốc và khẳng định lập trường kiên định của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng quyền, lợi ích trên Biển Đông của Việt Nam. Điều đó góp phần lớn trong việc cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, ổn định dư luận trong nước.
Thông tin báo chí về biển đảo, về tiềm năng kinh tế biển... còn đóng vai trò thể hiện thông điệp, quan điểm của Đảng, Nhà nước về vấn đề chủ quyền; do vậy, đòi hỏi sự phối hợp, thống nhất của nhiều bộ, ngành, cơ quan liên quan như: Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao... Vì vậy, có thời điểm, thông tin còn chậm chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Trong thời gian tới, Bộ TTTT tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo, tập trung vào các nhiệm vụ như sau:
- Tiếp tục triển khai các chiến lược, đề án, kế hoạch đã được phê duyệt như: Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án “Tuyên truyền bảo vệ chủ quyền và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam giai đoạn 2018 - 2020”.
- Duy trì có hiệu quả các cơ chế phối hợp liên ngành nhằm kịp thời chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí duy trì liều lượng thông tin phù hợp với tình hình thực tế, rút ngắn thời gian và tăng hiệu quả phối hợp thông tin; phát huy mặt tích cực, hiệu quả của mạng xã hội trong thông tin, tuyên truyền về biển, đảo; phối hợp với Bộ Ngoại giao tăng số lượng tin, bài về Biển Đông đăng tải trên báo chí quốc tế.
- Tiếp tục duy trì các hình thức thông tin, tuyên truyền về biển, đảo như: Tổ chức triển lãm trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Tư liệu và sự thật lịch sử”; đặt hàng sản xuất tài liệu tuyên truyền quảng bá chủ quyền biển, hải đảo Việt Nam; tổ chức các hội thảo, tập huấn và khảo sát cho nhiều đối tượng, đặc biệt là đội ngũ phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí và tổ chức đoàn phóng viên tác nghiệp trên thực địa khi tình hình đặt ra yêu cầu.
- Tăng cường sử dụng công nghệ hiện đại và truyền thông quốc tế để tăng hiệu quả thông tin đối ngoại, trong đó chú trọng phát huy hiệu quả giám sát, theo dõi và phân tích thông tin của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Trên cơ sở đó, Bộ TTTT sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các Sở TTTT địa phương tận dụng ưu thế về công nghệ để dự báo và điều hướng thông tin về biển, đảo.
Câu 2:Cử tri cho rằng đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất có những điểm chưa hợp lý, cụ thể các thiết bị thu hình trước đây không thể tiếp tục sử dụng để theo dõi các kênh truyền hình miễn phí như trước, người dân phải chuyển sang đăng ký dịch vụ truyền hình cáp, kỹ thuật số hoặc thuê bao dịch vụ truyền hình từ các nhà mạng mới có thể tiếp tục sử dụng. Cử tri đề nghị, Nhà nước cần quan tâm, nghiên cứu, tạo điều kiện cho người dân vùng sâu, vùng xa, người dân nghèo có kênh thông tin miễn phí để phục vụ nhu cầu, nhất là các kênh có tính chất thời sự, tuyên truyền, giáo dục.
Trả lời:
- Ngày 27/11/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2451/QĐ-TTg phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020. Một trong những nguyên tắc được quy định tại Quyết định số 2451/QĐ-TTg là “Bảo đảm không làm gián đoạn các kênh chương trình truyền hình, đặc biệt là các kênh chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu”.
- Thực tế triển khai Đề án số hóa, người dân nói chung và người dân tại vùng sâu, vùng xa đều có thể tiếp cận các chương trình phục vụ nhiệm vụ thiết yếu miễn phí. Trước đây, với truyền hình tương tự mặt đất, người dân chỉ xem được một vài kênh truyền hình miễn phí thì khi chuyển đổi sang truyền hình số mặt đất, số kênh miễn phí đã tăng hơn nhiều, trung bình khoảng 40 kênh, có nơi thu được tới 70-80 kênh miễn phí, chất lượng chương trình cũng tốt hơn, người dân được thụ hưởng cả các kênh truyền hình với chất lượng cao (HDTV) mà công nghệ truyền hình tương tự không mang lại.
- Trước khi thực hiện chuyển đổi truyền hình tương tự mặt đất sang truyền hình số mặt đất, các hộ nghèo được hỗ trợ các đầu thu (được tặng và lắp đặt) miễn phí. Đối với các hộ gia đình sử dụng tivi đời cũ thì người dân cần mua thêm đầu thu giải mã truyền hình số mặt đất (mức giá trên thị trường khoảng từ 250.000 đồng trở lên). Đối với các tivi mới thì đã được tích hợp sẵn thiết bị thu và giải mã truyền hình số mặt đất trong tivi (theo quy định tại Thông tư số 07/2013/TT-BTTTT ngày 18/03/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông).
Ban chỉ đạo Đề án số hóa đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền qua báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin cơ sở, tập huấn tại địa phương,….các thông tin về sự cần thiết phải chuyển đổi công nghệ, thông báo thời gian chuyển đổi, hướng dẫn người dân cách chuyển đổi (mua đầu thu, lắp đặt…), tổng đài, website hỗ trợ thông tin liên quan đến chuyển đổi, đảm bảo các thông được cung cấp đầy đủ đến người dân trước khi tiến hành tắt sóng truyền hình tương tự trên địa bàn đó.
Như vậy, việc triển khai Đề án số hóa vẫn đảm bảo cung cấp các kênh miễn phí tới người dân, số lượng và chất lượng kênh còn cao hơn trước khi chuyển đổi. Việc chuyển đổi tuy có ảnh hưởng đến việc thu xem nhưng nhà nước đã có các chính sách phù hợp, hỗ trợ miễn phí thiết bị thu cho hộ nghèo, phổ biến, tuyên truyền cho người dân sự cần thiết, cách thức chuyển đổi để hộ dân nắm bắt, chuẩn bị kịp thời trước khi chuyển đổi, tạo sự đồng thuận của xã hội.
Câu 3:Hiện nay, tình trạng buông lỏng quản lý đối với các loại hình trò chơi trực tuyến đang diễn ra tại nhiều địa phương, trong khi đó các loại hình này phát triển đa dạng, tạo sức hút mạnh mẽ cho người chơi, nhất là các cháu ở độ tuổi thanh thiếu niên. Việc học sinh, sinh viên bỏ học, kết quả học tập sa sút, thậm chí vi phạm pháp luật, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc nghiện các loại hình trò chơi này. Cử tri đề nghị Nhà nước cần tăng cường quản lý mạnh mẽ hơn nữa trò chơi trực tuyến, đặc biệt là các điểm kinh doanh dịch vụ Internet.
Trả lời:
Hiện nay, các quy định của pháp luật hiện hành điều chỉnh lĩnh vực trò chơi điện tử trên mạng (game) đã cơ bản được hoàn thiện, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 và Thông tư 24/2014/TT-BTTTT ngày 29/12/2014 đã có quy định về quản lý game, bảo vệ trẻ em khỏi các ảnh hưởng tiêu cực như: hạn chế giờ chơi, đăng ký thông tin cá nhân, dán nhãn trên màn hình phân loại độ tuổi, thẩm định nội dung game G1 trước khi phát hành, quy định khoảng cách của điểm cung cấp trò chơi công cộng đến cổng trường học.
Ngày 03/02/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, đã bổ sung nhiều quy định nhằm tăng cường quản lý, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến cung cấp trò chơi điện tử trên mạng.
Thời gian qua, Bộ TTTT đã thực hiện công tác quản lý trò chơi điện tử trên mạng tương đối chặt chẽ, cụ thể:
- Ban hành các văn bản yêu cầu:
+ Sở TTTT các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý, thanh tra theo thẩm quyền; chủ động phát hiện và xử lý nghiêm khắc doanh nghiệp không có giấy phép cung cấp dịch vụ và các trò chơi không có quyết định phê duyệt nội dung kịch bản của doanh nghiệp có trụ sở tại địa phương, bảo đảm đúng các quy định của pháp luật về thanh tra chuyên ngành, tránh việc thanh tra, kiểm tra và xử lý chồng chéo, gây khó khăn cho doanh nghiệp; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo theo quy định.
+ Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về trò chơi điện tử trên mạng, rà soát, bảo đảm phát hành các trò chơi theo đúng nội dung, kịch bản đã được phê duyệt; thực hiện nghiêm các quy định về quản lý nội dung game và về thanh toán; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ theo quy định. Đặc biệt, yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp trò chơi điện tử trên mạng tuân thủ nghiêm các quy định liên quan đến quản lý tài sản ảo, tiền ảo trong các trò chơi điện tử, nghiêm cấm hành vi đổi thưởng dưới mọi hình thức.
Ngoài ra, hàng năm Bộ TTTT cũng đã tổ chức họp giao ban định kỳ 1 năm/lần nhằm tìm hiểu, nắm bắt xu hướng phát triển của thị trường Internet cũng như cùng trao đổi, đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam trước sự cạnh tranh với các doanh nghiệp nước người cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam.
* Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm:
Song song với việc khẩn trương cấp phép phát hành trò chơi, để làm cơ sở sàng lọc các trò chơi hợp pháp và trò chơi lậu phát hành tại Việt Nam, Bộ cũng đã tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi; có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là hành vi phát hành trò chơi điện tử không phép; đối với các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm nhiều lần, mức độ nghiêm trọng, Bộ sẽ xem xét rút giấy phép, quyết định, giấy chứng nhận. Đối với các trường hợp phát hiện vi phạm có dấu hiệu hình sự như trò chơi điện tử cờ bạc, đổi thưởng, Bộ TTTT đã phối hợp với Bộ Công an để xử lý.
- Năm 2019, Bộ TTTT đã tiến hành xử lý đối với 03 trường hợp, trong đó có 01 trường hợp xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 120 triệu đồng do cung cấp trò chơi điện tử G1 trên mạng không đúng với nội dung, kịch bản trò chơi điện tử trên mạng đã được cấp.
* Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành có liên quan.
- Trong những năm gần đây, Bộ TTTT đã và đang thiết lập cơ chế phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Công an để tăng cường kiểm soát, nhắc nhở, xử lý theo thẩm quyền đối với một số doanh nghiệp cung cấp trò chơi điện tử trên mạng có dấu hiệu cờ bạc, đổi thưởng; quảng cáo cho phép người chơi dùng tiền ảo trong trò chơi điện tử để đổi thành các phần thưởng có giá trị như thẻ cào, điện thoại, xe máy,...
Đồng thời, đối với các đề nghị của Bộ Công an liên quan đến việc cung cấp thông tin, phối hợp đề nghị Apple, Google, Facebook chặn, gỡ các trò chơi điện tửcó dấu hiệu vi phạm pháp luật, Bộ TTTT cũng đã nhanh chóng xử lý, gửi yêu cầu Apple, Google, Facebook chặn, gỡ và phản hồi lại để Bộ Công an phối hợp, xử lý. Từ năm 2017 đến nay, thực hiện yêu cầu của Bộ TTTT, Facebook đã gỡ bỏ 330 fanpages quảng cáo trò chơi cờ bạc, đổi thưởng; Google gỡ bỏ 108/111 trò chơi trong đó có 104 trò chơi bài, 01 trò chơi có nội dung phản động, chống phá nhà nước Việt Nam và các trò chơi không phép trên Google Play.
- Bộ TTTT đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công thương tăng cường công tác quản lý chuyên ngành đối với lĩnh vực trò chơi điện tử như chương trình khuyến mại (thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công thương), hoạt động liên quan đến thanh toán cho trò chơi điện tử, đặc biệt là các hình thức thanh toán trực tuyến trên các trên kho ứng dụng Apple Store và Google Play Store (thuộc thẩm quyền quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam). Hiện nay, công tác phối hợp đang được các bên duy trì nhằm tăng cường quản lý hoạt động cung cấp trò chơi điện tử trên mạng.
- Bộ TTTT đang tiếp tục rà soát và đề nghị các doanh nghiệp nêu trên chặn, gỡ các trò chơi điện tử vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam khỏi các nền tảng ứng dụng của Google, Apple; gỡ bỏ các link quảng cáo cho trò chơi điện tử cờ bạc, trò chơi điện tử không phép trên Facebook.
Trên đây là nội dung trả lời của Bộ TTTT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương để trả lời cử tri./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện - Ủy ban TVQH;
-Vụ QHĐP (VPCP);
- Tổng Thư ký Quốc hội;
- Bộ TTTT: Bộ trưởng và các Thứ trưởng;
các Cục: BC, PTTH, TTĐN,TTCS, VT;
Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, VP.
|
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Mạnh Hùng
|