BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
|
Số: /BTTTT-VP
V/v trả lời kiến nghị của cử tri Thành phố
Hồ Chí Minh gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV
|
Hà Nội, ngày tháng 3 năm 2020
|
Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh
Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) nhận được kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 03/BDN ngày 08/01/2020, nội dung kiến nghị như sau:
Câu 1:Cử tri kiến nghị tiếp tục tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý vi phạm đối với các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, nhất là các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo, dịch vụ trò chơi điện tử, dịch vụ bưu chính chuyển phát…hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đảm bảo theo kịp sự phát triển xã hội.
Trả lời:
Thời gian qua hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực thông tin và truyền thông diễn biến phức tạp; bùng nổ việc kinh doanh của các cá nhân thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo, trên các ứng dụng thương mại điện tử với nhiều loại hàng hóa khác nhau, bao gồm: lương thực, thực phẩm, thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ trang sức, hàng gia dụng, đồ chơi nguy hiểm... Với đặc điểm linh hoạt trong việc đăng, gỡ bỏ quảng cáo, bán hàng các mặt hàng gia dụng phổ thông, bên cạnh đó chủ hàng hóa hợp tác, giao dịch với nhà phát hành phần mềm thương mại điện tử thông qua Internet và thanh toán điện tử bằng nhiều hình thức nên việc quản lý hoạt động kinh doanh thương mại trên các ứng dụng, phần mềm này khá phức tạp, đòi hỏi nhiều cơ quan chức năng cùng phối hợp tham gia. Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại qua đường bưu chính còn tiềm ẩn nhiều hệ lụy; một số đối tượng áp dụng trà trộn thuê xe chuyên dụng chở thư báo, lợi dụng dịch vụ chuyển phát để vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ nhưng rất khó phát hiện, xử lý.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia), Bộ TTTT đã đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả gắn với việc thực hiện hiệu quả những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, tập trung mọi nỗ lực nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân.
Ban Chỉ đạo 389 của Bộ TTTT đã xây dựng các kế hoạch hàng năm về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Bộ đã chỉ đạo rà soát, đánh giá thực tiễn để xây dựng 02 Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, gồm: (1) Nghị định sửa đổi Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản; (2) Nghị định thay thế Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.
+ Ngày 03/02/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử thay thế Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 trong đó quy định rõ hơn việc xử lý các thông tin sai lệch, giả mạo trên mạng xã hội, trách nhiệm của cá nhân của người tham gia mạng xã hội, đặc biệt chế tài xử phạt tăng lên rất nhiều so với Nghị định số 174/2013/NĐ-CP.
+ Nghị định sửa đổi Nghị định số 159/2013/NĐ-CP, hiện Bộ TTTT đang hoàn thiện theo ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, dự kiến báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 03/2020 để tiến hành thủ tục thẩm tra, ký ban hành.
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với cơ quan Công an và các lực lượng có liên quan trong công tác phát hiện đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất kinh doanh hàng giả trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; nhất là tình trạng buôn lậu, vận chuyển hàng giả qua đường bưu chính, buôn bán hàng giả, vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ qua mạng Internet, Facebook, Google…Tăng cường giám sát, xử lý việc quảng cáo vi phạm pháp luật trên mạng viễn thông, mạng Internet, mạng xã hội, các ứng dụng trên di động.
- Công bố đường dây nóng 0981.389.389 và 0961.389.389 để khuyến khích người dân tố giác hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Thực hiện tạm ngừng tên miền theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền khi tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động Internet và cung cấp thông tin trên mạng, bao gồm các hành vi lừa đảo, mua bán hàng giả, hàng nhái… tiến hành thu hồi tên miền theo quyết định xử phạt của thanh tra chuyên ngành thông tin và truyền thông.
Thực hiện công tác thanh tra hàng năm, Thanh tra Bộ và các đơn vị có chức năng thanh tra đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định pháp luật, góp phần phổ biến, tuyên truyền và hạn chế vi phạm đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân hiện đang tham gia kinh doanh các ngành nghề thuộc lĩnh vực chuyên ngành thông tin và truyền thông.Năm 2019, đã tiến hành thanh tra 41 cuộc thanh tra theo kế hoạch, xử phạt vi phạm hành chính 11 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền 579.500.000 đồng; các đơn vị có chức năng thanh trachuyên ngành của Bộ đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 53 tổ chức, doanh nghiệp với tổng số tiền trên 1,63 tỷđồng.
Câu 2:Cử tri kiến nghị cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tiềm năng, thế mạnh của biển, đảo nước ta đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường hơn nữa thời lượng đưa tin, bài và xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo Việt Nam để mọi người dân dễ dàng tiếp cận.
Trả lời:
Bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc là trách nhiệm của mỗi công dân và cộng đồng xã hội. Do đó, công tác tuyên truyền, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, chú trọng. Thời gian qua, bám sát các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, báo chí và các phương tiện truyền thông đã luôn chú trọng làm tốt công tác này, qua đó góp phần nâng cao tinh thần yêu nước và trách nhiệm bảo vệ chủ quyền quốc gia trong các tầng lớp nhân dân.
Báo chí thường xuyên thông tin kịp thời quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước liên quan tới chủ quyền cũng như việc phát triển kinh tế biển; thông tin, tuyên truyền về việc ngư dân bám biển, phát triển kinh tế biển, vừa khai thác tiềm năng to lớn từ biển phục vụ cho “quốc kế, dân sinh”, vừa khẳng định, chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Liên quan các sự kiện, diễn biến trên biển Đông, báo chí đã đăng phát kịp thời phát ngôn của Bộ Ngoại giao, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam, thể hiện rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước đối với vấn đề này. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí đã tuyên truyền về các chính sách hậu phương quân đội; khích lệ, động viên cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, các lực lượng bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo; khuyến khích nhân dân định cư ổn định lâu dài trên đảo, làm ăn dài ngày trên biển; biểu dương ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân đối với biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Triển khai Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 20/5/2013 về việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền thực hiện Đề án tổng thể tuyên truyền bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông và Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 28/7/2018 phê duyệt Đề án tuyên truyền bảo vệ chủ quyền và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam giai đoạn 2018 - 2020, nhằm tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tiềm năng, thế mạnh của biển, đảo nước ta đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Bộ TTTT đã chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường thời lượng đưa tin, bài và xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo Việt Nam.Báo chí trong nước phản ánh đầy đủ, kịp thời các diễn biến liên quan đến Biển Đông, đấu tranh dư luận có hiệu quả về chủ quyền biển, đảo. Theo thống kê sơ bộ của Trung tâm dữ liệu truyền thông số quốc gia lượng tin, bài trên các báo, tạp chí điện tử thông tin liên quan biển đảo năm 2019 là 9.376 tin, bài. Các báo, đài đã xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo Việt Nam: chuyên mục "Biển Đảo" Đài Tiếng nói Việt Nam; chuyên mục: "Biên giới biển, đảo Việt Nam", "Ứng xử với biển Đông", Kinh tế biển" Truyền hình thông tấn; chuyên mục "Vì chủ quyền an ninh biển, đảo" Đài PTTH Quảng Trị; Tiêu điểm "Bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới" Tạp chí cộng sản; chuyên mục "Môi trường biển, đảo" Tạp chí Biển Việt Nam; chuyên mục "Biển đảo quê hương" Báo An Giang...
Bộ TTTT đã chủ động, kịp thời phối hợp với các bộ, ban, ngành và các địa phương chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí và hệ thống thông tin cơ sở tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp và người dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc, cụ thể:
- Tổ chức 130 cuộc Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu với chủ đề “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, 24 quân khu, quân đoàn, lực lượng cảnh sát biển, lực lượng hải quân, lực lượng cảnh vệ, lực lượng kiểm ngư, 05 đại học, học viện, trường đại học và 28 cuộc Triển lãm số “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại các trường trung học phổ thông của 10 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
- Tổ chức 03 cuộc Triển lãm ảnh, tư liệu với chủ đề “Việt Nam đất nước, con người - Nhìn từ biển, đảo” ở nước ngoài tại Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Séc và Liên bang Nga nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh quốc gia Việt Nam nói chung và biển, đảo Việt Nam nói riêng, đồng thời cung cấp thông tin, tuyên truyền tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế về những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo; góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của kiều bào ta ở nước ngoài, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.
- Năm 2019, Bộ TTTT phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố tổ chức Hội thi tuyên truyền về chủ quyền và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam tại 02 khu vực: khu vực đồng bằng Sông Cửu Long và các tỉnh lân cận, khu vực Miền núi phía Bắc và các tỉnh lân cận.
Bên cạnh đó, Bộ TTTT đã tổ chức 70 Hội nghị tập huấn tại 46 tỉnh, thành phố, 24 đơn vị lực lượng vũ trang và lực lượng kiểm ngư, đặc biệt trong đó là 10 Hội nghị tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức; chiến sỹ lực lượng vũ trang và người dân đang sinh sống, công tác, lao động sản xuất trên 10 huyện đảo nắm vững và thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo; chủ động đấu tranh phản bác thông tin, quan điểm sai trái, thù địch về chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
* Trong thời gian tới, Bộ TTTT tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo, tập trung vào các nhiệm vụ như sau:
- Bộ TTTT sẽ tiếp tục phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Ngoại giao chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí đẩy mạnh hơn nữa và thông tin kịp thời nhằm tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
- Tiếp tục triển khai các chiến lược, đề án, kế hoạch đã được phê duyệt như: Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 28/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tuyên truyền bảo vệ chủ quyền và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam giai đoạn 2018 - 2020”.
- Duy trì có hiệu quả các cơ chế phối hợp liên ngành nhằm kịp thời chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí duy trì liều lượng thông tin phù hợp với tình hình thực tế, rút ngắn thời gian và tăng hiệu quả phối hợp thông tin; phát huy mặt tích cực, hiệu quả của mạng xã hội trong thông tin, tuyên truyền về biển, đảo; phối hợp với Bộ Ngoại giao tăng số lượng tin, bài về Biển Đông đăng tải trên báo chí quốc tế.
- Tiếp tục duy trì các hình thức thông tin, tuyên truyền về biển, đảo như: Tổ chức triển lãm trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Tư liệu và sự thật lịch sử”; tổ chức Hội thi tuyên truyền lưu động tại hai khu vực: Khu vực Miền Trung Tây Nguyên và các tỉnh lân cận, khu vực đồng bằng Sông Hồng và các tỉnhlân cận;đặt hàng sản xuất tài liệu tuyên truyền quảng bá chủ quyền biển, hải đảo Việt Nam; tổ chức các hội thảo, tập huấn và khảo sát cho nhiều đối tượng, đặc biệt là đội ngũ phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí và tổ chức đoàn phóng viên tác nghiệp trên thực địa khi tình hình đặt ra yêu cầu.
- Tăng cường ứng dụng CNTT và hoạt động truyền thông quốc tế để tăng hiệu quả thông tin đối ngoại, trong đó chú trọng phát huy hiệu quả giám sát, theo dõi và phân tích thông tin của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Trên cơ sở đó, Bộ TTTT sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các Sở TTTT địa phương tận dụng ưu thế về công nghệ để dự báo và điều hướng thông tin về biển, đảo.
Trên đây là nội dung trả lời của Bộ TTTT đối với kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh để trả lời cử tri./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện - Ủy ban TVQH;
- Vụ QHĐP (VPCP);
- Tổng Thư ký Quốc hội;
- Bộ TTTT: Bộ trưởng và các Thứ trưởng;
Vụ BC; Thanh tra Bộ; các Cục: BC,
PTTH, TTĐN,TTCS; Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, VP.
|
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Mạnh Hùng
|