I. Lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại
Câu hỏi 1:
Hướng dẫn và phối hợp các địa phương thực hiện tốt công tác quản lý thông tin, nhất là thông tin trên mạng. Siết chặt việc đưa thông tin sai sự thật và thông tin gây phương hại đến an ninh quốc gia, an ninh chính trị và an toàn xã hội. (Quảng Ngãi)
Trả lời:
1. Công tác hướng dẫn và phối hợp với các địa phương thực hiện tốt công tác quản lý thông tin và thông tin trên mạng:
Trong thời gian qua, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, Bộ TTTT đã ban hành văn bản gửi các Sở TTTT tỉnh/thành phố, các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thông tin điện tử, hướng dẫn và yêu cầu tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành:
- Yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội chủ động rà soát toàn bộ hoạt động cung cấp dịch vụ của mình, nâng cao trách nhiệm quản lý thông tin trên mạng; trường hợp tự phát hiện hoặc nhận được phản ánh các nội dung vi phạm, cần triển khai thực hiện ngay quy trình xử lý thông tin vi phạm theo đúng quy định và báo cáo cơ quan chức năng có thẩm quyền.
- Đối với Sở TTTT các tỉnh, thành phố, đề nghị có cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin thường xuyên với các doanh nghiệp trên địa bàn nhằm cung cấp thông tin, hướng dẫn, nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời những biểu hiện vi phạm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp, các trang mạng xã hội có trụ sở hoạt động tại địa phương, kịp thời xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức họp giao ban định kỳ, đột xuất nhằm định hướng, chấn chỉnh kịp thời hoạt động của các mạng xã hội. Từ năm 2011 đến nay, Bộ đã chủ trì tổ chức các buổi giao ban định kỳ, đột xuất với các đơn vị chức năng của Bộ, các Sở TTTT và với một số doanh nghiệp hoạt động cung cấp trang thông tin điện tử tổng hợp, dịch vụ mạng xã hội trực tuyến có lượng người Việt Nam truy cập đông nhằm tìm hiểu, nắm bắt xu hướng phát triển của thị trường Internet cũng như cùng trao đổi, đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho các tổ chức, đơn vị Việt Nam có điều kiện phát huy khả năng, đủ sức cạnh tranh với nước ngoài, đồng thời định hướng, chấn chỉnh kịp thời hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp, trang mạng xã hội.
- Bộ đã tích cực, chủ động phối hợp với các Sở TTTT, đơn vị ngoài Bộ nhằm xử lý triệt để, kịp thời các hành vi vi phạm bằng các hình thức như: Tạm dừng/thu hồi tên miền được áp dụng ngay đối với các trường hợp cung cấp dịch vụ khi chưa có giấy phép, vi phạm nghiêm trọng về nội dung thông tin; xử phạt vi phạm hành chính; tước quyền sử dụng giấy phép/thu hồi giấy phép; chuyển cơ quan công an khi có dấu hiệu tội phạm.
Từ cơ chế phối hợp này, các Sở TTTT đã chủ động, phối hợp chặt chẽ để phát hiện và xử lý các trường hợp sai về trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội. Điển hình như Sở TTTT TP. Hà Nội trong vụ việc Sam Media...
Ngoài ra, Bộ cũng có cơ chế liên lạc nhanh với các Sở TTTT để chia sẻ, định hướng thông tin đối với những vấn đề nóng, xã hội quan tâm, để các Sở kịp thời nắm bắt và thông tin, hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp tại địa phương.
2. Siết chặt việc đưa thông tin sai sự thật và thông tin gây phương hại đến an ninh quốc gia, an ninh chính trị và an toàn xã hội:
Thông tin sai sự thật và thông tin gây phương hại đến an ninh quốc gia, an ninh chính trị và an toàn xã hội là những hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 9 Luật Báo chí ngày 05/4/2016; Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực báo chí, thông tin điện tử, Bộ TTTT thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về báo chí của các cơ quan báo chí, đặc biệt, các quy định liên quan nội dung thông tin và hoạt động báo chí; kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật đối với các cá nhân, tổ chức có hoạt động cung cấp và sử dụng thông tin trên Internet.
Trong trường hợp xác định các trang thông tin điện tử, mạng xã hội của các tổ chức, cá nhân trong nước cung cấp nội dung thông tin sai phạm, thì tuỳ theo mức độ, Bộ TTTT sẽ áp dụng hình thức xử lý kịp thời. Trường hợp vi phạm mức độ nhẹ thì nhắc nhở, rút kinh nghiệm, trường hợp vi phạm ở mức độ nặng có thể xem xét xử phạt vi phạm hành chính, thu hồi giấy phép (nếu có), thu hồi tên miền, hoặc có thể truy tố hình sự.
Ngoài ra, đối với thông tin vi phạm được cung cấp từ bên ngoài (trang tin từ nước ngoài, trên các dịch vụ phổ biến của nước ngoài cung cấp vào Việt Nam) thì việc phát hiện và xử lý khá phức tạp do những những trang tin có vi phạm chủ yếu đặt máy chủ ở nước ngoài, việc ngăn chặn chỉ có tác dụng ở thời điểm nhất định do các trang này thay đổi địa chỉ IP liên tục, khiến việc chặn kỹ thuật phải luôn luôn theo dõi, thay đổi, chưa kể việc chặn nhiều sẽ làm hạn chế tốc độ đường truyền. Những trường hợp này, Bộ TTTT vẫn phối hợp với Bộ Công an xử lý theo các quy định hiện hành tại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP.
Bộ TTTT cũng đã ban hành Thông tư số 38/2016/TT-BTTTT ngày 26/12/2016 quy định chi tiết việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới, trong đó quy định trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ qua biên giới vào Việt Nam trong việc phối hợp với cơ quan quản lý để loại bỏ nội dung thông tin vi phạm theo quy định. Trên cơ sở đó, trong thời gian qua, Bộ TTTT đã thiết lập được cơ chế phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nước ngoài như Google, Youtube, Facebook... để yêu cầu gỡ bỏ những nội dung vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam trên các dịch vụ nội dung trên và trên thực tế đã đạt được những kết quả nhất định.
Câu hỏi 2: Hướng dẫn về thẩm quyền cấp Giấy phép xuất bản bản tin theo Thông tư số 48/2016/TT-BTTTT ngày 26/12/2016 của Bộ TTTT và Quyết định số 02/QĐ-BTTTT ngày 05/01/2017 của Bộ trưởng Bộ TTTT. (Hưng Yên)
Trả lời:
Căn cứ Điều 34 Luật Báo chí 2016, Thông tư số 48/2016/TT-BTTTT ngày 26/12/2016 của Bộ TTTT quy định chi tiết và hướng dẫn việc cấp phép hoạt động báo in và báo điện tử, xuất bản thêm ấn phẩm, mở chuyên trang của báo điện tử, xuất bản phụ trương, xuất bản bản tin, xuất bản đặc san đã hướng dẫn thẩm quyền cấp giấy phép xuất bản bản tin, cụ thể: Các cơ quan, tổ chức của Trung ương, cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam gửi hồ sơ về Cục Báo chí - Bộ TTTT; các cơ quan, tổ chức ở tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương gửi hồ sơ về UBND cấp tỉnh để được cấp giấy phép xuất bản bản tin.
Câu hỏi 3: Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn công tác hoạt động thông tin đối ngoại và hoạt động của Ban Chỉ đạo các địa phương. Hỗ trợ địa phương trong việc triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại. (Hưng Yên)
Trả lời:
Bộ TTTTnhất trí về chủ trương và đề nghị Sở TTTT tỉnh Hưng Yên xây dựng kế hoạch tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ thông tin đối ngoại một cách cụ thể gửi Cục Thông tin đối ngoại - Bộ TTTT.
Đề nghị Sở TTTT tỉnh Hưng Yên phối hợp với Cục Thông tin đối ngoại (qua phòng Nghiệp vụ) xây dựng nội dung và thời gian làm việc dự kiến để Cục Thông tin đối ngoại hướng dẫn triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại năm 2017 trên địa bàn địa phương.
II. Lĩnh vực bưu chính
Câu hỏi 1: Nghiên cứu, xây dựng cơ chế hỗ trợ dịch vụ bưu chính, các Điểm Bưu điện Văn hóa xã để duy trì hoạt động kinh doanh và phục vụ công ích. (Sóc Trăng)
Trả lời:
1. Về việc nghiên cứu, đề xuất cơ chế quản lý, hỗ trợ đối với việc cung ứng dịch vụ bưu chính công ích (BCCI)
Việc cung ứng dịch vụ BCCI là nhiệm vụ được Nhà nước giao cho Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thực hiện. Sau giai đoạn 2008-2013, Nhà nước chấm dứt cơ chế hỗ trợ bằng tiền, tuy nhiên để doanh nghiệp tiếp tục thực hiện được tốt nghĩa vụ này, đáp ứng nhu cầu thông tin bưu chính tối thiểu của người dân, Nhà nước đã có những cơ chế hỗ trợ khác cho VNPost thông qua các cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của từng giai đoạn (ưu đãi về thuế, chính sách sử dụng đất đai...). Cụ thể:
- Ngày 24/9/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 45/2015/QĐ-TTg quy định về cung ứng dịch vụ công ích và dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí. Trên cơ sở Quyết định này, ngày 31/8/2016, Bộ TTTT đã ban hành Thông tư số 20/2016/TT-BTTTT hướng dẫn chi tiết thi hành Quyết định nói trên. Có thể nói, đây là văn bản pháp lý quan trọng, làm cơ sở cho hoạt động cung ứng sản phẩm, dịch vụ bưu chính công ích của doanh nghiệp.
- Ngoài ra, để doanh nghiệp tận dụng tối đa năng lực mạng lưới sẵn có, ngày 19/10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg quy định về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Đây là một sở cứ pháp lý quan trọng giúp cho doanh nghiệp chính thức được tham gia vào các công đoạn như tiếp nhận, phát trả các hồ sơ, thủ tục hành chính công của các cơ quan quản lý Nhà nước, mang lại hiệu quả hoạt động thiết thực cho doanh nghiệp.
2. Về các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các điểm Bưu điện Văn hóa xã (BĐ-VHX):
- Điểm BĐ-VHX là mô hình điểm phục vụ bưu chính đặc biệt thuộc mạng bưu chính công cộng (mạng này được Nhà nước giao cho VNPost khai thác và quản lý). Ngoài việc là nơi cung ứng các dịch vụ bưu chính, viễn thông, điểm BĐ-VHX còn là nơi triển khai các chương trình, đề án, dự án đưa thông tin, truyền thông về nông thôn, phục vụ nhu cầu đọc sách, báo của người dân.
- Ngày 02/8/2013, Bộ TTTT đã ban hành Thông tư số 17/2013/TT-BTTTT quy định về hoạt động của điểm BĐ-VHX, theo đó, giải pháp chính hiện nay để nâng cao hiệu quả hoạt động của điểm BĐ-VHX là đưa các chương trình, dự án về triển khai tại điểm BĐ-VHX.
+ Trong thời gian qua, một số Chương trình, dự án cấp quốc gia đã được triển khai tại các điểm này, như: Dự án "Nâng cao năng lực sử dụng máy tính và truy cập Internet công cộng tại Việt Nam" của quỹ BMGF; Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở; Chương trình phối hợp liên ngành giữa Bộ TTTT và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ đọc sách báo; Chương trình viễn thông công ích.
+ Ngoài ra, một số Sở TTTT (Bình Dương, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Đồng Nai…) đã chủ động xây dựng các đề án hỗ trợ để nâng cao hiệu quả hoạt động của các điểm BĐ-VHX gắn với việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới từ nguồn ngân sách địa phương và đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Do vậy, với mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của điểm BĐ-VHX, bên cạnh việc Bộ TTTT tiếp tục phối hợp với các Bộ, ban, ngành nghiên cứu, tìm kiếm các Chương trình, dự án để triển khai tại các điểm BĐ-VHX thì việc Sở TTTT các tỉnh/thành phố chủ động phối hợp với các Sở, ban ngành tại địa phương và Bưu điện tỉnh/thành phố để xây dựng các đề án hỗ trợ cho hoạt động tại các điểm này bằng nguồn vốn ngân sách địa phương cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh địa phương mình là rất cần thiết.
Câu hỏi 2: Phối hợp cùng Bộ Giao thông vận tải ban hành văn bản hướng dẫn quản lý đối với các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách có nhận chuyển tiền, tài liệu, kiện hàng,... (Đồng Tháp)
Trả lời:
Theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hiện hành, doanh nghiệp được kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm nếu đáp ứng các điều kiện theo yêu cầu của pháp luật có liên quan (kinh doanh đa ngành đa nghề). Do đó, doanh nghiệp vận chuyển hành khách nếu đăng ký kinh doanh ngành nghề bưu chính có mong muốn tham gia thị trường cung ứng dịch vụ bưu chính (thư, gói kiện hàng hóa) để tận dụng hạ tầng và mạng lưới thì phải thực hiện thủ tục đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính cấp giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính.
Trường hợp phát hiện doanh nghiệp vận chuyển hành khách có nhận, chuyển phát thư, gói kiện hàng hóa không có giấy phép bưu chính hoặc văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính thì Sở TTTT có trách nhiệm:
+ Nhắc nhở, yêu cầu doanh nghiệp khẩn trương thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép bưu chính (nếu cung ứng dịch vụ thư quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Bưu chính) và văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính (nếu tiến hành các hoạt động bưu chính quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều 25 Luật Bưu chính) để được kinh doanh dịch vụ bưu chính một cách hợp pháp.
+ Tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cung ứng dịch vụ bưu chính không có giấy phép/văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính quy định tại điểm a khoản 3 Điều 3 và điểm a khoản 3 Điều 4 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, trong trường hợp doanh nghiệp cố tình vi phạm dù đã được cơ quan quản lý nhắc nhở/yêu cầu nhiều lần.
Riêng các dịch vụ không phải dịch vụ bưu chính như chuyển tiền, thu hộ, chi hộ,…không thuộc phạm vi quản lý của Bộ TTTT mà thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước. Dựa trên tình hình phát triển của thị trường tài chính, Ngân hàng Nhà nước sẽ quyết định cụ thể các đối tượng, lĩnh vực cần cấp phép hoặc không cần cấp phép (hiện nay, Ngân hàng Nhà nước cũng không có quy định quản lý về hoạt động này).
Câu hỏi 3: Chỉ đạo Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam lập quy hoạch lại các điểm Bưu điện - Văn hóa xã (BĐ-VHX). (Đồng Tháp)
Trả lời:
Điểm BĐ-VHX là mô hình điểm phục vụ bưu chính đặc biệt thuộc mạng bưu chính công cộng, được Nhà nước giao cho Tổng công ty Bưu điện Việt Nam khai thác và quản lý. Để tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống điểm BĐ-VHX, ngày 24/9/2013, Bộ TTTT đã có Công văn số 2801/BTTTT-BC chỉ đạo Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thực hiện tổng rà soát, quy hoạch hệ thống điểm BĐ-VHX trên toàn quốc; Đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, có chính sách đầu tư kinh doanh, đào tạo cũng như xây dựng chế độ đãi ngộ thích hợp cho người lao động tại các điểm BĐ-VHX.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ TTTT, ngày 08/3/2014, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã có Chỉ thị số 03/CT-BĐVN về việc triển khai chiến dịch đổi mới hoạt động tại điểm BĐ-VHX trên toàn quốc.
Theo đó, đến nay, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã rà soát và cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng 5.628 điểm BĐ-VHX (chiếm hơn 70% tổng số điểm BĐ-VHX trên toàn quốc) với tổng số vốn đầu tư hơn 140 tỷ đồng. Triển khai mô hình kinh doanh đa dịch vụ tại 3.681 điểm BĐ-VHX (số liệu tính đến 6/2017) nhằm tăng doanh thu, giảm bù lỗ cho loại hình điểm phục vụ này. Tăng cường công tác đào tạo, kỹ năng bán hàng cho nhân viên làm việc tại điểm BĐ-VHX. 100% nhân viên được trang bị đồng phục theo nhận diện thương hiệu; ngoài thù lao cố định, nhân viên tại các điểm BĐ-VHX được hưởng % hoa hồng cung cấp các sản phẩm dịch vụ. Cho đến thời điểm này, thù lao bình quân đạt: 2,3 triệu đồng/người/tháng. Nhiều điểm thu nhập của nhân viên đạt từ 7-10 triệu đồng/tháng từ việc tham gia phát triển dịch vụ.
Từ 01/01/2015, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã hỗ trợ 50% chi phí đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho nhân viên điểm BĐ-VHX.
III. Lĩnh vực viễn thông, internet, tần số vô tuyến điện
Câu hỏi 1: Ban hành văn bản hướng dẫn quản lý sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động. (Đồng Tháp)
Trả lời:
Hiện nay, các nguyên tắc quản lý, sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật liên ngành và sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông đã được quy định tại Luật Viễn thông, Nghị định số 25/2011/NĐ-CP, Nghị định số 72/2012/NĐ-CP và các văn bản có liên quan. Ngoài ra, việc dùng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông giữa các doanh nghiệp viễn thông phụ thuộc rất nhiều vào chiến lược, kế hoạch phát triển, các dự án đã và sẽ đầu tư của từng doanh nghiệp, do vậy thường được thực hiện dựa trên cơ sở thỏa thuận thương mại giữa các doanh nghiệp viễn thông.
Ngày 21/6/2013, Bộ TTTT đã ban hành Thông tư số 14/2013/TT-BTTTT hướng dẫn lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương (gọi tắt là Thông tư 14/2013). Thông tư 14/2013 giao Sở TTTT các tỉnh/thành phố chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thẩm định và trình UBND tỉnh/thành phố phê duyệt quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương của các doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng mạng. Căn cứ quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của UBND đã được phê duyệt và yêu cầu thực tế của công tác quản lý nhà nước tại địa phương, trong quá trình xem xét, thẩm định quy hoạch của các doanh nghiệp, Sở TTTT có thể yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông xây dựng, sử dụng chung hạ tầng viễn thông thụ động (ví dụ như nếu trên cùng một tuyến đường/phố, các doanh nghiệp đều đề xuất xây dựng công trình ngầm để lắp đặt cáp viễn thông thì trong quá trình thẩm định, Sở có thể yêu cầu các doanh nghiệp hợp tác, xây dựng một tuyến chung để cùng chia sẻ, sử dụng chung,…).
Bộ TTTT ghi nhận đề xuất của Quý Sở trong quá trình nghiên cứu, hướng dẫn chi tiết việc chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông theo Điều 45 Luật Viễn thông.
Câu hỏi 2: Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ tăng cường công tác quản lý đối với thuê bao di động trả trước, tin nhắn rác, lừa đảo qua mạng. (Đồng Tháp)
Trả lời:
Nhằm tăng cường công tác quản lý thuê bao di động trả trước, hạn chế tình trạng tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, trong thời gian qua, Bộ TTTT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ phối hợp với các Sở TTTT, các doanh nghiệp viễn thông nghiên cứu, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp về quản lý, kinh tế, kỹ thuật, cụ thể như:
- Bộ TTTT đã trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định số 49/2017/NĐ-CP ngày 24/4/2017 về việc sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06/4/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông và Điều 30 của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện nhằm tăng cường quản lý thông tin thuê bao.
- Ngày 28/10/2016, năm doanh nghiệp viễn thông di động (VNPT, Viettel, MobiFone, Gmobile, Vietnamobile) đã ký kết Bản cam kết với Bộ TTTT về việc thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên kênh phân phối. Hiện nay, dưới sự kiểm tra, giám sát của Đoàn kiểm tra, giám sát của Bộ TTTT (đại diện Lãnh đạo, chuyên viên các đơn vị Bộ TTTT; Cục An ninh Văn hóa, Thông tin, Truyền thông - Bộ Công an), các doanh nghiệp viễn thông di động đang tiếp tục khẩn trương triển khai việc rà soát, thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên kênh phân phối theo các quy định của pháp luật và nội dung bản cam kết. Đồng thời, ngày 11/5/2017, 05 doanh nghiệp viễn thông di động cũng đã thống nhất ký Bản cam kết phối hợp, tăng cường ngăn chặn tin nhắn rác (thời gian triển khai bản cam kết là từ ngày 1/7/2017).
- Bộ cũng đã có công văn đôn đốc, yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo trên mạng viễn thông di động góp phần đảm bảo thành công cho các sự kiện lớn của đất nước. Ngoài ra, các đơn vị thuộc Bộ cũng chủ động theo dõi và cập nhật tình hình tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo để đảm bảo tính khách quan và kịp thời trong công tác điều phối, xử lý tình huống khi cần thiết, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quảng cáo, cung cấp dịch vụ nội dung thông tin.
Các biện pháp này đã góp phần làm giảm đáng kể tình trạng tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ của xã hội.
Trong thời gian tới, để tiếp tục tăng cường công tác quản lý thuê bao di động trả trước, hạn chế tin nhắn rác, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan, các Sở TTTT nghiên cứu, triển khai các biện pháp cần thiết khác.
Câu hỏi 3: Bộ TTTT tiếp tục chỉ đạo các Sở TTTT trên toàn quốc triển khai thanh tra, kiểm tra diện rộng về công tác quản lý thuê bao di động trả trước. (Tây Ninh)
Trả lời:
Theo Quyết định số 2096/QĐ-BTTTT ngày 25/11/2016 của Bộ trưởng Bộ TTTT, trong quý III/2017, Bộ TTTT sẽ chỉ đạo các Sở TTTT tiến hành thanh tra diện rộng trên toàn quốc về công tác quản lý thuê bao di động trả trước. Công tác quản lý thuê bao di động trả trước hiện nay được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 49/2017/NĐ-CP ngày 24/4/2017. Do Nghị định mới có hiệu lực và đang trong thời gian chuyển tiếp (03 tháng chuẩn bị tính từ thời điểm Nghị định có hiệu lực khoản 1 Điều 4) nên hiện nay, Bộ TTTT (Thanh tra Bộ) đang tiến hành công tác chuẩn bị về hồ sơ, tài liệu và dự kiến cuối quý III/2017 sẽ tiến hành chỉ đạo thanh tra diện rộng về quản lý thuê bao di động trả trước trên toàn quốc.
IV. Lĩnh vực Công nghệ thông tin
Câu hỏi 1: Sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 102/2009/NĐ-CP để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng và triển khai thực hiện các dự án đầu tư về ứng dụng công nghệ thông tin. (Đồng Tháp)
Trả lời:
Thời gian qua, Bộ TTTT đã tích cực nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị định của các bộ, ngành, địa phương, hội, hiệp hội liên quan gửi về. Bộ TTTT cũng đã liên tục hoàn chỉnh, cập nhật dự thảo Nghị định gửi Văn phòng Chính phủ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành. Gần đây nhất, ngày 12/5/2017, Bộ TTTT đã gửi Văn phòng Chính phủ hồ sơ dự thảo Nghị định để cho ý kiến về nội dung. Thời gian tới, Bộ TTTT sẽ tiếp tục bám sát và thúc đẩy các cơ quan liên quan để sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định.
Câu hỏi 2: Phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định mục chi về ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống mục lục ngân sách nhà nước (NSNN). (Đồng Tháp)
Trả lời:
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 324/2016/TT-BTC ngày 21/12/2016 quy định hệ thống mục lục NSNN (thay thế Quyết định số 33/2008/QĐ-BTC) có hiệu lực thi hành từ ngày 04/02/2017. Từ năm ngân sách 2018 trở đi, thực hiện thống nhất theo quy định tại Thông tư này. Theo đó, quy định liên quan đến lĩnh vực CNTT cụ thể như sau :
+ Bố trí lĩnh vực chi: Khoản 314 (Khoản 314 được sử dụng để phản ánh trực tiếp bố trí cho lĩnh vực hoạt động CNTT).
+ Bố trí nội dung chi: Các tiểu mục 6912, 6956, 7053, 7054, 9356. Các tiểu mục này dùng để phản ánh các khoản chi sửa chữa, mua sắm, bảo trì, đầu tư để mua sắm các sản phẩm CNTT phục vụ hoạt động của các cơ quan, đơn vị.
Trong nhiều lần làm việc với Bộ Tài chính, Bộ TTTT đã kiến nghị về nội dung quy định mục chi về ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống mục lục NSNN, tuy nhiên Bộ Tài chính có ý kiến chưa thống nhất vì cho rằng hệ thống mục lục ngân sách nhà nước hiện nay đã đầy đủ, không cần bổ sung mục chi về ứng dụng về ứng dụng công nghệ thông tin.
Câu hỏi 3: Sớm có ý kiến về Kiến trúc chính quyền điện tử của tỉnh để địa phương triển khai thực hiện. (Đồng Tháp)
Trả lời:
Ngày 22/5/2017, Bộ TTTT nhận được Công văn số 165/STTTT-CNTT ngày 15/5/2017 của Sở TTTT Đồng Tháp về việc đề nghị thẩm định Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Đồng Tháp. Trên cơ sở các tài liệu Kiến trúc gửi kèm theo văn bản, Bộ TTTT đã tổ chức nghiên cứu, thẩm định cho ý kiến. Ngày 22/6/2017, Bộ TTTT đã có văn bản thẩm định số 425/THH-KH gửi Sở để cho ý kiến thẩm định đối với Dự thảo Kiến trúc CQĐT tỉnh Đồng Tháp.
Câu hỏi 4: Phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương trong việc xây dựng và triển khai các phần mềm dùng chung từ Trung ương đến địa phương nhằm tránh lãng phí trong đầu tư và đảm bảo chia sẻ dữ liệu giữa các ngành, các cấp. (Đồng Tháp)
Trả lời:
Căn cứ quy định tại Thông tư số 25/2014/TT-BTTTT ngày 30/12/2014, để tạo thuận lợi cho các bộ, ngành, địa phương kịp thời nắm bắt thông tin, chủ động đề xuất việc triển khai các nội dung ứng dụng CNTT tại cơ quan, địa phương mình được phù hợp, đồng bộ với các cơ quan Trung ương, ngày 31/5/2017, Bộ TTTT đã công bố danh mục 103 HTTT do các bộ, ngành triển khai trên cơ sở tổng hợp, cập nhật từ báo cáo của các bộ, ngành. Danh mục này đã được Bộ TTTT thông báo tới các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị chuyên trách CNTT của các bộ, ngành, địa phương tại văn bản số 1897/BTTTT-THH ngày 31/5/2017. Mặt khác, để đảm bảo việc kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, Bộ đã xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực công nghệ thông tin như Quy chuẩn Việt Nam số 102-2016 về "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc mã định danh và định dạng dữ liệu gói tin phục vụ kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành" tại Thông tư số 10/2016/TT-BTTTT ngày 01/4/2016; Thông tư số 02/2017/TT-BTTTT ngày 04/4/2017 của Bộ TTTT ban hành "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc thông điệp dữ liệu công dân trao đổi với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư"... Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng, ban hành các văn bản về chuẩn CNTT, đồng thời đôn đốc các bộ, ngành Trung ương xây dựng và triển khai Kiến trúc Chính phủ điện tử của cơ quan mình phù hợp với Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, làm cơ sở triển khai xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành bảo đảm kết nối, chia sẻ thông tin dữ liệu.
Câu hỏi 5: Đề nghị các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức, công dân, có cơ chế khuyến khích, tạo niềm tin hơn đối với tổ chức, công dân trong việc khai thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, đề nghị lãnh đạo các cơ quan quan tâm chỉ đạo quyết liệt đội ngũ CBCC để tạo thêm niềm tin và sự tận tâm phục vụ trong việc giải quyết thủ tục hành chính qua mạng. (Cần Thơ)
Trả lời:
Bộ TTTT đang xây dựng Đề án nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của các cơ quan nhà nước. Sau khi Đề án được triển khai sẽ giải quyết được vấn đề không chỉ của riêng địa phương mà của cả các cơ quan nhà nước khác có cung cấp DVCTT.
Câu hỏi 6: Nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ ban hành cơ chế quy định hệ thống đơn vị và công chức chuyên trách hoặc phụ trách công nghệ thông tin trong các cơ quan hành chính nhà nước trên toàn quốc, nhằm xây dựng nguồn nhân lực công nghệ thông tin đủ năng lực triển khai chính quyền điện tử thao chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ. (Sóc Trăng)
Trả lời:
Nhằm xây dựng và thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin đủ năng lực triển khai chính quyền điện tử, Bộ TTTT đang nghiên cứu xây dựng đề xuất chung để trình Chính phủ các chính sách thu hút nhân lực, chế độ, ưu đãi chung dành cho công chức, viên chức về công nghệ thông tin, bao gồm các chế độ về tuyển dụng, phụ cấp nghề nghiệp và một số ưu đãi khác cho đối tượng công chức làm quản lý nhà nước về công nghệ thông tin và các viên chức làm kỹ thuật về công nghệ thông tin.
Trong thời gian Chính phủ xây dựng Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ TTTT sẽ tham gia để làm rõ vai trò của Sở TTTT. Đồng thời sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan xây dựng Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở TTTT thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phòng Văn hóa thông tin thuộc UBND cấp huyện.
Câu hỏi 7: Tham mưu cho Chính phủ có cơ chế hỗ trợ kinh phí ứng dụng công nghệ thông tin cho các tỉnh; đặc biệt là đối với các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn như Sóc Trăng, để giúp tỉnh thực hiện được các mục tiêu theo định hướng chung về ứng dụng công nghệ thông tin của Chính phủ và của Bộ TTTT, đặc biệt là Chính phủ điện tử. (Sóc Trăng, Đắk Nông, Hưng Yên)
Trả lời:
Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện thì nhiệm vụ chi ứng dụng công nghệ thông tin của các tỉnh do ngân sách địa phương đảm bảo.
Chương trình mục tiêu công nghệ thông tin (Chương trình) đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương tại Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26/8/2016. Để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, Bộ TTTT đã hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trong đó đề xuất hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương. Đối với tỉnh Sóc Trăng, Bộ TTTT đã đề xuất dự án "Xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2016-2020" với tổng mức đầu tư là 45 tỷ đồng, trong đó Ngân sách Trung ương hỗ trợ 27 tỷ đồng và địa phương phải đối ứng là 18 tỷ đồng. Đối với tỉnh Đắk Nông, Bộ TTTT đã đề xuất dự án "Xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2016-2020" với tổng mức đầu tư là 80 tỷ đồng, trong đó Ngân sách Trung ương hỗ trợ 27 tỷ đồng và địa phương phải đối ứng là 53 tỷ đồng. Đối với tỉnh Hưng Yên, Bộ TTTT đã đề xuất dự án "Trung tâm tích hợp dữ liệu và đảm bảo kết nối các hệ thống công nghệ thông tin tỉnh Hưng Yên" với tổng mức đầu tư là 45,1 tỷ đồng, trong đó Ngân sách Trung ương hỗ trợ 27 tỷ đồng và địa phương phải đối ứng là 18,1 tỷ đồng.
Câu hỏi 8: Cần có cơ chế, quy định cán bộ, công chức phụ trách công nghệ thông tin ở các Sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện và cấp xã để triển khai thành công Chính quyền điện tử theo chỉ đạo Trung ương Đảng và Chính phủ. (Sóc Trăng)
Trả lời:
Bộ TTTT đang chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức công nghệ thông tin thuộc chuyên ngành TTTT. Thông tư sẽ ban hành hệ thống chức danh và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức công nghệ thông tin, các đơn vị sự nghiệp nói chung và các đơn vị sự nghiệp công nghệ thông tin nói riêng, tạo thuận lợi trong việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức công nghệ thông tin.
Mặt khác, khoản 3, Điều 23 Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước đã quy định: “Khuyến khích các cơ quan nhà nước ban hành quy định ưu đãi về thu nhập cho nhân lực công nghệ thông tin trong cơ quan mình; quy định về tiêu chuẩn, trách nhiệm, quyền lợi, yêu cầu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức đối với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc của mình”. Căn cứ quy định này, các địa phương đã có sở cứ để ban hành chính sách, quy định về cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn địa phương mình. Thực tế, trong thời gian qua, một số địa phương như: Nghệ An, Đồng Nai, Đắk Nông, Bình Dương… đã chủ động ban hành quy định, quy chế về tiêu chuẩn chuyên môn, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước tại các địa phương này, tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin. Để đảm bảo nguồn nhân lực cho việc triển khai các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, Sở TTTT các địa phương cần chủ động báo cáo, đề xuất UBND tỉnh ban hành các quy định, quy chế cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin của tỉnh.
Câu hỏi 9: Hỗ trợ địa phương thực hiện kết nối, liên thông các HTTT từ trung ương tới địa phương theo mô hình Khung Chính phủ điện tử Việt Nam. (Hưng Yên)
Trả lời:
Bộ TTTT đang hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định các yêu cầu kỹ thuật về kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia, trong đó bao gồm nguyên tắc, yêu cầu kỹ thuật, tài liệu kỹ thuật, cấu trúc dữ liệu trao đổi phục vụ kết nối và trách nhiệm của các bên liên quan thực hiện kết nối. Bên cạnh đó, Bộ TTTT đang triển khai Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 1.0, sẽ hỗ trợ các địa phương kết nối với các hệ thống ở Trung ương phục vụ các yêu cầu nghiệp vụ cụ thể. Do đó, để được hỗ trợ, đề nghị Sở TTTT liên hệ với Bộ TTTT (Cục Tin học hoá) để có phương án hỗ trợ phù hợp với yêu cầu cụ thể của địa phương.
Câu hỏi 10: Tăng cường đào tạo chuyên sâu CNTT cho cán bộ chuyên trách về CNTT các tỉnh, thành phố, nhất là đào tạo về an toàn, bảo mật thông tin. Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về an toàn, an ninh thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị. Tham mưu đề xuất Chính phủ ban hành chính sách ưu đãi, thu hút chuyên gia giỏi về CNTT phục vụ trong cơ quan nhà nước. (Hưng Yên, Quảng Nam)
Trả lời:
1 - Về nội dung đào tạo chuyên sâu CNTT: Thực hiện Quyết định số 99/QĐ-TTg ngày 14/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là Đề án 99), năm 2015, Bộ TTTT đã tổ chức thí điểm 05 khóa đào tạo cơ bản, chuyên sâu cho cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật của các bộ, ban, ngành, Sở TTTT theo chương trình trong nước và quốc tế về an toàn thông tin. Năm 2016, Bộ đã chính thức tổ chức 23 khóa tại 3 khu vực Bắc - Trung - Nam thuộc Đề án 99. Tiếp theo, năm 2017, Bộ TTTT sẽ tiếp tục tổ chức 19 khóa đào tạo ngắn hạn về an toàn thông tin tại 03 miền Bắc - Trung - Nam và thí điểm 02 khóa đào tạo trực tuyến Elearing thuộc Đề án 99. Ngoài các nội dung theo chương trình trong nước và quốc tế, năm nay sẽ có các khóa với các tình huống và nội dung cụ thể về các hình thức tấn công mạng nhằm hướng dẫn học viên quy trình, thao tác xử lý trực tiếp để triển khai tại đơn vị.
Vì vậy, đề nghị các Sở TTTT cử đúng đối tượng cần được đào tạo và tạo điều kiện tối đa cho các cán bộ tham gia nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng về đảm bảo an toàn thông tin.
Bên cạnh đó, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam thuộc Bộ TTTT cũng triển khai các chương trình và các khoá đào tạo sau: Các khoá đào tạo từ cơ bản đến chuyên sâu cho cán bộ là quản trị mạng, hệ thống, website/cổng thông tin điện tử, thành viên đội ứng cứu sự cố thuộc các Bộ, ban, ngành, tỉnh/thành phố…; các khoá đào tạo dành cho cán bộ quản lý về công nghệ thông tin, an toàn thông tin; các chương trình, khoá đào tạo nâng cao nhận thức cho người sử dụng. Bộ sẵn sàng tổ chức, hỗ trợ các chương trình và các khoá đào tạo về an toàn thông tin. Các Sở, đơn vị có nhu cầu đào tạo xin liên hệ với phòng Tư vấn Đào tạo, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam. Điện thoại: 0243.6404424.
2 - Về nội dung tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về an toàn thông tin theo Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 19/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 893), Bộ TTTT đã xây dựng kế hoạch triển khai năm 2017. Cụ thể:
Theo Quyết định số 851/QĐ-BTTTT ngày 05/6/2017 phê duyệt Kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn thông tin năm 2017, Bộ TTTT triển khai các nhiệm vụ chính sau:
+ Xuất bản Báo cáo về an toàn thông tin năm 2016;
+ Xuất bản Bản tin an toàn thông tin tháng;
+ Xuất bản Cẩm nang an toàn thông tin cho cán bộ công chức, viên chức năm 2017;
+ Tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức về an toàn thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng;
+ Tổ chức khảo sát về nhận thức và hiện trạng an toàn thông tin tại Việt Nam; Tổ chức Hội nghị nâng cao nhận thức về an toàn thông tin.
V. Các lĩnh vực khác
Câu hỏi 1: Bộ TTTT sớm ban hành quy định lệ phí cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng. (Tây Ninh)
Trả lời:
Hiện nay, Luật Phí và lệ phí đã được Quốc hội ban hành (năm 2015). Tuy nhiên, Luật Phí và lệ phí không quy định về danh mục Lệ phí cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng. Vì vậy, đề nghị các địa phương căn cứ theo quy định của Luật Phí và lệ phí để thực hiện cho phù hợp.