Đánh giá cấp độ dịch theo địa bàn quận, huyện, toàn TPHCM có 9 địa bàn đạt cấp 1 - vùng xanh, gồm: TP Thủ Đức, Quận Gò Vấp, Tân Bình, Quận 1, Quận 7, Quận 8, Quận 10, huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi.
Chỉ còn 1 địa bàn đạt cấp 3 - vùng cam là quận Bình Tân.
Đánh giá cấp độ dịch địa bàn xã/phường/thị trấn, toàn TPHCM có 312 xã/phường/thị trấn, trong đó 199 địa bàn đạt cấp 1; 96 địa bàn đạt cấp 2 và 17 địa bàn đạt cấp 3.
Chính quyền TPHCM đề nghị các sở ngành, địa phương căn cứ mức độ dịch được công bố để triển khai các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong lĩnh vực và trên địa bàn phụ trách.
Về kết quả thực hiện các tiêu chí đánh giá cấp độ dịch toàn Thành phố, hiện chỉ còn tiêu chí 1 chưa đạt. Đó là tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 người/tuần.
Cụ thể, số ca mắc mới trong tuần đánh giá (từ 15-21/10/2021): 6.635 ca. Ở tuần trước đó là 6.815 ca. Dân số trên địa bàn TPHCM tính đến ngày 2/10/2021 là 9.145.000 người (theo số liệu từ Sở TT&TT).
Như vậy tổng số ca mắc mới trong cộng đồng/100.000 người/tuần trên địa bàn Thành phố là: (6.635 + 6.815)/(2 x 9.145.000) x 100.000 = 73,5. Do đó, tiêu chí 1 đạt mức độ 3 ( từ 50 đến <150 ca).
Tiêu chí 2, độ bao phủ vaccine (tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiệm ít nhất 1 liều vaccine phòng COVID-19). Tính đến ngày 21/10/2021, tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vaccine trên địa bàn Thành phố đạt 99,03% (đạt mức trên 70%); tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vaccine là 91,8%, tương đương trên 80%, tính trên tổng dân số.
Tiêu chí 3, bảo đảm khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo các tuyến.
Thành phố đã có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị và kế hoạch bảo đảm số giường hồi sức cấp cứu (ICU) tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc tỉnh, thành phố (bao gồm cả y tế tư nhân) sẵn sàng đáp ứng tình hình dịch ở cấp độ 4.
Các quận, huyện và TP. Thủ Đức xây dựng kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng và có kế hoạch cung cấp oxy y tế cho các trạm y tế xã, phường, thị trấn để đáp ứng khi có dịch xảy ra.