Cụ thể, để thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch hiệu quả, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành khai thác dữ liệu, tích hợp mã QR với các thông tin về tiêm vaccine, xét nghiệm, F0 hồi phục trên ứng dụng “Y tế HCM.”
Về việc triển khai ứng dụng “PC-COVID” tại Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, dữ liệu ứng dụng “Y tế HCM” sẽ được đồng bộ vào ứng dụng “PC-COVID” để người dùng không cần khai báo lại từ đầu theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đồng thời, ứng dụng “Y tế HCM” sẽ được tích hợp thành một tiện ích trong ứng dụng “PC-COVID.”
Về sử dụng ứng dụng “Y tế HCM,” hiện Thành phố Hồ Chí Minh đã liên thông, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia thông qua Nền tảng kết nối chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) và Thành phố (HCM LGSP), phát triển Kho dữ liệu dùng chung của Thành phố với dữ liệu lớn (big data) về mã QR cá nhân, mã QR địa điểm, khai báo y tế điện tử, tiêm vaccine, thông tin về F0 đã hồi phục.
Đồng thời, phát triển dữ liệu mở (open data) để chia sẻ cho doanh nghiệp khai thác phục vụ công tác phòng, chống dịch trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đối với người dân, “Mã QR cá nhân” là mã QR thống nhất trên toàn quốc theo Quyết định của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành hướng dẫn về các yêu cầu kỹ thuật đối với phân hệ hiển thị mã QR cá nhân thuộc các nền tảng, ứng dụng phòng, chống dịch COVID-19.
Người dân sử dụng “Mã QR cá nhân” trên điện thoại thông minh, thực hiện “Quét mã QR” tại các điểm đến như đi chợ, mua sắm hàng hóa, khám chữa bệnh, vận chuyển hàng hóa, tham gia lưu thông.
Trong trường hợp không có điện thoại di động, người dân mang theo mã QR cá nhân được in bằng giấy hoặc bằng nhựa tùy theo điều kiện để thực hiện “Quét mã QR.”
Ngoài mã QR cá nhân, người dân không cần thêm bất kỳ giấy tờ nào khác cho việc “Quét mã QR.” Sử dụng “Mã QR cá nhân” để biết các thông tin liên quan cá nhân nhu tiêm chủng, xét nghiệm, yếu tố dịch tễ.
Để sử dụng “Mã QR cá nhân,” người dân truy cập bằng điện thoại thông minh, sử dụng ứng dụng “Y tế HCM,” chọn chức năng “Thông tin của tôi” để sử dụng “Mã QR cá nhân” được tích hợp thông tin về tiêm vaccine và thông tin về F0 khỏi bệnh (nếu có).
Trường hợp người dân là F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày hoặc đã tiêm chủng (ít nhất 1 mũi đối với loại vaccine tiêm 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm), “Mã QR cá nhân” có màu xanh.
Trường hợp người dân chưa tiêm vaccine, hoặc đã tiêm 1 mũi nhưng chưa đủ 14 ngày, hoặc hệ thống chưa có dữ liệu tiêm vaccine, “Mã QR cá nhân” có màu đen.
Nếu truy cập bằng internet (không có điện thoại thông minh), người dân truy cập vào địa chỉ https://antoan-covid.tphcm.gov.vn thực hiện đăng ký để nhận mã QR cá nhân qua tin nhắn hoặc in mã QR cá nhân trong trường hợp chưa có “Mã QR cá nhân” được cấp từ ứng dụng “Y tế HCM.”
Trong trường hợp người dân không truy cập Internet, có thể liên hệ Ủy ban Nhân dân phường, xã, thị trấn để được hỗ trợ tạo và in mã QR cá nhân.
Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp kiểm tra được thông tin của nhân viên, khách; kiểm tra được danh sách, thông tin tiêm chủng, xét nghiệm, yếu tố dịch tễ của nhân viên, khách đến liên hệ công tác, giao dịch.
Cùng với đó, các đơn vị tự đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch COVID-19 tại doanh nghiệp theo các Bộ tiêu chí do Thành phố ban hành; trong thời gian tới, được chia sẻ dữ liệu phòng, chống dịch COVID-19 liên quan đến đơn vị để phục vụ hoạt động, sản xuất, kinh doanh an toàn.
Để sử dụng, các đơn vị truy cập địa chỉ https://antoan-covid.tphcm.gov.vn để đăng ký và được cấp “Mã QR đơn vị” và “tài khoản” quản trị ứng dụng hỗ trợ các hoạt động phục vụ hoạt động, sản xuất, kinh doanh an toàn trong trường hợp chưa có “Mã QR đơn vị” được cấp từ ứng dụng “Y tế HCM.” Sau khi đăng nhập, tiến hành theo hướng dẫn sử dụng trên web.
Để triển khai, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tổ chức triển khai các điểm kiểm soát tại đơn vị để thực hiện kiểm tra “Quét mã QR.” Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức, các quận, huyện tổ chức triển khai các Đội hỗ trợ tình nguyện viên hỗ trợ cho Ủy ban Nhân dân các phường, xã, thị trấn hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn, vướng mắc trong việc tạo “Mã QR cá nhân” và in ra giấy.
Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn đến các cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên, người lao động và khách đến liên hệ công tác, giao dịch để áp dụng thực hiện. Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức, quận, huyện tổ chức truyền thông cơ sở đến người dân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn quản lý để áp dụng thực hiện.
Đối với các sở ngành, địa phương được Ủy ban Nhân dân thành phố giao nhiệm vụ tại các quyết định ban hành Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng chống dịch, thông qua việc kiểm tra “Mã QR cá nhân” tại các điểm kiểm soát sẽ phát hiện, truy vết nhanh các trường hợp nghi nhiễm, nhiễm đang có trên địa bàn quản lý (thông qua tài khoản trên http://antoan-covid.tphcm.gov.vn).
Đồng thời, các đơn vị quản lý được các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn có mức độ an toàn phòng, chống dịch COVID-19 theo các Bộ tiêu chí do Thành phố ban hành phục vụ hậu kiểm.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông, người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần hỗ trợ về mã QR, có thể gửi thông tin hỗ trợ vào hộp thư điện tử hotro.antoancovid@tphcm.gov.vn.
Người dân cần hỗ trợ các thông tin liên quan "Mã QR cá nhân" có thể liên hệ Tổng đài 1022 để được hỗ trợ, hướng dẫn./.