TP Hồ Chí Minh hiện đang có 47.000 F0 đang điều trị tại nhà.
Thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện thành phố đang điều trị cho 12.179 bệnh nhân; trong đó có 646 trẻ em dưới 16 tuổi, 258 bệnh nhân nặng đang thở máy và 11 bệnh nhân can thiệp ECMO.
Theo thông báo mới nhất của UBND TP Hồ Chí Minh, toàn thành phố hiện có dịch ở cấp độ 2. Theo đó, Thành phố có 10/22 địa phương đạt cấp độ 1 (vùng xanh) gồm Quận 1, 4, 5, 6, 7, 8, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú và huyện Bình Chánh, giảm 3 địa phương so với tuần trước; có 11/22 địa phương ở cấp độ 2 (vùng vàng) gồm Quận 3, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Bình Tân, Gò Vấp, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè và thành phố Thủ Đức, tăng 4 địa phương so với tuần trước và chỉ còn duy nhất huyện Cần Giờ có dịch ở cấp độ 3 (vùng cam).
Các quận, huyện đã tăng cấp độ dịch gồm Quận 11, quận Gò Vấp, thành phố Thủ Đức và huyện Củ Chi từ cấp độ 1 lên cấp độ 2.
Đánh giá cấp độ dịch ở cấp phường, xã, thị trấn, toàn thành phố hiện có 161/312 địa phương đạt cấp độ 1, 146/312 địa phương đạt cấp độ 2 và 5/312 địa phương đạt cấp độ 3. Các phường, xã đang ở cấp độ 3 gồm Phường 6 (Quận 10); xã An Thới Đông, xã Bình Khánh, xã Lý Nhơn (huyện Cần Giờ) và xã Hiệp Phước (huyện Nhà Bè).
Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, số lượng F0 tăng hầu hết ở các quận, huyện vùng ven như Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh, Quận 12, Gò Vấp và thành phố Thủ Đức. Số F0 này đa số là công nhân làm việc tại các doanh nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp sinh sống tại các địa phương trên.
Theo thống kê, hiện TP Hồ Chí Minh có 47.000 F0 đang điều trị tại nhà, chiếm tỷ lệ 73% trên tổng số ca mắc COVID-19 đang điều trị.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, dù số ca bệnh tại một số địa phương có xu hướng tăng nhưng tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát của thành phố. Thành phố luôn quán triệt quan điểm của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 là bao giờ cũng phải chuẩn bị trước một bước và trên một mức để chủ động trước các tình huống.
Ông Nguyễn Hữu Hưng cũng cho biết, tùy theo tình hình dịch bệnh, ngành y tế sẽ duy trì hoặc thành lập các trạm y tế lưu động mới ở các phường, xã và quận, huyện. Số trạm y tế lưu động này được thành lập phải tương xứng với số ca F0 cần chăm sóc ở quận, huyện đó. Đến nay, ngành y tế cũng đã tăng cường 70 trạm y tế lưu động cho các quận, huyện có số F0 tăng.