Tình nguyện viên đặc biệt

Thứ tư, 10/11/2021 09:47

Từng “chiến đấu” với Covid-19 để giành lại sự sống, Hà Ngọc Trường (sinh năm 1993) tiếp tục trở thành cộng sự đắc lực, đồng hành với đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân tại Khoa Nhiễm 1, Bệnh viện Điều trị Covid-19 Củ Chi, TP Hồ Chí Minh.

34.jpg

Tình nguyện viên Hà Ngọc Trường (bên phải) nghe hướng dẫn của lãnh đạo Khoa Nhiễm 1, Bệnh viện Điều trị Covid-19 Củ Chi

để chuẩn bị vào các phòng bệnh chăm sóc bệnh nhân.

Anh là một tình nguyện viên, một "điều dưỡng viên đặc biệt" khi gần 5 tháng qua đã gắn bó với bệnh viện, trải qua nhiều cung bậc cảm xúc từ lúc bệnh nguy kịch đến khi khỏi bệnh và ở lại phục vụ người bệnh khác. 

Những ngày đấu tranh sinh tử

Trò chuyện với chúng tôi, Hà Ngọc Trường không thể quên thời điểm bản thân vô tình nhiễm Covid-19 vào giữa tháng 6-2021. Cả nhà anh gồm bố, mẹ, em trai, em dâu đều nhiễm bệnh, phải nhập viện điều trị ở những bệnh viện khác nhau.

Bản thân anh lúc đầu được đưa vào Bệnh viện quận Bình Thạnh, sau đó chuyển về Bệnh viện Điều trị Covid-19 Củ Chi. Anh phải thở máy, suy hô hấp và tổn thương phổi nặng. Hà Ngọc Trường nhớ lại: “Khi bị bệnh, có lúc tôi rất bi quan và lo sợ. Những ngày bệnh nặng, dù trạng thái rất mệt mỏi nhưng tôi không thể quên được hình ảnh các bác sĩ tận tình chăm sóc cho mình từ miếng ăn, giấc ngủ và luôn động viên tôi kiên trì “chiến đấu” với bệnh tật. Đó là động lực cho tôi sức mạnh để vượt qua thời khắc sinh tử.

Ngày được cai thở máy, sức khỏe dần hồi phục, anh Trường chứng kiến rõ hơn những bác sĩ không chỉ là thầy thuốc mà còn là người thân, người bạn của từng bệnh nhân. Nhìn các thầy thuốc mặc đồ bảo hộ kín mít suốt nhiều giờ, theo sát từng giường bệnh, anh không kìm được những giọt nước mắt. “Khi nhìn những bệnh nhân xung quanh chủ yếu là người lớn tuổi, sức yếu, phải thở oxy, không có người thân chăm sóc, mọi hoạt động đều phải nhờ nhân viên y tế, tôi nghĩ phải làm gì đó để giảm bớt áp lực cho các y sĩ, bác sĩ”, anh Trường nhớ lại.

Nghĩ và làm, Hà Ngọc Trường mạnh dạn đặt vấn đề với bác sĩ xin được phụ giúp việc chăm sóc bệnh nhân. Anh bắt đầu từ công việc lau dọn vệ sinh phòng bệnh, hỗ trợ bệnh nhân nặng trong ăn uống, lên xuống giường, vệ sinh cá nhân, thay ga giường... Anh còn luân phiên gội đầu cho bệnh nhân. Vừa làm, anh vừa tâm sự, động viên người bệnh. Từ ngày có anh phụ giúp, công việc của các thầy thuốc được giảm tải rất nhiều. Nhìn người thanh niên hoạt bát, nhanh nhẹn, sẵn sàng làm bất cứ việc gì mọi người cần, các bệnh nhân cũng quên rằng anh còn đang là một người bệnh.

Khi dần quen công việc, các bác sĩ hướng dẫn anh cách thay bình oxy, kiểm tra và thay dịch truyền, đo dấu hiệu sinh tồn, xem các chỉ số báo hiệu của máy thở để kịp thời thông tin trường hợp diễn biến xấu, hoặc theo dõi bệnh nhân vô tình làm bung dây chụp thở oxy ra ngoài thì xử trí ngay. Anh lấy việc chăm sóc, hỗ trợ bệnh nhân làm niềm vui mỗi ngày. Hành trình “F0 chăm sóc F0” của Hà Ngọc Trường mang lại cho anh tinh thần thoải mái, lạc quan. Sau một tháng điều trị, anh chính thức khỏi bệnh.

Người "điều dưỡng viên đặc biệt"

Ngày được bệnh viện thông báo đủ điều kiện xuất viện, thay vì trở về gia đình, Hà Ngọc Trường xin ở lại tiếp tục công việc tình nguyện hỗ trợ các thầy thuốc chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Dung, Phụ trách Khoa Nhiễm 1, Bệnh viện Điều trị Covid-19 Củ Chi, cho biết: “Hà Ngọc Trường là trường hợp đầu tiên của bệnh viện và cũng là số ít người nhiễm Covid-19 của thành phố sau khi khỏi bệnh tình nguyện ở lại hỗ trợ chăm sóc, điều trị bệnh nhân. Từ kinh nghiệm khi là bệnh nhân, anh Trường biết được những vấn đề mà bệnh nhân Covid-19 sẽ phải trải qua nên đã giúp các bệnh nhân lạc quan, vững tin hơn”.

Thời khóa biểu một ngày làm việc của anh dày đặc, luôn tất bật. Gần như anh không từ chối công việc nào được phân công hay cần giúp đỡ. Anh xem bệnh viện là nhà, thầy thuốc và bệnh nhân là người thân của mình, luôn tích cực, chu đáo trong mọi việc.

Nhiều lúc cao điểm cấp cứu bệnh nhân, anh hỗ trợ vòng ngoài, cung cấp các trang thiết bị cần thiết. Nhiều đêm, anh không ngủ để cùng bác sĩ theo dõi, chăm sóc người bệnh nặng. Anh Trường nhớ mãi thời điểm cuối tháng 7-2021, khoa tiếp nhận nữ bệnh nhân lớn tuổi Nguyễn Thị Nhàn, ngụ tại phường 7, quận Bình Thạnh đã rất yếu, chỉ ăn cháo, không đi lại được và cũng không thể tự chăm sóc bản thân. Thời gian đầu, tinh thần bệnh nhân rất kém, có ý định buông xuôi. Anh đã chăm sóc tận tình từng miếng ăn, giấc ngủ và liên tục động viên “gia đình đang chờ bà trở về”.

Anh còn chủ động xin số điện thoại của người nhà bệnh nhân, liên lạc qua chức năng gọi video để giúp bệnh nhân thấy được gia đình, an lòng điều trị. Thế là chỉ một thời gian ngắn, người bệnh phục hồi nhanh chóng và được xuất viện.

Niềm vui nối tiếp niềm vui khi nhiều bệnh nhân được Hà Ngọc Trường chăm sóc khỏi bệnh, xuất viện. Tuy vậy, một ngày của tuần đầu tháng 8-2021, người mẹ yêu quý của anh đã qua đời vì Covid-19. Trường xúc động kể: “Khi làm tình nguyện viên ở bệnh viện, tôi vẫn hy vọng mẹ sẽ khỏi bệnh Covid-19, nhưng phép màu đã không xảy ra. Nén đau thương, tôi nỗ lực giúp đỡ các thầy thuốc và bệnh nhân như một cách để báo hiếu với mẹ. Tôi mong đủ sức khỏe để đồng hành với người bệnh giành giật lại sự sống”.

Đến bây giờ, Hà Ngọc Trường không thể nhớ hết những kỷ niệm, câu chuyện xúc động với bệnh nhân mà bản thân đã trải qua. Hằng ngày, khi gặp người bệnh, việc đầu tiên là anh cười, chào, hỏi thăm ân cần để họ cảm nhận được sự quan tâm. Với những bệnh nhân lớn tuổi hoặc sức khỏe yếu, anh thường xuyên ở bên cạnh để họ không cảm thấy cô đơn.

Cường độ, thời gian làm việc cao nhưng ở anh lúc nào cũng tràn đầy nguồn năng lượng tích cực. Nhận xét về người "điều dưỡng viên đặc biệt" này, bác sĩ Nguyễn Thị Phương Dung bảo rằng, Hà Ngọc Trường là một người hiền lành, chịu khó và có lòng nhân hậu, không phải ai cũng can đảm xin ở lại chăm sóc bệnh nhân khi trước đó chưa có tiền lệ. Điều đáng quý ở anh Trường không chỉ là tấm lòng nhiệt huyết với công việc mà anh luôn tự giác tuân thủ nghiêm mọi quy định phòng, chống dịch, tránh ảnh hưởng tới sức khỏe của thầy thuốc và người bệnh.

Hiểu hơn giá trị cuộc sống

Khi vượt qua "cửa tử", Hà Ngọc Trường đã tự vấn rằng: "Điều gì là quan trọng và quý giá nhất đối với bản thân lúc này?". Anh đã chọn tình yêu thương, sự chia sẻ giữa người với người.

Vì vậy, khi tình nguyện ở lại phục vụ, chăm sóc bệnh nhân, anh không đòi hỏi trợ cấp hay bất kỳ chế độ nào, chỉ cống hiến, làm việc thật tốt để kết nối những tấm lòng với nhau, cùng vượt qua dịch bệnh. “Nhiều bệnh nhân khi xuất viện đã giữ liên lạc, thường xuyên hỏi thăm, động viên, đó chính là điều hạnh phúc lớn đối với tôi. Yêu thương nhau để vượt qua đại dịch là tinh thần đáng lan tỏa vào thời điểm này”, Hà Ngọc Trường tâm sự.

Anh cũng đã tìm hiểu và biết đến Cuộc thi viết “Covid-19 - Nhật ký đối mặt” của Báo Quân đội nhân dân và tham gia với tác phẩm “Tôi đã trải qua những giây phút sinh tử”. Bài viết được ban tổ chức cuộc thi và bạn đọc đánh giá cao, được xét trao giải nhất của tháng 8-2021.

Anh chia sẻ: “Dịch Covid-19 khiến nhiều gia đình mất đi người thân yêu, trong đó có gia đình tôi. Nhưng tinh thần lạc quan rất quan trọng trong quá trình điều trị Covid-19. Tham gia cuộc thi cũng là cách để tôi chia sẻ niềm tin, nghị lực sống đến với cộng đồng. Ngày bài viết được đăng trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử (ngày 9-8-2021) cũng là ngày tôi nhận được tin báo đã mất đi người mẹ thân yêu”.

Trước đây, Hà Ngọc Trường cũng thường tham gia các hoạt động thiện nguyện nên gia đình, nhất là bố anh luôn hiểu, đồng thuận, động viên anh làm tốt công việc ý nghĩa này. Ở Bệnh viện Điều trị Covid-19 Củ Chi, giọng nói, dáng đi, những cử chỉ, hành động ân cần của anh đã quá đỗi thân thuộc với đội ngũ y sĩ, bác sĩ và bệnh nhân. Mái tóc búi chỏm lãng tử vốn rất yêu thích nhưng anh quyết định cắt đi để thuận lợi hơn trong công việc. Hiện Khoa Nhiễm 1 đang điều trị khoảng 80 bệnh nhân Covid-19 và công việc của anh cũng bận rộn cả ngày lẫn đêm. 

Anh chia sẻ rằng, khi bệnh viện vẫn cần, anh vẫn tiếp tục công việc tình nguyện. Anh mong bản thân sớm “thất nghiệp” khi không còn bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện. “Các thầy thuốc đã cho tôi cơ hội được trở lại với cuộc sống. Công việc của tôi thật sự rất nhỏ bé. Tôi sẽ không bao giờ quên những giây phút sinh tử mà bản thân đã trải qua. Tôi đã hiểu rõ hơn giá trị của cuộc sống này”, Hà Ngọc Trường bộc bạch.

 

https://www.qdnd.vn/
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top