Ảnh minh họa
Những tấm thổ cẩm rực rỡ sắc màu với các họa tiết độc đáo hay bộ trang phục truyền thống của người Pà Thẻn đều được làm nên từ những đôi bàn tay khéo léo của các chị em phụ nữ Pà Thẻn. Từ khi còn nhỏ, các chị em được bà, mẹ dạy thêu, may trang phục của dân tộc để tự may bộ váy cưới cho mình. Quan niệm rằng, cô gái Pà Thẻn nào biết trồng bông, dệt vải, may vá là đánh dấu sự trưởng thành và cô gái đó ắt hẳn sẽ là tiêu điểm của các chàng trai đang tuổi tìm kiếm người nâng khăn, sửa túi cho mình.
Để có được một bộ trang phục cầu kỳ thì các công đoạn dệt, thêu hoa văn, ghép vải của người Pà Thẻn hoàn toàn bằng phương pháp thủ công truyền thống. Trước kia, nguyên liệu dệt vải là kéo từ sợi cây bông, cây đay, hiện chủ yếu dùng len chỉ. Sau khi nhuộm màu là mắc sợi, sang chỉ dệt thành những mảnh vải thổ cẩm hình vuông hay dải vải khổ nhỏ hoặc rộng đắp trực tiếp lên vải áo, khăn hoặc váy.
Trong các mảng hoa văn, bao giờ hoa văn chủ đạo cũng được làm nổi bật, màu đỏ là màu sắc chính của bộ trang phục nữ. Màu đỏ trong trang phục của người Pà Thẻn được ví như màu của con chim lửa, màu của ánh sáng. Kết hợp với màu đỏ là những tấm vải trắng và đen, xen kẽ những đường hoa văn với các màu xanh, vàng... tạo nên bộ trang phục hài hòa.
Để có được một trang phục đẹp đòi hỏi sự khéo léo, cần cù, sáng tạo. Người phụ nữ Pà Thẻn phải lao động miệt mài bên khung cửi hàng tháng trời bởi y phục của họ rất cầu kỳ trong từng đường kim mũi chỉ và trong từng họa tiết. Các công đoạn dệt, thêu hoa văn, ghép vải hoàn toàn bằng phương pháp thủ công.
Chị Lý Thị Toàn ở xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình chia sẻ, trên trang phục của người Pà Thẻn luôn có những hình như cây cầu, ngôi nhà, con chó, hình quả trám. Bởi theo quan niệm của đồng bào, hình cây cầu thể hiện cho tình yêu, ngôi nhà thể hiện niềm hạnh phúc và hy sinh, con chó là biểu tượng của sự tương trợ bảo vệ và hình quả trám thể hiện sự cầu mong cho cuộc sống tích cực và trong sạch.
Với sự phát triển của xã hội, thổ cẩm Pà Thẻn vẫn được lưu giữ đến nay. Ngoài trang phục truyền thống kết hợp với hiện đại, phụ nữ Pà Thẻn còn thêu, dệt nên các sản phẩm đa dạng, phong phú để phục vụ kinh doanh du lịch, góp phần nâng cao thu nhập, như: khăn đội, trang phục, chăn thêu, vỏ gối, các loại túi, ví, bìa sách…
Việc bảo tồn và phát huy được nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Pà Thẻn ở huyện Lâm Bình không chỉ giữ gìn được giá trị văn hóa mà còn tạo điều kiện tích cực cho Lâm Bình phát triển du lịch cũng như tạo sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập cho đồng bào.