Ảnh minh họa
Hiện nay, tín dụng chính sách xã hội là một trong những công cụ, giải pháp quan trọng của Đảng và Nhà nước ta trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), trong đó có CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025 (CTMTQG DTTS).
Trong CTMTQG DTTS, Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay ưu đãi thực hiện một số nội dung của Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.
Ngân sách nhà nước dự kiến bố trí vốn vay tín dụng chính sách 19.727 tỷ đồng (chiếm 14,3% tổng nguồn vốn thực hiện CTMTQG DTTS) để thực hiện các nội dung cho vay hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề (thuộc Dự án 1); cho vay đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý và cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị (thuộc Tiểu dự án 2 của Dự án 3).
Thực hiện cho vay tín dụng chính sách trong CTMTQG DTTS, theo số liệu của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, tính đến ngày 30/6/2023, đã cho 30.912 lượt khách hàng vay 1.564,1 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt trên 18,5 tỷ đồng, dư nợ đạt 1.545,6 tỷ đồng với 29.906 khách hàng dư nợ. Trong đó: cho 522 lượt khách hàng vay 24,67 tỷ đồng hỗ trợ đất ở, gần 17 nghìn lượt khách hàng vay 680,44 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở, gần 2 nghìn lượt khách hàng vay 113,35 tỷ đồng hỗ trợ đất sản xuất, hơn 11 nghìn lượt khách hàng vay 721,9 tỷ đồng chuyển đổi nghề, 99 lượt khách hàng vay 5,25 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.
Theo ông Nguyễn Lâm Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các hộ nghèo, cận nghèo DTTS đã tăng rõ rệt, số lượng hộ nghèo DTTS được vay vốn ngày càng nhiều, dòng vốn luân chuyển cho vay ngày càng tăng.
Việc quản lý, sử dụng tiền vay của các hộ hầu hết có hiệu quả, phần lớn sử dụng đúng mục đích, trả nợ đúng hạn. Nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo DTTS đã sửa sang, nâng cấp được nhà ở, làm công trình nước sạch, công trình vệ sinh môi trường, ổn định đời sống, đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, dịch vụ và từng bước thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo DTTS đã giảm đáng kể trên toàn quốc, riêng các huyện nghèo diện 30a giảm từ 3-4%/năm.
Ông Hầu A Lềnh - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc, Uỷ viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội cho rằng, do điều kiện địa lý, môi trường sinh sống và yếu tố lịch sử, đời sống của đồng bào các DTTS nói chung, một bộ phận hộ gia đình, người DTTS nói riêng đến nay vẫn còn rất nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có sự tiếp tục quan tâm, chăm lo, đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.
Cùng với các chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, việc thực hiện chính sách tín dụng cho đồng bào DTTS có ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác an sinh xã hội, xoá đói, giảm nghèo và phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN).
Những năm qua, người dân vùng đồng bào DTTS&MN đã và đang được tiếp cận hầu hết các chương trình tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai như: chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở... Ngoài ra, đồng bào DTTS còn được thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách xã hội dành riêng cho đồng bào DTTS và theo từng vùng miền.
Với hệ thống đồng bộ, bao phủ nhiều nhóm đối tượng, các chính sách tín dụng ưu đãi đã giúp đồng bào DTTS và nhân dân ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới có đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, phát triển sản xuất, tăng thu nhập, từng bước xoá đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng; giúp các thương nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã có thêm nguồn lực để đầu tư, phát triển mô hình sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ...
Tín dụng chính sách cũng góp phần hạn chế nạn “tín dụng đen”; khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào ngân sách nhà nước, tăng cường ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của đồng bào DTTS. Qua đó, kinh tế - xã hội không ngừng được cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các DTTS, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các dân tộc, vùng miền; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào với Đảng và Nhà nước.
Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã chỉ rõ yêu cầu nhiệm vụ đối với chính sách tín dụng: “Đổi mới và mở rộng chính sách tín dụng của ngân hàng chính sách xã hội theo hướng tăng định mức, mở rộng đối tượng được vay đến các dự án sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số”. Đây là cơ sở quan trọng cho việc thực hiện định hướng chính sách dân tộc trong giai đoạn mới là “giảm cho không, tăng cho vay và cho vay có điều kiện” trong hoạt động tín dụng chính sách vùng đồng bào dân tộc.
"Tín dụng chính sách xã hội có vai trò quan trọng trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, nhất là trong giai đoạn chuyển đổi hiện nay, đặc biệt đối với đồng bào DTTS. Sự thành công, sự bền vững của công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo ở vùng vùng đồng bào DTTS và miền núi sẽ góp phần vào việc bảo đảm an sinh xã hội theo tinh thần Nghị quyết của Đảng" - ông Nguyễn Lâm Thành phân tích.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, trước mắt, Chính phủ cần bố trí đủ 19.700 tỷ đồng để thực hiện CTMTQG DTTS. Bố trí cấp bổ sung vốn điều lệ hàng năm cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Bố trí cấp bổ sung vốn thực hiện các chương trình do ngân sách nhà nước cấp nhằm đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng theo mục tiêu đề ra của Chương trình.
Bên cạnh đó, cơ cấu lại hệ thống chính sách tín dụng theo hướng tích hợp, tăng định mức chính sách và bảo đảm phù hợp vùng, miền; tăng cường chính sách hỗ trợ tín dụng đối với các hoạt động sản xuất theo chuỗi, liên kết hợp tác nhằm thay đổi phương thức sản xuất. Trong đó, chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế hợp tác, các hộ làm kinh tế khá, giỏi làm nòng cốt, với quan điểm lấy người khá để hỗ trợ người nghèo, thay đổi quan điểm chỉ có tín dụng hộ nghèo./.