"Tiếp sức cho em đến trường"- nâng bước học sinh dân tộc thiểu số khó khăn

Thứ năm, 07/09/2023 20:35

Chương trình “Tiếp sức cho em đến trường” do Ban Công tác phía Nam - TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức tại huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận đã góp phần tiếp sức, động viên các em học sinh dân tộc thiểu số trong hành trình "đi tìm con chữ".

20230809-duy21.jpg

Ảnh minh họa

Trong khuôn khổ các hoạt động truyền thông Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I: 2021-2025, vừa qua, Ban Công tác phía Nam - TƯ Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức chương trình "Tiếp sức cho em đến trường" tại huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận.

Ông Mẫu Thái Phương - Bí thư Huyện ủy Bác Ái cho biết: Nơi đây, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 90%, điều kiện dạy và học ở đây còn nhiều khó khăn, nhận thức của một số người dân về việc học còn rất hạn chế. Đặc thù của địa phương lại có nhiều hộ có đất rẫy ở xa, học sinh ở đây thường nghỉ học cách nhật, theo cha mẹ lên rẫy. Việc vận động học sinh đến trường gặp không ít khó khăn.

Ông Phương bày tỏ niềm vui, trân trọng khi Ban Công tác phía Nam - TƯ Hội LHPN Việt Nam đã kết nối, vận động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm tổ chức chương trình "Tiếp sức cho em đến trường" lồng ghép trong hoạt động truyền thông Dự án 8 rất ý nghĩa, thiết thực động viên, hỗ trợ về vật chất, tinh thần, tiếp sức cho các em trước thềm năm học mới.

Cùng với chuỗi các hoạt động truyền thông phòng chống bạo lực gia đình, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, nâng cao năng lực cho người dân trên địa bàn, tại chương trình, 82 học sinh người dân tộc thiểu số mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn được tặng học bổng và những phần quà là dụng cụ học tập, quần áo mới. Bên cạnh đó, chương trình còn tạo sân chơi để các em được gặp gỡ, giao lưu, thưởng thức bánh, sữa và được xem những bộ phim hoạt hình.

Nhận quà từ tay những nhà hảo tâm, được xem những bộ phim hoạt hình sinh động, lý thú trên màn hình sân khấu lớn, khuôn mặt các em nhỏ cùng các bậc cha mẹ ánh lên nét rạng rỡ, niềm hạnh phúc ngập tràn, bởi cuộc sống thiếu thốn khiến các em ít có cơ hội tiếp cận được với công nghệ thông tin hay các loại hình giải trí.

Cùng với đó, trong hành trình đến với phụ nữ và trẻ em huyện Bác Ái, Đoàn công tác và Quỹ bàn tay ấm cũng đã khảo sát địa điểm và nhu cầu thực tiễn để xây tặng công trình sân chơi cho các em thiếu nhi dân tộc thiểu số, miền núi nơi đây.

Tại các vùng dân tộc thiểu số nói chung và tại huyện Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận) nói riêng, học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi khó có cơ hội để học lên cao. Mặc dù đã có những tiến bộ trong phổ cập giáo dục cơ bản, song trẻ em dân tộc thiểu số - đặc biệt là trẻ em gái, vẫn có nguy cơ bỏ học giữa chừng bởi các định kiến và rào cản văn hóa. Giấc mơ học tiếp ở các cấp học cao hơn, giấc mơ đến giảng đường đại học là quá đỗi xa xỉ đối với các em.

Em Pinăng Thị Nghép, ngụ thôn Châu Đắc (xã Phước Đại, huyện Bác Ái) chia sẻ: "Gia đình của con thuộc hộ nghèo, kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, nhiều lúc con muốn bỏ học. Con ước mơ làm bác sĩ chữa bệnh cho bà con".

Thời điểm nhận được thông tin trúng tuyển Đại học Nông lâm Ninh Thuận, em Chama léa Thị Ngọc, ngụ thôn Đồng Dầy (xã Phước Trung, huyện Bác Ái) cũng đã suy nghĩ đến việc phải khép lại việc học vì kinh tế gia đình quá khó khăn.

Thấu hiểu với những khó khăn của học sinh, không dừng lại ở việc tặng học bổng một lần trong năm học 2023 - 2024, Ban Công tác phía Nam – TƯ Hội LHPN Việt Nam đã kết nối, vận động các nhà hảo tâm trao tặng sổ tiết kiệm cho 8 em học sinh mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, hiếu học đang học THPT và đỗ Đại học trong năm 2023; mỗi em 5 triệu đồng/năm. Được biết, việc tặng sổ tiết kiệm sẽ được duy trì thực hiện hàng năm cho đến khi các em hoàn thành chương trình THPT, đại học, tiếp sức cho các em viết tiếp những ước mơ được trở thành cô giáo, bác sĩ, kỹ sư…

Việc triển khai đồng bộ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, cần nhiều hơn nữa sự chung tay góp sức của cả cộng đồng để cải thiện chất lượng cuộc sống cho trẻ em. Thông điệp "Hãy dành những gì tốt nhất cho trẻ em" hơn lúc nào hết cần được quan tâm hơn nữa, nhất là đối với trẻ em vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện sống thấp hơn nhiều so với các vùng đồng bằng, đô thị trong cả nước./.

Hà An
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top