Dự thảo cũng bổ sung quy định nguyên tắc đăng ký, sử dụng tên miền quốc tế; trình tự thực hiện tạm ngừng, thu hồi tên miền quốc tế có vi phạm trên tinh thần bình đẳng, đồng bộ với tên miền “.vn”; sửa quy định về tạm ngừng tên miền, xử lý tên miền tranh chấp, đăng ký tên miền dưới “.gov.vn”, giữ chỗ, bảo vệ tên miền “.vn” để chuẩn hóa, giới hạn cụ thể về thẩm quyền và quy trình thực hiện, tránh lạm dụng ảnh hưởng tới quyền lợi của chủ thể liên quan.
Một số nội dung chủ đạo sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo gồm:
1. Mở rộng không gian phát triển cho tài nguyên Internet, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và chuyển đổi số.
2. Điện tử, số hóa, ứng dụng công nghệ số; đơn giản hóa quy trình; tạo thuận lợi tối đa cho đăng ký sử dụng tài nguyên Internet
3. Củng cố quy định quản lý đối với tên miền quốc tế (TMQT) trên tinh thần quản lý bình đẳng tên miền “.vn”, TMQT theo quy định về dịch vụ kinh doanh có điều kiện tại Luật Đầu tư 2020; đồng bộ với chính sách đã được duyệt tại Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP.
4. Chuẩn hóa thêm các quy định mang tính quản lý, gồm: tạm ngừng tên miền; đăng ký sử dụng tên miền dành cho cơ quan nhà nước (“.gov.vn), bảo vệ giữ chỗ tên miền và thực hiện phán quyết về xử lý tên miền “.vn” tranh chấp.
Trong đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn trong công tác kiểm soát, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), đối với nội dung điện tử, số hóa, ứng dụng công nghệ số; đơn giản hóa quy trình Bộ triển khai xây dựng các quy định:
- Sử dụng mặc định phương thức trực tuyến trong đăng ký tên miền “.vn”, địa chỉ IP, số hiệu mạng ASN; Ứng dụng hoàn toàn hồ sơ điện tử. Việc nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu chính chỉ trong trường hợp không có khả năng sử dụng phương thức trực tuyến (quy định hiện nay là áp dụng đồng thời ba phương thức: trực tiếp, trực tuyến và qua đường bưu chính).
Trung tâm Internet Việt Nam và các Nhà đăng ký tên miền “.vn” ứng dụng công nghệ mới, liên thông cơ sở dữ liệu quốc gia để thu thập, kiểm tra, đối chiếu, đảm bảo sự khớp đúng giữa thông tin nhận biết khách hàng; kiểm soát hồ sơ, dữ liệu và tránh giả mạo.
- Đơn giản thủ tục hành chính: gộp hai TTHC (Cấp, phân bổ địa chỉ IP và Cấp, phân bổ số hiệu mạng) thành một TTHC.
- Bổ sung thêm các trường hợp cho phép đổi tên chủ thể đăng ký sử dụng tên miền “.vn”, IP/ASN: có hoạt động mua bán, góp vốn, cổ phần giữa các doanh nghiệp hoặc chuyển đổi chức năng, nhiệm vụ giữa công ty mẹ, công ty con dẫn tới sự thay đổi quyền đăng ký sử dụng tên miền, địa chỉ, ASN (quy định hiện nay chỉ cho phép các trường hợp Tổ chức lại doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn).
- Quy định cụ thể về thời gian, trình tự tiếp nhận, xử lý các yêu cầu đăng ký, cấp phát lại IP, ASN.
Hiện đơn vị kiểm soát TTHC của Bộ cũng đang phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu, xem xét, rà soát, đánh giá sự cần thiết, tính hợp lý, tính hợp pháp đối với các TTHC:
* Đối với thủ tục cấp, phân bổ lại địa chỉ IPv4:
- Về thành phần hồ sơ: Xem xét quy định rõ ràng, cụ thể thành phần hồ sơ gồm những gì để đáp ứng được những yêu cầu sau tại khoản 2 Điều 24 Thông tư số 06/2015/TT-BTTTT:
“- Có đề nghị được cấp, phân bổ lại địa chỉ IPv4 của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; hồ sơ nộp đến trước được xét duyệt xử lý trước;
- Chưa có địa chỉ IPv4 để sử dụng hoặc đã có địa chỉ nhưng giải trình được đã sử dụng hết ít nhất 80% các vùng địa chỉ IPv4 được cấp, phân bổ trước đó đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã được cấp, phân bổ địa chỉ;
- Thuyết minh mức độ cần thiết và khả năng sử dụng ngay vùng địa chỉ đề nghị cấp, phân bổ.”
Qua đó, đảm bảo thống nhất, công khai, minh mạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, tránh việc cơ quan có thẩm quyền tùy tiện tự đặt ra yêu cầu về hồ sơ trong quá trình giải quyết TTHC.
- Về thời hạn giải quyết: Xem xét quy định thời hạn giải quyết các TTHC về cấp, phân bổ địa chỉ Internet, số hiệu mạng thống nhất với các quy định tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP đang được Bộ xây dựng.
* Đối với thủ tục cấp, phân bổ địa chỉ IP và thủ tục cấp, phân bổ số hiệu mạng ASN: Theo quy định tại dự thảo Thông tư và quy trình thực tế thì 02 TTHC này chưa được nhập làm một. Vì vậy cần nghiên cứu, xem xét bổ sung thêm quy định tại dự thảo Thông tư: “Trường hợp nếu đồng thời xin cấp cả địa chỉ IP và số hiệu mạng ASN thì doanh nghiệp chỉ phải nộp 01 bộ hồ sơ để đơn giản hóa TTHC”.
* Đối với thủ tục cấp, phân bổ địa chỉ IP, số hiệu mạng ASN do thay đổi chủ thể đăng ký: Về bản chất đây là TTHC sửa đổi quyết định cấp, phân bổ, địa chỉ IP, số hiệu mạng ASN do thay đổi chủ thể đăng ký. Vì vậy, theo logic thông thường thì hồ sơ, thủ tục sẽ phải đơn giản hơn thủ tục cấp mới (cấp lần đầu). Tuy nhiên, hiện tại hồ sơ đối với trường hợp này lại phức tạp, nhiều thành phần hơn, cụ thể: “...ngoài thành phần hồ sơ quy định tại điểm a và b khoản này, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bổ sung bản gốc hoặc bản sao Quyết định tổ chức lại doanh nghiệp .....” (điểm a khoản 1 Điều 17 dự thảo Thông tư). Mặt khác, trình tự, thủ tục, kết quả giải quyết, thời hạn giải quyết của TTHC này cũng chưa rõ ràng, cần xem xét làm rõ.
* Về biểu mẫu các kết quả giải quyết TTHC: Xem xét mẫu hóa kết quả giải quyết TTHC gồm: Mẫu Quyết định cấp, phân bổ địa chỉ IP/ số hiệu mạng ASN; Quyết định cấp, phân bổ lại địa chỉ IPv4; Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định cấp, phân bổ địa chỉ IP/số hiệu mạng trường hợp thay đổi chủ thể đăng ký... để rõ ràng, thống nhất, phục vụ tái cấu trúc quy trình, điện tử hóa tất cả mẫu đơn, tờ khai, kết quả giải quyết TTHC để có thể thực hiện TTHC trên môi trường điện tử theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC.
* Về đảm bảo điều kiện thực hiện TTHC qua môi trường điện tử: Xem xét không quy định thành phần hồ sơ phải nộp bản gốc, bãi bỏ thành phần hồ sơ là kết quả giải quyết của một TTHC khác như giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (chỉ cần khai báo vào mẫu đơn, bản khai). Đối với phần đề ký, xác nhận tại tất cả các biểu mẫu có yêu cầu về đóng dấu, xem xét bổ sung quy định về chữ ký số chữ ký số của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, v.v...