Trong lĩnh vực báo chí, để quy định chi tiết Luật Báo chí năm 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 48/2016/TT-BTTTT ngày 26/12/2016 quy định chi tiết và hướng dẫn việc cấp giấy phép hoạt động báo in và báo điện tử, xuất bản thêm ấn phẩm, mở chuyên trang của báo điện tử, xuất bản phụ trương, xuất bản bản tin, xuất bản đặc san. Thời gian qua, tình trạng “báo hóa” tạp chí đã diễn ra ở một số tạp chí điện tử và có xu hướng gia tăng, ngày càng phức tạp; nhiều tạp chí điện tử có biểu hiện xa rời tôn chỉ, mục đích, cập nhật thường xuyên, liên tục các thông tin về những vụ việc mang tính thời sự, trong đó tập trung phản ánh mặt trái, tiêu cực của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, trong khi tin, bài mang tính chuyên ngành, chuyên sâu trong lĩnh vực của mình còn hạn chế. Thông tư số 48/2016/TT-BTTTT có một số nội dung chưa đáp ứng được thực tiễn của hoạt động báo chí như: Trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động tạp chí, chưa yêu cầu làm rõ về nội dung thông tin chuyên sâu, chuyên ngành và tỉ lệ tin, bài chuyên ngành; chưa yêu cầu về mẫu trình bày tên gọi phải rõ ràng, dễ nhận biết, dẫn đến tình trạng “báo hóa” tạp chí, bạn đọc khó có thể phân biệt được báo với tạp chí, đặc biệt là báo điện tử với tạp chí điện tử; chưa điều chỉnh rõ đối với cơ quan báo chí thực hiện một số loại hình báo chí quy định tại Điều 16 Luật Báo chí năm 2016; chưa điều chỉnh cụ thể, riêng biệt đối với cơ quan báo chí thực hiện thêm loại hình báo chí khác quy định tại Điều 29 Luật Báo chí năm 2016. Vì vậy, việc thay thế Thông tư số 48/2016/TT-BTTTT là cần thiết.
Trong lĩnh vực tần số vô tuyến điện, ngày 23/3/2015, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư 05/2015/TT-BTTTT quy định chi tiết và hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện; cho thuê, cho mượn thiết bị vô tuyến điện; sử dụng chung tần số vô tuyến điện. Trong thời gian qua, về cơ bản các quy định chi tiết và hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép đã phù hợp với hầu hết các loại hình thông tin vô tuyến điện, đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tần số, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tần số vô tuyến điện để phát triển các hệ thống thông tin phục vụ hoạt động kinh tế - xã hội. Đến nay, Thông tư 05/2015/TT-BTTTT được đánh giá đã mang lại nhiều lợi ích cho xã hội đặc biệt là việc triển khai nhận hồ sơ điện tử và cấp giấy phép điện tử giúp cải cách thủ tục, tăng cường triển khai dịch vụ công trực tuyến trong công tác quản lý nhà nước của Bộ TTTT. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn một số tồn tại, vướng mắc phát sinh từ thực tế quản lý như vấn đề kê khai số giấy chứng nhận hợp quy của thiết bị vô tuyến điện xin cấp phép, nhu cầu sử dụng thiết bị giám sát hành trình qua vệ tinh đặt trên tàu cá được quy định tại Luật Thủy sản năm 2017 (bắt buộc với tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên phải lắp đặt từ 01/01/2019) để tránh thẻ vàng của EU,...
Để khắc phục những điểm còn tồn tại, ngày 13/8/2021, Bộ TTTT đã ban hành Thông tư 04/2021/TT-BTTTT thay thế Thông tư số 05/2015/TT-BTTTT, trong đó tập trung chủ yếu vào việc điều chỉnh các nội dung về cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, mở rộng áp dụng dịch vụ công trực tuyến và tăng cường phân cấp cấp phép xuống các Trung tâm Tần số khu vực; gia tăng mức độ thân thiện của hồ sơ đề nghị cấp phép với người làm thủ tục. Sau khi Thông tư 04/2021/TT-BTTTT được ban hành, Bộ TTTT đã ban hành Quyết định số 1401/QĐ-BTTTT ngày 10/9/2021 về việc công bố TTHC được thay thế lĩnh vực tần số vô tuyến điện, công bố 65 TTHC sửa đổi, bổ sung, thay thế cho 16 TTHC lĩnh vực tần số vô tuyến điện quy định tại Thông tư 05/2015/TT-BTTTT.