Nhân viên tế Phú Thọ tổ chức lấy mẫu xét nghiệm lần 3 cho học sinh Trường tiểu học Bạch Hạc. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN
Trong 24 ca mắc mới, có 11 ca tại thành phố Việt Trì; huyện Lâm Thao 7 ca; huyện Thanh Sơn 6 ca. Trong đó, có 16 trường hợp là các F1 đều đã được cách ly, theo dõi và quản lý; có 8 ca cộng đồng đã được ghi nhận (2 trường hợp sàng lọc cộng đồng tại Tiên Cát - Việt Trì; 6 trường hợp tại thị trấn Thanh Sơn và xã Thục Luyện - Thanh Sơn).
Như vậy, từ ngày 14/10 đến 31/10, Phú Thọ ghi nhận 660 ca mắc COVID-19. Trong đó, thành phố Việt Trì 407 ca tại 21 xã, phường; thị xã Phú Thọ 15 ca tại 3 xã; huyện Lâm Thao 134 ca tại 11 xã, thị trấn; huyện Phù Ninh 83 ca tại 9 xã, thị trấn; huyện Tam Nông 8 ca tại 3 xã; huyện Thanh Sơn 7 ca tại 2 xã, thị trấn; huyện Thanh Thủy 3 ca tại 2 xã; huyện Cẩm Khê 2 ca tại 2 xã và huyện Hạ Hòa 1 ca tại 1 xã. Có 1 xã, thị trấn mới ghi nhận ca mắc COVID-19 (xã Thục Luyện - Thanh Sơn).
Toàn tỉnh đang quản lý, theo dõi 6.221 F1; có 21.649 F2 và 23.843 F3 đang thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định.
Trong ngày, tỉnh Phú Thọ tổ chức tiêm được 4.942 mũi vaccine; không phát hiện trường hợp phản ứng thông thường và phản ứng nặng sau tiêm chủng. Lũy tích toàn tỉnh Phú Thọ đã tiêm 813.885 mũi vaccine phòng COVID-19; trong đó có 716.311 người đã tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng COVID-19, có 97.574 người được tiêm đủ hai mũi. Phú Thọ đạt 68,73% người dân trên 18 tuổi được tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng COVID-19; có 9,4% người dân trên 18 tuổi được tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19.
Tỉnh Phú Thọ được đánh giá đang ở cấp độ 2 của dịch bệnh; có 9/13 huyện, thành thị ở cấp độ 2 gồm: thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ, các huyện Lâm Thao, Tam Nông, Phù Ninh, Thanh Thủy, Cẩm Khê, Hạ Hòa và Thanh Sơn, các huyện còn lại ở cấp độ 1.
Toàn tỉnh có một xã ở cấp độ 4 là xã Chu Hóa thuộc thành phố Việt Trì; 6 xã ở cấp độ 3; 36 xã cấp độ 2, các xã, phường, thị trấn còn lại ở cấp độ 1.
Trước tình hình dịch đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, để giảm tải cho các Bệnh viện dã chiến, tỉnh Phú Thọ đã triển khai điều trị cho các ca F0 tại nhà.
Bên cạnh đó, tỉnh đã thiết lập 9 Trạm y tế lưu động trên địa bàn thành phố Việt Trì, nơi đang điều trị F0 tại nhà; thiết lập mô hình Tổ chăm sóc người mắc COVID-19 với đầy đủ các trang thiết bị y tế, thuốc thiết yếu, vật tư, oxy y tế theo các hướng dẫn chi tiết của Bộ Y tế.
Các F0 điều trị tại nhà được tiếp cận dịch vụ y tế ngay tại xã, phường, giúp họ tiếp cận với các “Túi thuốc an sinh điều trị F0 tại nhà” và được hỗ trợ y tế kịp thời khi có yêu cầu.
Ngoài ra, để bảo đảm yêu cầu theo quy định của Bộ Y tế đối với trường hợp F0 điều trị tại nhà, Sở Y tế Phú Thọ yêu cầu Trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cấp huyện thẩm định điều kiện quản lý, điều trị các ca F0 tại nhà; thành lập Trạm y tế lưu động, Tổ chăm sóc F0 để sẵn sàng điều trị, cấp cứu, vận chuyển F0 có diễn biến nặng lên.
Chỉ đạo Trạm y tế cấp xã, Trạm y tế lưu động khám bệnh, theo dõi sức khỏe các F0 hằng ngày, treo bảng thông báo “Địa điểm cách ly y tế” tại nhà F0; cung cấp cho F0 và người chăm sóc số điện thoại thường trực 24/24 giờ để tư vấn hoặc nhận yêu cầu hỗ trợ trong những tình huống khẩn cấp; nghiên cứu phương thức kết nối để hằng ngày theo dõi, nắm bắt thông tin, hướng dẫn và chia sẻ với người bệnh.
Sở Y tế cũng yêu cầu các Bệnh viện dã chiến cấp tỉnh, cấp huyện sẵn sàng thu dung, tiếp nhận điều trị các trường hợp F0 điều trị tại nhà có diễn biến nặng lên và triển khai hoạt động cấp cứu tất cả các F0 khi có yêu cầu./.