Theo thông tin từ Phòng Quản lý CNTT, Sở TT&TT tỉnh Thanh Hóa, Ban chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử tỉnh vừa tổ chức hội nghị trực tuyến “Sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”.
Thanh Hóa triển khai phòng họp không giấy tờ trên toàn tỉnh từ 1/8/2020
Thứ ba, 05/05/2020 14:08
Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng, kể từ ngày 1/8/2020, 100% các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện triển khai hệ thống phòng họp không giấy tờ.
Trong năm vừa qua, triển khai các nhiệm vụ của Nghị quyết 17, Thanh Hóa đã đưa Cổng dịch vụ công của tỉnh đi vào hoạt động. Đồng thời, triển khai tích hợp hệ thống thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt (VNPT Pay) để thanh toán phí, lệ phí.
Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 17 được UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức trực tuyến, kết nối tới 27 UBND cấp huyện (Ảnh: Sở TT&TT Thanh Hóa cung cấp)
Bên cạnh đó, tỉnh đã hoàn thành xây dựng nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu (LGSP), kết nối liên thông với Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ việc gửi, nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp chính quyền từ Trung ương đến cấp xã. Theo thống kê, đến tháng 4/2020, tỷ lệ văn bản gửi qua mạng của tỉnh đạt 96%, của toàn quốc đạt 86,5%.
Hệ thống phòng họp trực tuyến tại 215 điểm cầu (gồm 83 điểm cầu của khối các cơ quan cấp tỉnh, UBND cấp huyện; 132 điểm cầu của UBND cấp xã) cùng hệ thống đăng nhập tập trung của tỉnh (https://dangnhap.thanhhoa.gov.vn) đã được đưa vào sử dụng, đảm bảo thuận tiện cho người dùng.
Ngoài ra, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã chủ động đưa nhiều giải pháp, ứng dụng mới có hiệu quả thiết thực, kịp thời trong thời gian phòng chống dịch bệnh, như: họp không giấy tờ và kết nối trực tuyến; ứng dụng trên smartphone và trang điều hành của Ban chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh, các ứng dụng dạy học trực tuyến...
Cũng tại hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 17, các đại biểu tại 27 điểm cầu ở UBND huyện đã thông tin về những khó khăn, vướng mắc, đó là: hạ tầng CNTT cho các ứng dụng còn hạn chế; nhân lực dành cho ứng dụng CNTT, năng lực sử dụng ứng dụng CNTT của cán bộ, công chức cấp xã còn chưa đảm bảo…
Trên cơ sở đó, nhiều kiến nghị đã được đưa ra, trong đó có việc cần có nguồn lực hỗ trợ huyện trang bị thiết bị về hạ tầng để sử dụng các phần mềm ứng dụng dùng chung của tỉnh; tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ, công chức cấp xã; tăng cường hướng dẫn trên hệ thống thông tin đại chúng về việc ứng dụng CNTT đến xã và dịch vụ công trực tuyến...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử tỉnh, nhấn mạnh: Hiện nay, các điều kiện cần và đủ để đột phá trong xây dựng Chính quyền điện tử đã đảm bảo; thể chế đã được cụ thể hóa và hoàn toàn đảm bảo trong việc gửi, nhận văn bản và trao đổi thông tin trên môi trường mạng.
“Việc lưu trữ điện tử đã có Nghị định 30/2020/NĐ-CP quy định rõ; hạ tầng CNTT của tỉnh hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu cho việc triển khai các ứng dụng trong việc xây dựng Chính quyền điện tử. Tuy nhiên, cần xác định rõ mục tiêu và các nhiệm vụ để hoàn thiện hạ tầng CNTT để triển khai các ứng dụng một cách đồng bộ, toàn diện”, ông Xứng nhận định.
Lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở TT&TT sớm tổ chức hội nghị báo cáo tiến độ các dự án xây dựng chính quyền điện tử đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 172/NQ-HĐND và chịu trách nhiệm chính trong việc đảm bảo về hạ tầng, các phần mềm ứng dụng CNTT trong việc xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh.
Sở TT&TT Thanh Hóa có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị về việc đẩy mạnh về tăng cường xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường điện tử và phòng họp không giấy tờ; cơ chế chính sách hỗ trợ cán bộ làm việc tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh. Đồng thời, lựa chọn cán bộ làm việc tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh, nghiên cứu cơ chế để bảo vệ an ninh.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng cũng nêu rõ một số mốc thời gian triển khai các nhiệm vụ: Từ ngày 22/5/2020, 100% văn bản, hồ sơ điện tử của các Sở, ban, ngành cấp tỉnh phải được lưu trữ và thực hiện trên môi trường mạng; Từ ngày 30/6/2020, 100% văn bản, hồ sơ điện tử của UBND các huyện, thị xã, thành phố được lưu trữ và thực hiện trên môi trường mạng;
Từ ngày 30/8/2020, 100% văn bản, hồ sơ điện tử của UBND cấp xã được lưu trữ và thực hiện trên môi trường mạng; Từ ngày 1/8/2020, 100% các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện triển khai hệ thống phòng họp không giấy tờ.
Sở TT&TT Thanh Hóa còn được yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các giải pháp chính quyền điện tử xuống từng cấp cơ sở. Đài Truyền hình tỉnh phối hợp với Sở TT&TT lên kế hoạch tăng cường công tác tuyên truyền, cập nhật về lợi ích của việc thực hiện giao dịch giấy tờ qua môi trường mạng.