Làm việc tại Khoa Cấp cứu, anh em đã xác định: Dù bệnh nhân có yếu tố dịch tễ hay nghi ngờ mắc COVID-19 thì trước mắt mình vẫn phải lo cho người bệnh. Đó là công việc, là trách nhiệm, và mình thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế để tự bảo vệ. Bác sĩ Huỳnh Tuy Viễn
|
Thầm lặng góp sức chống dịch
Thứ năm, 04/06/2020 15:13
SARS-CoV-2 chủ yếu lây qua giọt bắn trong phạm vi gần với người mắc COVID-19 và qua đường tiếp xúc. Khoảng hơn 80% bệnh nhân COVID-19 chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi. Triệu chứng mờ nhạt, thậm chí không có triệu chứng, là một thách thức trong công tác phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở y tế, nhất là với những người làm việc ở nơi “đầu sóng ngọn gió”.
Nhân viên y tế kiểm tra mạch một bệnh nhân vừa được đưa vào Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Ảnh: YÊN LAN
Ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2
Theo BSCKII Phạm Hiếu Vinh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên - đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp nhận bệnh nhân nghi mắc và mắc COVID-19 để cách ly, điều trị, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, vấn đề quan trọng nhất là làm sao đảm bảo không để lây nhiễm SARS-CoV-2 từ người bệnh đến nhân viên y tế, đến người bệnh khác và môi trường bệnh viện. Vì vậy, trong nhiều biện pháp ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2, công tác sàng lọc được đặc biệt chú trọng, nhằm phát hiện và cách ly sớm người mắc hoặc nghi ngờ mắc COVID-19.
Tại chốt sàng lọc bố trí ngay cổng bệnh viện, nhân viên y tế cùng vệ sĩ được chia ca trực 24/24, với sự hỗ trợ của dân phòng. Nhân viên y tế sẽ kiểm tra thân nhiệt và tìm hiểu yếu tố dịch tễ tất cả những người vào bệnh viện, đặc biệt là bệnh nhân. Đối với những trường hợp cấp cứu được chuyển đến bệnh viện bằng xe cứu thương, xe sẽ đưa người bệnh đến Khoa Cấp cứu. Nhân viên y tế ở khoa này khám sàng lọc bệnh nhân ngay tại xe cứu thương. Nếu bệnh nhân có triệu chứng sốt, ho, khó thở, có yếu tố dịch tễ mà không nguy kịch thì xe cứu thương sẽ đưa đến khu cách ly để bác sĩ chuyên khoa Truyền nhiễm khám sàng lọc một lần nữa. Nếu nghi ngờ mắc COVID-19, người bệnh sẽ được đưa vào khu cách ly để lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm, điều trị, theo dõi; còn nếu đã được loại trừ ca bệnh nghi ngờ thì xe cứu thương đưa trở lại Khoa Cấp cứu để xử trí. Khoa này cũng đã chuẩn bị phương tiện phòng hộ cá nhân và các điều kiện khác, sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân nghi ngờ mắc COVID-19 trong tình trạng nguy kịch và xử trí cấp cứu tại đây như cho thở máy, đặt ống nội khí quản…, sau đó mời bác sĩ Khoa Truyền nhiễm đến để cùng hội chẩn và tiến hành các bước tiếp theo.
Theo BSCKII Trần Minh Tùng, Trưởng Khoa Cấp cứu, trước khi dịch bệnh bùng phát ở nhiều nơi, trung bình một ngày khoa tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân. Đến quãng thời gian cách ly toàn xã hội vừa qua, số ca nhập viện cấp cứu giảm, còn khoảng 60-70 ca/ngày. Bệnh nhân cấp cứu nhiều nhất là do bệnh lý tim mạch, ngoài ra có một số trường hợp chấn thương do tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt…
Trường hợp bệnh nhân bị tai nạn giao thông được đưa đến Khoa Cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, lại không có người nhà, nhân viên y tế không thể khai thác yếu tố dịch tễ để biết người bệnh có đến/ở/về từ vùng dịch hay không, có tiếp xúc gần với trường hợp mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 hay không. “Nếu bệnh nhân có dấu hiệu sốt hay có các triệu chứng về đường hô hấp thì bác sĩ sẽ sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân khi cấp cứu, sau đó hội chẩn với bác sĩ Khoa Truyền nhiễm, tiến hành làm xét nghiệm SARS-CoV-2 và các bước tiếp theo”, bác sĩ Trần Minh Tùng cho biết.
Dù thế nào vẫn phải lo cho người bệnh
Theo Bộ Y tế, SARS-CoV-2 chủ yếu lây truyền qua giọt bắn trong phạm vi gần với người mắc COVID-19 và qua đường tiếp xúc. Hơn 80% bệnh nhân COVID-19 chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi. Triệu chứng mờ nhạt, thậm chí không có triệu chứng, là một thách thức trong công tác phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở y tế, nhất là với những người làm việc ở nơi “đầu sóng ngọn gió”. Bác sĩ Trần Minh Tùng, người đã 20 năm làm việc trong môi trường cấp cứu, nói: “Có những trường hợp mắc bệnh nhưng không có triệu chứng gì, có người nhiễm virus đến ngày thứ 13, 14 mới có triệu chứng. Anh em trong khoa cũng lo nhưng thống nhất quan điểm là cấp cứu bệnh nhân trước hết, và sử dụng các phương tiện phòng hộ trước khi xử trí cấp cứu”.
Đầu tháng 4 vừa qua, có một trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 được đưa đến Khoa Cấp cứu. Bác sĩ Huỳnh Tuy Viễn, người xử trí ca này, cho biết đó là một bệnh nhân nam, khoảng 50 tuổi, có triệu chứng sốt, đau ngực, ho và khó thở. Người này đang điều trị lao hạch, một tuần trước đó đã vào TP Hồ Chí Minh tái khám và nhận thuốc. Bác sĩ Khoa Cấp cứu đã xử trí, sau đó mời bác sĩ Khoa Truyền nhiễm tới hội chẩn. Bệnh nhân được đưa đến khu cách ly, làm xét nghiệm sàng lọc, kết quả âm tính. Bệnh viện cũng báo ngay để Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đến khử trùng khu vực Khoa Cấp cứu.
Công tác trong môi trường cấp cứu đã 5 năm, bác sĩ Huỳnh Tuy Viễn chia sẻ: “Làm việc tại đây, anh em đã xác định: Dù bệnh nhân có yếu tố dịch tễ hay nghi ngờ mắc COVID-19 thì trước mắt mình vẫn phải lo cho người bệnh. Đó là công việc, là trách nhiệm, và mình thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế để tự bảo vệ”.
Điều dưỡng Bùi Thị Thu Điểm, người đã có 7 năm gắn bó với công việc cấp cứu, nói rằng làm việc tại khoa này nỗi lo thì rất nhiều, nhưng lo hơn cả không phải là lây nhiễm virus, mà là… áp lực từ người nhà bệnh nhân. “Chúng tôi hiểu rằng khi người thân bị bệnh hay gặp tai nạn, họ rất sốt ruột. Nhưng có những trường hợp mình đã giải thích, hướng dẫn, họ vẫn không nghe, không làm theo. Một số người rất nóng tính và hành xử theo suy nghĩ của họ. Tôi mong người nhà bệnh nhân hiểu cho công việc của các y bác sĩ và hợp tác với các y bác sĩ”, Thu Điểm nói.