Nhân viên Bưu điện đang hướng dẫn cách đưa nông sản lên Sàn tại HTX Miến Việt Cường
Thái Nguyên ưu tiên chuyển đổi số nông thôn
Ông Phạm Quang Hiếu, Phó Giám đốc Sở TT&TT Thái Nguyên cho biết, Chuyển đổi số nông nghiệp là một trong những ưu tiên trong Chương trình Chuyển đổi số của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 – 2025.
Trong giai đoạn vừa rồi, Sở TT&TT đã phối hợp với Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương và các đơn vị liên quan khác tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT như hỗ trợ trên website, đăng ký tên miền, đào tạo kỹ năng số cho các hộ sản xuất nông sản, các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đặc biệt là hỗ trợ 100% các sản phẩm OCOP lên sàn.
Trước đó, năm 2021 Sở TT&TT phối hợp Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương tham mưu cho Ủy ban tỉnh ban hành Kế hoạch số 177 ngày 7/10/2021 triển khai trực tiếp Kế hoạch 1034 của Bộ TT&TT. Đến thời điểm này đã có nhiều kết quả tích cực trong việc hỗ trợ các hộ SXNN lên sàn TMĐT, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Hiện tại, ở Thái Nguyên có gần 100.000 hộ SXNN được Postmart và Vỏ Sò đào tạo hướng dẫn; tính đến tháng 2/2022, cả 2 Sàn đã hỗ trợ 55.000 hộ SXNN lên sàn mở gian hàng với khoảng 1.500 sản phẩm. Thông qua đó, người dân đã học được các kỹ năng số, được đào tạo, hình thành thói quen mới, kinh doanh trên sàn, trên không gian số.
Ông Hiếu cũng cho biết, mặc dù trải qua đại dịch, nhưng nhờ việc đưa nông sản lên Sàn, Thái Nguyên có rất nhiều hộ sản xuất nông sản có kết quả kinh doanh rất tích cực. Điển hình là Hợp tác xã miến Việt Cường và Hợp tác xã chè Hảo Đạt…. Trong năm qua, hai HTX còn có thêm nhiều khách hàng mới qua kênh kinh doanh số.
Trong thời gian tới, Sở TT&TT sẽ phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện hỗ trợ 100% sản phẩm OCCOP của Thái Nguyên và tăng cường quảng bá cho các sản phẩm này, ông Hiếu khẳng định thêm.
Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Thái Nguyên Phạm Quang Hiếu
Bà Nguyễn Thúy Ngọc, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Thái Nguyên cho biết, hiện tại, tỉnh Thái Nguyên có 129 sản phẩm OCOP đã được công nhận. Trong thời gian tới, Bưu điện tỉnh sẽ đẩy mạnh bán 129 sản phẩm OCOP này. Đồng thời cũng tiếp tục mở rộng các hộ sản xuất kinh doanh tiêu biểu trên địa bàn để đưa được nhiều sản phẩm nông sản hơn nữa trên sàn TMĐT, hỗ trợ bà con nông dân trong việc thực hiện kinh tế số nông thôn, chuyển đổi số nông thôn tại Thái Nguyên.
Khi đưa hộ SXNN lên sàn, có thể bà con chưa quen với tiếp cận khoa học kỹ thuật, đặc biệt là vấn đề công nghệ, nhân viên bưu điện sẽ hỗ trợ bà con trong việc hướng dẫn đưa các sản phẩm nông nghiệp lên sàn và duy trì việc tương tác trên sàn TMĐT.
Nhân viên BĐVN hướng dẫn đóng gói chè theo đúng quy cách
Doanh thu tăng gấp đôi khi bán hàng trên Sàn Postmart
Chia sẻ về doanh thu đạt được trong năm 2021, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc HTX miến Việt Cường cho biết, kể từ khi tham gia bán hàng trên kênh TMĐT với 4 sản phẩm là miến dong, miến tỏi đen, miến sắn dây và miến khoai lang, doanh thu của HTX này đã tăng gấp đôi từ 10 tỷ năm 2020 lên 20 tỷ năm 2021.
Ông Sơn cho biết, khi tham gia sàn TMĐT Postmart, sản phẩm miến Việt Cường được nhiều người biết đến và được sử dụng. Hiện nay, Miến Việt Cường đã được tiêu thụ tại 63 tỉnh thành và là nhà cung cấp cho nhiều hệ thống siêu thị lớn trên toàn quốc. Vừa qua, HTX đã có hàng xuất khẩu sang Đài Loan, Campuchia, Lào...
Đặc biệt, trước đây, khi chưa tham gia bán hàng trên Sàn TMĐT, HTX phải tự đóng gói, vận chuyển bằng xe máy ra bến xe gửi hàng đi các tỉnh, thành phố gặp rất nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian, sản phẩm mới tới được tay khách hàng. Nhưng từ khi tham gia bán hàng trên Sàn Postmart, việc đóng hàng, vận chuyển hàng được Bưu điện hỗ trợ tại cơ sở của HTX, đội ngũ nhân viên Bưu điện đến trực tiếp HTX hỗ trợ đóng gói đúng quy cách và đúng quy trình vận chuyển.
Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX chè Hảo Đạt – Tân Cương, Thái Nguyên cho biết, HTX trước đây là một HTX nông nghiệp nông thôn, kết nối hạn chế. Những năm gần đây nhờ TMĐT, chuyển đổi số, HTX đã thực hiện giới thiệu, bán hàng qua sàn TMĐT, đặc biệt qua sàn Postmart. Từ khi “lên sàn” đã giúp HTX tăng sản lượng hàng bán. Đặc biệt, người tiêu dùng có thuận lợi là ngồi ở nhà có thể mua sản phẩm trên sàn TMĐT, không phải qua trung gian. Bên cạnh đó, Bưu điện còn hỗ trợ vào lấy sản phẩm để chuyển phát, tạo điều kiện tối đa nhất cho HTX và người nông dân.
Nỗ lực đưa nông sản đạt tiêu chuẩn 5 sao lên sàn TMĐT
Ông Nghiêm Tuấn Anh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Truyền thông,Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, Bưu điện Việt Nam có một mạng lưới rộng khắp 63 tỉnh thành phố, xuống tận cấp thôn xã. Vì vậy, năm 2022, Bưu điện Việt Nam sẽ phấn đấu tạo được 10 triệu tài khoản hoạt động trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn, bao gồm cả tài khoản người mua, người bán, đặc biệt ưu tiên chuyển đổi số cho các hợp tác xã, người nông dân trước đây chỉ quen với sản xuất, giờ được tiếp cận một kênh tiêu dùng mới. Họ có thể chủ động bán hàng trên sàn TMĐT, tiếp cận đa dạng các lớp khách hàng. Từ đó, giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh, cũng như là giải quyết được bài toán đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, giảm thiểu việc được mùa mất giá, không bị tư thương ép giá khi mà các thông tin về giá thành, chất lượng sản phẩm đều được minh bạch trên sàn TMĐT Postmart.vn.
“Năm 2022, chúng tôi sẽ không dừng lại ở những trái cây mùa vụ nữa mà chúng tôi sẽ còn cả những nông sản, đặc sản khác như sản phẩm OCOP, sản phẩm của các làng nghề, sản phẩm Make in Vietnam để đưa lên nền tảng sàn TMĐT thuần Việt như Postmart của Bưu điện Việt Nam để có thể lan tỏa những giá trị, những sản phẩm, sản vật của người nông dân, của các vùng miền đến tay người tiêu dùng trên khắp mọi miền Tổ quốc, ông Nghiêm Tuấn Anh nhấn mạnh./.