Ảnh minh họa
Du lịch cộng đồng có thể hiểu là mô hình du lịch mà cộng đồng dân cư là chủ thể cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho du khách và được chia sẻ các nguồn lợi do du lịch mang lại.
Thông qua các hoạt động phục vụ du khách đến tham quan, như: lưu trú, ăn uống, trải nghiệm văn hóa bản địa, bán quà lưu niệm địa phương..., du lịch cộng đồng không chỉ tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách, mà còn góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương, bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch, đồng thời tạo sinh kế giúp nâng cao thu nhập cho người dân.
Thời gian qua, du lịch cộng đồng ngày càng được mở rộng trên cả nước với nhiều mô hình phát triển khá thành công, giúp đời sống của cộng đồng dân cư được “thay da đổi thịt”, tiêu biểu như ở Hà Giang, Hòa Bình, Lai Châu, Lạng Sơn... ở khu vực miền núi phía bắc; Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Lâm Đồng... ở khu vực miền trung-Tây Nguyên; hay Đồng Tháp, An Giang, Long An, Vĩnh Long... ở khu vực miền nam.
Đặc biệt, những mô hình du lịch cộng đồng ở Làng du lịch cộng đồng Đá Bia (Hòa Bình), Khu Bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (Thái Nguyên), Điểm bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ (Lai Châu), Cộng đồng du lịch làng chài Tân Thành (Quảng Nam)... đã vinh dự được nhận Giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN. Đây đều là những “thỏi nam châm” đang thu hút đông đảo du khách trong nước, quốc tế tới trải nghiệm.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, sau gần 30 năm kể từ khi xuất hiện tại Việt Nam, du lịch cộng đồng ở một số nơi vẫn tồn tại những hạn chế nhất định.
Theo số liệu thống kê từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, tính đến năm 2020, ước tính cả nước có khoảng 300 làng, bản, thôn, xóm có hoạt động du lịch cộng đồng với hơn 5.000 homestay hoạt động, song chỉ có khoảng hơn 2.000 cơ sở được công nhận đạt chuẩn phục vụ du khách.
Trao đổi tại chương trình đối thoại về du lịch cộng đồng do Báo Đầu tư vừa thực hiện, ông Vũ Văn Tuyên, Phó Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC), Giám đốc Công ty du lịch Travelogy Việt Nam cho hay:
Thông thường, phải nghiên cứu thị trường, hành vi của khách du lịch cũng như mong muốn của họ khi đi du lịch, từ đó mới xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp dựa trên thế mạnh của đơn vị để chào bán cho khách. Nhưng có nhiều sản phẩm du lịch cộng đồng đang được thiết kế đi ngược lại quy tắc đó.
Ông Nguyễn Ngọc Bích, Chủ tịch HĐQT Công ty Rustic Hospitality Group, Giám đốc đổi mới sáng tạo của dự án Du lịch Thụy Sĩ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam cho biết thêm: Du lịch cộng đồng ở nhiều nơi trên đất nước ta đang vận hành theo hướng có gì phát triển đấy, không hề có đơn vị tư vấn, quản lý hay giám sát chất lượng dẫn đến tình trạng khai thác quá đà nguồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa.
Chẳng hạn, khi thấy nhu cầu du khách tăng, sẵn sàng xây dựng thêm những khu lưu trú, làm phá vỡ cảnh quan tự nhiên, thương mại hóa văn hóa bản địa, gây tổn thương và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững.
Từ thực tế nghiên cứu, hỗ trợ các thôn, bản phát triển du lịch cộng đồng, ông Vũ Văn Tuyên chia sẻ đặc biệt tâm đắc với cách làm du lịch của bản Nà Sự (Điện Biên).
“Đây là một bản nghèo, nằm cách khá xa trung tâm thành phố nhưng vẫn giữ nguyên được những nét văn hóa bản địa khi đón khách du lịch. Đáng chú ý, đây cũng là một trong những điểm du lịch cộng đồng đầu tiên ứng dụng mạnh mẽ và bài bản công nghệ 4.0 vào các hoạt động phục vụ du khách. Mã QR được dán ở cổng làng, các cửa nhà để khách du lịch dễ dàng truy cập, tìm hiểu về những nét văn hóa lịch sử nổi bật. Ứng dụng audio guide, bản đồ du lịch... cũng được đưa vào sử dụng, gia tăng khả năng tương tác với du khách. Đặc biệt, việc xây dựng hoạt động du lịch cộng đồng ở đây có sự vào cuộc rất nhanh và quyết liệt của chính quyền địa phương trong lắng nghe nhu cầu của người dân và doanh nghiệp để có những hỗ trợ kịp thời…”, ông Tuyên thông tin.
Theo ông Vũ Văn Tuyên, thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách, quy định liên quan đến phát triển du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, chính sách khi đưa tới các vùng, miền cần có sự hướng dẫn cụ thể, bài bản hơn.
Các địa phương cần có nguồn nhân lực chuyên trách trực tiếp làm việc với người dân để hướng dẫn, hỗ trợ họ các vấn đề liên quan theo kiểu cầm tay chỉ việc. Muốn phát triển du lịch cộng đồng bền vững, nhất thiết phải có định hướng, quy hoạch cụ thể.
Cơ quan quản lý nhà nước cùng doanh nghiệp và đại diện cộng đồng làm du lịch cần có những khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng về khả năng phát triển du lịch cộng đồng của điểm đến, từ đó xác định hướng khai thác phù hợp và đưa ra mô hình cụ thể. Mô hình ở miền biển sẽ khác ở miền núi, ngay ở miền núi thì mô hình ở Tây Bắc và Đông Bắc cũng phải khác nhau.
Đứng từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Bích nhận định: Hiện nay, mô hình du lịch cộng đồng ở nhiều nơi đang được định vị là phục vụ du khách có mức chi trả thấp, thu nhập của người dân chủ yếu đến từ cung cấp dịch vụ ăn, ngủ với giá rẻ nên doanh thu chưa cao.
Trong khi đó, du khách hiện nay có nhu cầu lớn về trải nghiệm du lịch, họ sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ cao cấp của du lịch cộng đồng. Nên thay vì chỉ khai thác trên chính ngôi nhà, thửa ruộng, mảnh vườn của mình, những chủ homestay cần biết kết hợp với các doanh nghiệp trong thu hút khách, khai thác các hình thức trải nghiệm văn hóa cộng đồng... trên cơ sở phân chia hài hòa lợi ích.
Đó là cách vừa giữ gìn, lan tỏa được văn hóa bản địa, vừa phát triển được du lịch cộng đồng một cách bền vững.