Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: VPHA)
Sáng 20/10, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội Y tế công cộng Việt Nam tổ chức hội thảo “Tăng cường công tác giám sát Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá” tại Đồng Tháp. Hội thảo có sự tham dự của 6 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long gồm: Sóc Trăng, Long An, An Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ.
Theo Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, từ khi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực từ ngày 1/5/2013, bước đầu đã có hiệu quả. Tỷ lệ nam giới hút thuốc giảm 2,1% (từ 47,4% xuống 45,3%), tỷ lệ nữ giới hút thuốc giảm 0,3% (từ 1,4% xuống 1,1%).
Tỷ lệ hút thuốc chung ở khu vực thành thị giảm 2,7% (từ 23,3% xuống 20,6%). Trong đó, tỷ lệ này ở nam giới giảm 5% (từ 47,7% xuống 42,7%). Qua 4 năm triển khai các hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá , đến nay đã tăng tỷ lệ người hút thuốc được tư vấn về phương pháp bỏ thuốc. Theo báo cáo này, tỷ lệ người hút thuốc lá được nhân viên y tế tư vấn bỏ thuốc tăng 10,8% (từ 29,7% lên 40,5%).
Tuy nhiên, việc thực thi Luật vẫn còn những điểm bất cập. Ở nhiều địa điểm công cộng, hiện tượng phơi nhiễm với khói thuốc thụ động còn phổ biến, đặc biệt là ở nhà hàng, quán bar và các quán cà phê. Thuốc lá vẫn được bày bán khắp nơi, mọi người đều dễ dàng có thuốc lá hút.
Bên cạnh đó, ý thức tuân thủ quy định cấm hút thuốc nơi công cộng của nhiều người còn chưa tốt, người không hút thuốc cũng chưa dám lên tiếng nhắc nhở hành vi hút thuốc không đúng nơi quy định; công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá chưa được thường xuyên. Điều này đòi hỏi nỗ lực không ngừng của các bên liên quan đến thực thi chính sách không khói thuốc.
Thêm vào đó, các kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy, xu hướng gia tăng của vi phạm quy định về cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá. Mặc dù tỷ lệ người hút thuốc giảm nhưng chưa đáng kể cho thấy còn nhiều việc phải làm để tăng cường hiệu quả của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá .
Theo bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, biện pháp căn cơ nhất để giám sát Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá là tăng cường giám sát của nhân dân. Đây là mô hình rất ấn tượng. Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị mặt trận các địa phương nghiên cứu mô hình này để áp dụng, đồng thời đề nghị Hội Y tế Công cộng Việt Nam và Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để triển khai mô hình này.
Phát biểu tại Hội thảo, Ông Đoàn Tấn Bửu – Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cũng đánh giá cao mô hình lấy người cao tuổi tình nguyện làm trung tâm trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Theo ông Bửu, dân số Đồng Tháp bắt đầu già hóa từ 2011 và chỉ có 18 năm trước khi chuyển sang cơ cấu dân số già. Khi đó, lực lượng người cao tuổi càng nhiều hơn nữa. Nếu sớm áp dụng mô hình này để đón đầu thì hoàn toàn có thể có thêm một lực lượng nòng cốt cho phát triển cộng đồng.