Giám đốc Nguyễn Văn Tiến - Người lãnh đạo tận tụy, sáng tạo
Dù bận nhiều công việc, Giám đốc Bưu điện tỉnh Nguyễn Văn Tiến vẫn dành thời gian để trò chuyện cùng chúng tôi. Những trải lòng của anh về duyên nợ với ngành đã phần nào giúp chúng tôi thấu hiểu và chia sẻ cùng anh về trách nhiệm nặng nề và đầy áp lực của người làm công tác quản lý, nhất là trong khoảng thời gian khó khăn khi chia tách 2 mảng Viễn thông và Bưu điện.
Anh tâm sự: “Khi nhận quyết định đảm nhiệm vai trò người “đứng mũi chịu sào” lĩnh vực được coi là khó khăn nhất lúc chia tách, bản thân tôi không tránh khỏi lo lắng. Làm thế nào để điều hành sản xuất kinh doanh phát triển trong môi trường cạnh tranh, đồng thời đảm bảo mọi chế độ, chính sách cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động là câu hỏi khiến tôi nhiều đêm trăn trở”.
Đi tìm lời giải cho những trăn trở đó, việc làm đầu tiên, anh cùng Ban lãnh đạo Bưu điện tỉnh xây dựng phương án sản xuất kinh doanh sát với định hướng của tỉnh, của ngành. Bắt đầu từ việc sắp xếp, cơ cấu lại bộ máy tinh gọn, hiệu quả. Đây là một bài toán không dễ, gây cho anh rất nhiều áp lực, nhất là lại được thực hiện trong thời điểm nhạy cảm, tư tưởng cán bộ đang có nhiều dao động. Nhưng với quyết tâm cao, sau một thời gian, anh và ban lãnh đạo đã nhanh chóng tạo dựng được đội ngũ cán bộ vững vàng về chuyên môn, nhiệt tình với công việc và năng động, sáng tạo trong tư duy. Thêm vào đó, cơ chế khoán đến người lao động được thực hiện trên cơ sở nghiên cứu, nắm bắt sát với tình hình thực tiễn, gắn trách nhiệm và quyền lợi vào công việc đã giúp đơn vị từng bước nâng cao hiệu quả công việc.
Trong chiến lược kinh doanh, anh chỉ đạo đơn vị tập trung đẩy mạnh đầu tư và khai thác đối với các dịch vụ đạt hiệu quả cao, các dịch vụ bưu chính cốt lõi, tạo nền tảng vững chắc để phát triển các dịch vụ gia tăng; tận dụng tối đa lợi thế về mạng lưới các điểm giao dịch, mạng đường thư để nâng cao sức cạnh tranh và tăng trưởng doanh thu. Trong đó, anh đặc biệt chú trọng đưa khoa học công nghệ vào các lĩnh vực cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Với hướng đi đúng đắn, Bưu điện tỉnh đã dần lấy lại thế chủ động trong phát triển.
Từ chỗ phải bù lỗ, đến nay, đơn vị đã dần tự cân đối nguồn thu. Năm 2012, doanh thu toàn đơn vị đạt 30,65 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu nhóm dịch vụ bưu chính chuyển phát tăng 18,5%; tài chính bưu chính tăng 82% so với cùng kỳ năm 2011.
Giám đốc Nguyễn Văn Tiến chia sẻ: Kết quả này có sự đồng lòng, chung sức nỗ lực phấn đấu không ngừng của đội ngũ cán bộ công nhân viên trong toàn đơn vị. Dẫu khó khăn, nhưng chúng tôi không nản lòng, vẫn quyết tâm bám trụ, xây dựng thương hiệu Bưu điện Vĩnh Phúc ngày càng toả sáng.
Anh cho biết thêm, thời gian tới, Bưu điện tỉnh tiếp tục vận động người lao động đổi mới tư duy và phương pháp kinh doanh, lấy khách hàng, thị trường và hiệu quả kinh doanh là vấn đề cốt lõi trong chiến lược phát triển. Đồng thời, mở thêm nhiều dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Chuyên viên quản lý dịch vụ phát hành báo chí Trần Thị Hoa: Yêu nghề từ trong gian khó
Gắn bó với Bưu điện tỉnh từ những ngày đầu thành lập, chị Trần Thị Hoa, chuyên viên quản lý phát hành báo chí đã cùng các đồng nghiệp của mình trải qua nhiều khó khăn, vất vả song vẫn quyết tâm gắn bó với nghề bằng niềm đam mê và tinh thần phục vụ tận tuỵ. Chị cho rằng, mỗi người đều có sự lựa chọn nghề riêng cho mình. Đã lựa chọn thì phải yêu nghề và cống hiến hết mình. Khi thuận lợi cũng như khó khăn phải chung sức, đồng lòng vì sự nghiệp chung. Có như vậy thì mới có thể góp phần đưa đơn vị mình vươn lên trụ vững trong mọi hoàn cảnh.
Với nhiệm vụ làm công tác quản lý phát hành báo chí toàn tỉnh, chị tích cực tham mưu cho lãnh đạo doanh nghiệp ban hành cơ chế, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhân dân nhận đặt mua báo. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy trình, thể lệ nghiệp vụ trong công tác phát hành báo chí, đặc biệt là khâu chuyển phát, không để xảy ra tình trạng khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực này.
Nhờ sự nhiệt tình, năng động của chị và các đồng nghiệp, những năm qua, Bưu điện tỉnh luôn làm tốt công tác phát hành báo; năm 2008, đơn vị phát hành 5 triệu tờ/cuốn; đến hết năm 2012, con số này tăng lên hơn 7 triệu tờ/cuốn.
Giao dịch viên Lê Hương Lan: Tất cả vì khách hàng
17 năm làm giao dịch viên - một công việc tương đối phức tạp mà mọi người vẫn thường gọi là “nghề làm dâu trăm họ”, chưa lần nào chị để khách phải tỏ thái độ bực mình vì đạo đức, tác phong giao dịch viên của chị. Với khách hàng, chị luôn phục vụ tận tình với phương châm “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”.
Chị luôn quan niệm rằng, hình ảnh của các giao dịch viên là ấn tượng đầu tiên của khách hàng về doanh nghiệp, nên ngoài trình độ nghiệp vụ vững vàng, mỗi giao dịch viên đều phải có kỹ năng giao tiếp, chăm sóc khách hàng thật tốt. Vì thế, chị không ngừng học hỏi, trau dồi kinh nghiệm giao tiếp để có thể xử lý tốt mọi tình huống. Theo chị, yếu tố quan trọng nhất mà một giao dịch viên phải có và cũng là thử thách không dễ dàng vượt qua là phải biết “chiều” khách hàng, nhất là đối với những khách hàng khó tính. Khi đã có những thắc mắc khiếu nại, khách hàng thường ở tâm trạng bực bội, khó chịu và thậm chí còn dùng cả những lời lẽ rất nặng nề. Gặp những tình huống như vậy, chị thường tiếp họ với thái độ lắng nghe, chia sẻ. Nhờ vậy, chị có thể hiểu ngay những thắc mắc của khách hàng là gì và không bị cuốn theo những cảm xúc bực tức của họ để giữ được thái độ bình tĩnh và dùng lời lẽ mềm mỏng để làm dịu đi sự nóng giận tức thời.
Chị tâm sự: “Công việc của chúng tôi có những đặc trưng riêng, rất bận rộn vào giờ cao điểm, khi mọi người tan tầm, nhất là dịp cuối năm. Tết đến lại càng bận rộn hơn do nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng tăng cao. Nhiều khi làm việc vất vả, lại nghe lời phàn nàn của khách hàng cũng chẳng nhẹ nhõm chút nào. Cũng may là người thân trong gia đình đều hiểu và cảm thông, tạo điều kiện cho tôi hoàn thành tốt công việc của mình.Niềm vui trong mỗi ngày làm việc đối với chúng tôi thật đơn giản. Một câu cảm ơn, một lời khen hay động viên của khách hàng cũng đủ để chúng tôi quên đi mệt nhọc và yêu nghề hơn”.