Ảnh minh họa
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND TPHCM về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, Sở VH-TT đã thực hiện trao đổi 100% văn bản do sở ban hành thông qua môi trường mạng (trừ văn bản mật và các văn bản không được gửi qua mạng theo quy định).
Theo Sở VH-TT TPHCM, vấn đề khó khăn nhất là việc trao đổi, giao dịch các loại văn bản, tài liệu điện tử trên môi trường mạng luôn tồn tại các nguy cơ về an toàn thông tin như: đánh cắp hoặc sửa đổi thông tin, mạo danh người gửi.... Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải có phương thức đảm bảo để thông tin, tài liệu trao đổi trên mạng phải được toàn vẹn, xác định được nguồn gốc và chống chối bỏ trách nhiệm của các bên tham gia giao dịch.
Dựa trên cơ sở các quy định hiện hành của pháp luật, việc xác thực đối với văn bản giấy được thực hiện thông qua chữ ký tay của người gửi và con dấu của tổ chức; đối với văn bản, tài liệu điện tử thì được thực hiện bằng chữ ký điện tử, chữ ký số đã được kiểm chứng là giải pháp đảm bảo tính an toàn (theo Luật Giao dịch điện tử năm 2005).
Do đó, việc ứng dụng chữ ký số, chữ ký điện tử trong các giao dịch trên môi trường mạng của các cơ quan quản lý nhà nước là nhu cầu cần thiết để phục vụ công tác cải cách thủ tục hành chính, từng bước xây dựng chính quyền điện tử. Việc triển khai ứng dụng chữ ký số, chứng thư số có hiệu quả sẽ bảo đảm được sự an toàn, độ tin cậy cho các giao dịch điện tử trong công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Trên cơ sở nghiên cứu các quy định của pháp luật tại Luật Giao dịch điện tử 2005 số 51/2005/QH11, Nghị định số 130/2018/NĐ-CP, Nghị định số 30/2020/NĐ-CP về công tác văn thư, Sở VH-TT đã xây dựng Giải pháp “Thí điểm trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử” và đưa vào vận hành thử nghiệm từ ngày 26-9-2022 đối với 2 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực văn hóa cơ sở, gồm: Thủ tục tiếp nhận hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn và Thủ tục tiếp nhận thông báo tổ chức đoàn người thực hiện quảng cáo.
Theo đó, toàn bộ quá trình giải quyết thủ tục hành chính từ bước tiếp nhận, xử lý đến trả kết quả cho các tổ chức, cá nhân thông qua hộp thư điện tử được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng. Sau hơn 2 tháng vận hành thử nghiệm, Sở VH-TT đã xử lý và trả kết quả giải quyết điện tử cho hơn 600 hồ sơ.
Theo đại diện Sở VH-TT, qua đánh giá ban đầu, việc áp dụng giải pháp mang lại nhiều hiệu quả tích cực như: tiết kiệm ngân sách bởi giảm chi phí in ấn giấy tờ; rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ; việc lưu trữ hồ sơ tiện lợi, dễ tra cứu; công tác quản lý Nhà nước được thực hiện nhanh, thuận lợi hơn; đảm bảo tính pháp lý của kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử quy định của pháp luật; nâng cao tính chuyên nghiệp trong công tác phục vụ người dân; người dân không phải lo lắng về tình trạng mất, quên hay hư hỏng giấy tờ… Đánh giá giải pháp mang lại hiệu quả tốt, Sở VH-TT TPHCM đã chính thức ra mắt giải pháp này vào ngày 30-11.