Xét nghiệm sàng lọc các ca F0 trong cộng đồng. Ảnh: TTXVN
Dịch “nóng” lên từng ngày
Những ngày gần đây, số ca nhiễm SARS-CoV-2 đang có dấu hiệu tăng trên cả nước, số ca mắc liên tục ở mức trên 10.000 ca/ngày như: Ngày 8/12 có 14.599 ca nhiễm mới, ngày 7/2 có 13.840 ca nhiễm mới, ngày 6/12 có 14.591 ca … Đặc biệt số ca tử vong những ngày gần đây cũng có dấu hiệu tăng khi số F0 tăng lên; trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 204 ca/ngày.
Đặc biệt, dịch COID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại một số tính phía Nam như: Cần Thơ, Tây Ninh, Sóc Trăng, Bà Rịa- Vũng Tàu, An Giang, Cà Mau… Cụ thể, Cần Thơ đang có số ca mắc gia tăng, hiện đã trên 30.000 ca, Thành phố đang ở cấp độ dịch 3. Tại Cà Mau, trong 10 ngày qua, số ca mắc COVID-19 tại TP Cà Mau tăng nhanh, với số ca mắc đã vượt 2.000 ca, trong đó hơn 50% là ca trong cộng đồng. Tại Đồng Tháp đến nay cũng ghi nhận tổng số 26.612 ca, đã có 312 ca tử vong…
Không chỉ các tỉnh phía Nam, Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc cũng đang gồng mình ứng phó với sự gia tăng số ca F0.
Riêng tại Hà Nội, thời gian gần đây số ca mắc ghi nhận đã tăng lên hàng trăm ca mỗi ngày; đỉnh điểm trong ngày 6/12, Hà Nội đã ghi nhận tới 774 ca F0, trong đó có 280 ca cộng đồng. Với hàng trăm ca cộng đồng mỗi ngày, nguy cơ dịch lây lan rộng là rất lớn.
Trước tình hình số ca mắc COVID-19 tăng cao, các tỉnh phía Nam đã phải “đổi màu” cấp độ dịch ở nhiều nơi, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch như: Áp dụng nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế tình trạng người dân ra đường khi không thật sự cần thiết, đảm bảo an toàn phòng dịch trong sản xuất, những nơi công cộng…. Các tỉnh cũng đề xuất Bộ Y tế để được chi viện thêm nhân lực từ hỗ trợ công tác điều trị; cấp thêm vaccine để tiêm mũi bổ sung và thuốc kháng virus phục vụ điều trị F0 tại nhà có kiểm soát; hỗ trợ máy thở…
Riêng tại Hà Nội, nhiều biện pháp đã được triển khai để ứng phó với tình hình F0 đang tăng nhanh như: Chấn chỉnh công tác phòng dịch tại các địa bàn, các cơ sở y tế, nơi công cộng; xây dựng các trạm y tế lưu động; triển khai thực hiện cách ly F1, F0 tại nhà; bố trí các cơ sở trực vận chuyển người bệnh…
Để hỗ trợ cho các địa phương chống dịch, nhất là các tỉnh phía Nam, Bộ Y tế đã tiếp tục điều động nhân lực từ các bệnh viện tuyến trung ương hỗ trợ trong quản lý, điều trị COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh và 10 tỉnh phía Nam. Các bệnh viện tuyến trung ương cử chuyên gia hồi sức có kinh nghiệm đến các tỉnh để hỗ trợ điều trị, đồng thời chú trọng triển khai tập huấn, nâng cao năng lực điều trị cho y bác sĩ tại chỗ.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: “Thực tế cho thấy chúng ta sẽ tiếp tục phải đối mặt với tình trạng gia tăng ca nhiễm COVID-19 vì tại nhiều địa phương vẫn còn tình trạng người dân không thực hiện nghiêm các khuyến cáo của ngành y tế về phòng chống dịch, lơ là, chủ quan... Khi số ca mắc gia tăng, đương nhiên bệnh nhân nặng sẽ tăng và con số tử vong cũng sẽ có thể tăng. Do vậy chúng ta cần nỗ lực để giảm số ca tử vong".
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng lưu ý các địa phương, đối với những nơi thuộc cấp độ dịch 3 và 4 phải thực hiện nghiêm, triệt để các biện pháp phòng chống dịch, nhất là các khu vực thuộc cấp độ 4 để có thể kiểm soát số ca mắc. Cùng với đó, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phân bổ vaccine phục vụ nhu cầu tiêm chủng của các địa phương.
Ý thức là “vaccine” hiệu quả nhất
Trước tình hình số ca bệnh tăng cao, các chuyên gia cho rằng, khi cuộc sống trở lại bình thường mới, nhiều người dân có tâm lý chủ quan khi đã tiêm vaccine, nên dịch rất dễ lan rộng.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), hiện nay nhiều người dân có biểu hiện chủ quan vì có “thẻ xanh vaccine COVID-19”. Sự chủ quan dẫn tới không tuân thủ nghiêm khuyến cáo phòng dịch 5K, là điều kiện khiến dịch COVID-19 lây lan. Các cấp chính quyền, các tỉnh, thành phố cần tuyên truyền để người dân hiểu rõ tiêm vaccine vẫn có thể nhiễm virus SARS-CoV-2. Đặc biệt, người đã tiêm vaccine khi nhiễm SARS-CoV-2 vẫn có thể lây cho người khác; đáng lo ngại là lây nhiễm cho những người chưa tiêm hoặc không thể tiêm vaccine, những người có bệnh nền…
Còn theo PGS. TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), lúc này ý thức phòng dịch của người dân rất quan trọng. Người dân không nên có tâm lý coi vaccine như “lá bùa hộ mệnh”, tự cho rằng đã tuyệt đối an toàn khi đã được tiêm vaccine. Qua nhìn nhận từ các nước cho thấy, nhiều người tiêm vaccine vẫn mắc COVID-19, thậm chí vẫn tử vong; bởi với người có bệnh nền rất nặng thì dù có tiêm vaccine vẫn sẽ xảy ra tình huống xấu.
Theo đó, tuy tỷ lệ tử vong với người đã tiêm vaccine thấp bằng 1/10 người chưa tiêm; nhưng điều đó cho thấy tất cả mọi người, không loại trừ nhóm nào, nhất là những người có bệnh lý nền, người cao tuổi, phụ nữ có thai… dù đã được tiêm vaccine phòng COVID-19, vẫn phải tuân thủ 5K, đặc biệt quan trọng là đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, nơi có nhiều người.
“Bên cạnh tiêm vaccine đầy đủ thì việc thực hiện tốt 5K, trong đó có tuân thủ khẩu trang, đảm bảo giãn cách mới là gốc rễ trong phòng tránh lây nhiễm COVID-19 trong bối cảnh hiện nay”, PGS. TS Nguyễn Huy Nga khuyến cáo.